Sáng 16/4, tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19, đại diện Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 theo đúng đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21; hoàn thành trước ngày 15/5.
Riêng với Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, thời hạn được đẩy lên sớm hơn, trước 5/5 phải kết thúc tiêm hết số liều vắc xin Covid-19 đợt 2 này. Hiện vắc xin Covid-19 nhập về Việt Nam có hạn sử dụng trước 31/5.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, trong cuộc họp Chính phủ ngày 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu không được phép để một liều vắc xin Covid-19 nào phải huỷ vì không tổ chức tiêm. Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc xin nếu địa phương không tổ chức tiêm.
Cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 kết nối tới hàng trăm điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Trần Minh
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho hay, đến nay đã có 49/63 tỉnh/thành phố tiếp nhận vắc xin Covid-19, 14 tỉnh sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới.
Trong đó, 28 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 tỉnh (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng với khu vực miền Nam đã có 8 tỉnh, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới.
Đến nay, sau hơn 1 tháng tổ chức, Việt Nam đã tiêm cho 73.000 người. Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế.
Phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, thậm chí thấp hơn các phản ứng sau tiêm ở một số loại vắc xin đã tiêm từ nhiều năm nay tại Việt Nam như vắc xin 5 trong 1. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm vắc xin AstraZeneca.
Tỷ lệ phản ứng nặng/quá mẫn nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 của Việt Nam là 1%o với 5 trường hợp. Qua đánh giá, các trường hợp này chỉ phải theo dõi nhưng vẫn xếp vào phản ứng nặng sau tiêm, đều bình phục sau 1-2 ngày khi xử lý theo quy trình, quy định.
"Không có bất cứ trường hợp nào bị huyết khối sau tiêm tại Việt Nam" – lãnh đạo ngành Y tế khẳng định.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thế giới đang có hiện tượng vắc xin cung cấp không đủ mua, đang ở trong "cuộc đua tranh khốc liệt". Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vắc xin Covid-19 sớm nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vắc xin, thậm chí "phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vắc xin".
Hiện Việt Nam đã có hơn 900.000 liều vắc xin Covid-19 và tiếp tục đàm phán để có thêm nguồn cung vắc xin.
Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng lưu ý, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam và khu vực Tây Nam bộ, do đó cần tăng cường phòng chống dịch khu vực này, thực hiện nghiêm việc cách ly y tế các trường hợp nhập cảnh.
Đường biên giới chỉ là cột mốc, có bốt gác nhưng không thể đảm bảo hết được, do đó, các địa phương có người nhập cảnh về cần cách ly ngay, xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tầm soát giám sát, cách ly các ca nhiễm.
Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế cần tầm soát thường xuyên, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, quét mã QR code nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, truy vết kịp thời.