Dân Việt

Hà Nội cho đổi khu vực tuyển sinh lớp 10, nhà văn Hoàng Anh Tú: "Đến bao giờ hết hồi hộp như chơi xổ số?"

Tào Nga 14/04/2021 06:39 GMT+7
Sau khi Hà Nội cho phép đổi khu vực tuyển sinh, nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: "Dù biết rằng thi cử là chuyện nghiêm túc chứ không phải trò chơi xổ số nhưng bao nhiêu phụ huynh vẫn cứ toát mồ hôi, nín thở, hồi hộp dò số như hiện nay?".

Hà Nội cho phép đổi khu vực tuyển sinh: Phụ huynh nhẹ nhõm

Ngày 12/4, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022, trong đó có nội dung về các trường hợp không theo quy định về khu vực tuyển sinh và đổi khu vực tuyển sinh.

Thông tin này khiến không ít phụ huynh bày tỏ vui mừng và nhẹ nhõm vì học sinh được đăng ký nguyện vọng vào những ngôi trường mình yêu thích. Đặc biệt là những phụ huynh có hộ khẩu ở Thanh Trì, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm.

Hà Nội cho phép đổi khu vực tuyển sinh: Đến bao giờ phụ huynh, học sinh mới hết phải "chơi sổ số"? - Ảnh 1.

Hà Nội cho phép đổi khu vực tuyển sinh. (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Anh Thơ (quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Ngay từ khi con vào cấp 2 tôi đã có kế hoạch cho con vào cấp 3 một trường ở quận Cầu Giấy ở gần nhà. Sau khi nghe thông báo của Sở là hộ khẩu quận nào về quận đó khiến cả nhà vô cùng hụt hẫng. Con tôi tỏ thái độ buồn hẳn vì bao nhiêu kế hoạch của con và bố mẹ đổ vỡ. Bây giờ việc đăng ký nguyện vọng vào các trường lại như xưa, gia đình tôi thở phào nhẹ nhõm".

Đến bao giờ phụ huynh, học sinh mới hết phải "chơi xổ số"?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng có con năm nay thi vào lớp 10 cho biết: "Tôi và rất nhiều phụ huynh có con năm nay thi cấp 3 hẳn phải cười ra nước mắt với một bình luận: "Đến bao giờ thì quy định tuyển sinh thống nhất thành tiêu chuẩn được? Chứ năm nào cũng thấy phụ huynh và học sinh hồi hộp chờ quy định tuyển sinh giống như chờ kết quả xổ số".

Trong khi các tỉnh thành khác công bố quy định tuyển sinh từ rất sớm, Hà Nội phải chờ đến 19/2. Quy định, hướng dẫn tuyển sinh đưa ra hôm ấy đã khiến hàng ngàn phụ huynh khóc ròng bởi quy định về hộ khẩu, về việc học sinh phải thi 4 môn thay vì 3 môn như TP.HCM, về việc môn thi thứ 4 là gì phải chờ đến cuối tháng 3 mới công bố. 

Trên nhiều diễn đàn, các phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay thực sự đã bị cho ngồi trên chảo lửa. Nhất là ngày thi của Hà Nội cũng đưa ra là cuối tháng 5/2021, sớm hơn 1-2 tuần so với các tỉnh thành khác.

Chẳng phải so đâu xa, cứ so với TP.HCM thôi đã thấy thiệt thòi trăm mối rồi. Nào là thời gian thông báo của TP.HCM là tháng 10/2020, nào là TP.HCM thi 3 môn, nào là tháng 6/2021 mới thi… Rõ ràng, học trò sinh năm 2006 ở Hà Nội thiệt đơn thiệt kép so với các anh chị của chúng rồi. 

Thi vào 10 ở Hà Nội thì quá khó khi mà chỉ có 62% trong số 91.000 học sinh đỗ vào các trường công lập. Trong con số 62% ấy, để đỗ vào trường lũ trẻ yêu thích thì còn ít ỏi hơn bởi rào cản của sổ hộ khẩu. 

Muốn không phụ thuộc vào sổ hộ khẩu thì phải học giỏi hơn, điểm cao hơn các bạn khác từ 1-2 điểm so với điểm chuẩn. Sổ hộ khẩu trở thành tấm lệnh bài có giá trị vô song. Tôi biết, nhiều phụ huynh kêu gào không được đã buộc phải bỏ cả đống tiền ra chỉ để chạy một cửa nhập hộ khẩu cho con vào khu vực có trường con muốn học. Bởi trong quy định chẳng cần biết đứa trẻ nhập hộ khẩu từ bao giờ, miễn là có hộ khẩu khu vực đó là được.

Hà Nội cho phép đổi khu vực tuyển sinh: Đến bao giờ phụ huynh, học sinh mới hết phải "chơi sổ số"? - Ảnh 2.

Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú.

Trong suốt 2 tháng qua, tôi không biết bao nhiêu phụ huynh buộc phải "đi đường hầm" để con được thi không bắt cộng điểm, bao nhiêu cuốn hộ khẩu được nhập khẩu thêm những đứa cháu, đứa em, đứa con nuôi sinh năm 2006 vào sổ? Đùng một cái, ngày 12/4, sau gần 2 tháng, Sở lại ra một thông báo mới. 

Như vậy, quy định về đổi khu vực tuyển sinh năm nay về cơ bản không có thay đổi gì so với năm trước. Tức là Sở đã loại bỏ yêu cầu theo sổ hộ khẩu đã gây bão dư luận. Mọi thứ lại trở về như cũ, chỉ khác là vẫn thi 4 môn và "Lịch sử lặp lại" theo đúng nghĩa đen như năm đầu tiên Hà Nội tổ chức thi 4 môn: 2019.

Để sửa chữa một quyết định, Hà Nội cũng lại mất 2 tháng để… suy nghĩ. Chỉ là lũ trẻ và cha mẹ chúng không nhiều thời gian như vậy khi mà kỳ thi thì cận kề, ai cũng "tưởng" năm 2019 đã thi Lịch sử rồi thì 2021 không lặp lại nhanh đến thế. Dù biết rằng thi cử là chuyện nghiêm túc chứ không phải trò chơi xổ số nhưng bao nhiêu phụ huynh vẫn cứ toát mồ hôi, nín thở, hồi hộp dò số như hiện nay?".

Cuối cùng, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú bày tỏ mong muốn mùa tuyển sinh năm sau hãy để học sinh có sự chuẩn bị tâm lý ôn thi, phụ huynh yên tâm đồng hành cùng con:

"Là một phụ huynh có con thi vào 10 năm nay, tôi vốn dĩ là chẳng quan tâm đến việc sang năm Sở sẽ thêm "sáng kiến" nào nữa. Nhưng là một nhà báo quan tâm đến giáo dục nước nhà, tôi thật mong Sở GD-ĐT Hà Nội nếu giữ nguyên những gì đã làm năm 2021 này cho 2022 thì đừng ra thêm sáng kiến nữa để gần đến phút chót lại "xí xoá ván cờ","thay đổi luật chơi". 

Hãy công bố sớm hơn, vào hẳn tháng 9/2021 đi, cho những đứa trẻ sinh năm 2007 bước vào lớp 9 là biết cuối năm mình sẽ phải thi mấy môn, quy định thế nào, thời gian thi ra sao? Để các phụ huynh yên tâm cùng con dùi mài kinh sử sẵn sàng tâm thế bước vào một kỳ thi nghiêm túc, minh bạch, công bằng. Nếu công bố sớm, dù sáng kiến có là tối kiến thì phụ huynh cũng có thời gian để thích nghi và kể cả việc lên tiếng, còn thời gian để sửa.

Năm 2021 rồi, Bộ GD-ĐT đã có Tân Bộ Trưởng rồi, liệu có được không sự thống nhất trong thi cử giữa các vùng miền? Để học sinh Hà Nội đừng thấy mình thiệt thòi hơn học sinh TP.HCM. Lũ trẻ ấy, dù chúng sinh ra ở Hà Nội hay sinh ra ở TP.HCM thì chúng vẫn là những đứa trẻ 15 tuổi. Thi 4 môn cũng được, 5 môn cũng được mà 6-7-8-9 môn cũng chẳng sao cả, miễn là đừng chơi trò ú tim, đừng úp mở, đừng đợi đến giờ quay số mới biết con số của hôm nay là con số nào…".