Theo ghi nhận của PV, giá tiêu hôm nay tại các vùng nguyên liệu tiếp tục trầm lắng. Giá tiêu cao nhất hiện nay ghi nhận được tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), được thu mua ở mức 73.500 đồng/kg, giảm nhẹ 500 đồng/kg so với hôm qua.
Giá tiêu tại Bình Phước cũng giảm 500 đồng/kg, còn 72.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu đạt bình quân 71.500 đồng/kg, giảm nhẹ 500 đồng/kg.
Giá tiêu tại Gia Lai đứng yên ở mốc 70.000 đồng/kg.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá tiêu tại thị trường trong nước tăng đột biến trong tháng 3. Tính chung quý I/2020, giá tiêu trong nước biến động tăng với mức tăng từ 16.000 – 18.500 đồng/kg. Nguyên nhân giá hạt tiêu tăng do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu có khởi sắc.
Một số chuyên gia cũng nhận định, nếu giá tiêu vẫn neo trên 70.000 đồng/kg như hiện nay thì thị trường có thể sẽ biến động trong cuối tháng 4. Đó cũng là thời điểm bà con nông dân kết thúc vụ thu hoạch tiêu, sản lượng tiêu sẽ dồi dào hơn so với đầu vụ.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm nay chỉ đạt khoảng 170.000 - 180.000 tấn, giảm 25 - 30% so nhiều vùng trồng tiêu mất mùa, giảm năng suất, chết do dịch bệnh...
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trên thị trường xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã xuất khẩu được 61.621 tấn, trị giá đạt 180 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 23,4% nhưng kim ngạch tăng 2,2%.
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, lượng nhập khẩu đạt 13.933 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc nhập 11.506 tấn tiêu từ Việt Nam, giảm 2,9%.
Một số thị trường có lượng nhập khẩu tiêu từ Việt Nam tăng như Ả Rập, Hà Lan, Anh, Ireland, Canada,… Trong khi, một số thị trường lại giảm nhập khẩu như Pakistan, Ấn Độ, Đức, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc,…
Đứng đầu nhập khẩu tiêu trắng của nước ta là Hà Lan, Mỹ, Đức và Trung Quốc. Theo VPA, Olam vươn lên trở thành doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong 3 tháng đầu năm 2021, với lượng xuất khẩu đạt 4.896 tấn, tuy nhiên so với cùng kỳ giảm 6%. Được biết, Olam là tập đoàn kinh doanh nông sản và thực phẩm hàng đầu thế giới, trụ sở tại Singapore. Từ năm 2004, Olam bắt đầu thu mua hồ tiêu của Việt Nam để xuất khẩu.
Tiếp theo là Nedspice, xuất khẩu đạt 4.731 tấn, tăng 19,4%; Trân Châu xuất khẩu 4.019 tấn, giảm 54,3%. Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng như Liên Thành, Gia vị Sơn Hà, Intimex Group, Harris Freeman, Unispice, Expo Commodities.
Xuất khẩu nhiều tiêu trắng nhất hiện nay là các doanh nghiệp: Nedspice, Olam, Phúc Lợi, Liên Thành, Trân Châu, Phúc Sinh, Phúc Thịnh,… Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu hiện đạt khoảng 5.330 USD/tấn.
Mặc dù là quốc gia chiếm tới gần 60% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu (năm 2020), song hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng hạt tiêu nhất định.
Theo thống kê sơ bộ của VPA, trong quý 1/2021, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhập khẩu 8.143 tấn hạt tiêu từ một số thị trường. Trong đó, nhập khẩu tiêu đen 5.731 tấn, tiêu trắng 2.412 tấn. So với cùng kỳ năm 2020, lượng nhập khẩu tăng 5,8%.
Indonesia và Brazil là 2 quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 81,8% tổng lượng nhập khẩu. Đáng chú ý là lượng nhập khẩu hồ tiêu chính ngạch từ Campuchia tăng tới 238,5%, đạt 606 tấn.
Olam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, song doanh nghiệp này cũng nhập khẩu nhiều hạt tiêu nhất trong quý 1, đạt 3.155 tấn, chiếm 38,8% tổng lượng nhập khẩu và so cùng kỳ tăng 7,3%.
Tiếp theo là Harris Freeman nhập khẩu 820 tấn, giảm 21,5%. Gia vị Sơn Hà nhập khẩu lớn thứ 3 và có lượng nhập khẩu tăng đột biến 286,8% đạt 789 tấn.
Hiện, Indonesia đang là nhà cung cấp tiêu trắng lớn nhất cho Việt Nam với 2.403 tấn, chiếm 99,6% tổng lượng nhập khẩu tiêu trắng của Việt Nam.