Dân Việt

Gánh bệnh nhân đi cấp cứu, chạy đua với "tử thần"

Đỗ Quyên 19/04/2021 07:24 GMT+7
Không có phương tiện tối tân hiện đại, “đường đua với tử thần” của người dân vùng núi cao Quảng Ngãi chạy bằng “động cơ 2 chân”. Chạy càng nhanh, sinh mạng ở tấm võng trên vai họ càng có cơ hội sống sót.

Cả làng chạy marathon tiếp sức

Đầu tháng 4/2021, vì vận động mạnh, bà Hồ Thị Mương bị đau đột ngột ở cột sống, cơn đau kéo đến bất ngờ khiến bà khuỵu xuống. Không tốn quá nhiều thời gian, đàn ông trai tráng thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) nhanh chóng tập hợp, dùng chiếc võng cột vào 2 đầu thân cây, người bị đau được đặt vào giữa võng.

Gánh bệnh nhân đi cấp cứu, chạy đua với "tử thần" - Ảnh 1.

Người bị bệnh nặng, dân làng phải khiêng võng chạy ra đường để gọi xe cấp cứu

Hai thanh niên đứng ở 2 đầu võng, chạy băng băng trên con đường đầy sỏi đá. Bên cạnh họ là dăm chiếc xe máy, xe nào cũng có vài đàn ông, thanh niên trẻ khỏe đang sẵn sàng để hỗ trợ. Ai không có xe thì chạy bộ. Những chiếc xe nhảy chồm chồm trên con đường núi khúc khuỷu, dốc đứng. Vừa võng, vừa xe, vừa người chạy bộ, tất cả kéo thành hàng dài như chơi rồng rắn.

Qua mỗi cụm dân cư đông nóc nhà, hàng dài càng dài thêm. Hai thanh niên khiêng võng chạy được một đoạn, thấm mệt thì có người thay phiên. Ông Hồ Chí Thành- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây cũng tham gia vào cuộc marathon tiếp sức này.

“Đường xấu quá mà bà Mương thì đau dữ lắm, không cho ngồi xe máy được, đành phải khiêng võng chạy, quãng đường dài khoảng 8km”, ông Thành cho hay.

Gánh bệnh nhân đi cấp cứu, chạy đua với "tử thần" - Ảnh 2.

Ông Hồ Chí Thành - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây cùng tham gia gánh võng đưa bà Mương đi cấp cứu

Giữa trời nắng nóng, đoàn người gánh võng cứ mải miết chạy tiếp sức vượt qua các con dốc, băng ra phía đường lộ để đưa người bệnh đến trạm xá. Gần 2 tiếng chạy bộ, đoàn người đưa bà Mương đến trạm xá thành công, ai nấy mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại. Có người dốc ngược chai nước, ngửa cổ tu ừng ực cho đã cơn khát.

Những cuộc đua cứu người không báo trước

Ngót nghét 10 năm lập làng ở khu tái định cư, người dân thôn Tre, xã Trà Tây, huyện Tây Trà đã quá quen thuộc với cảnh đoàn người rầm rập khiêng võng chạy đi cấp cứu.

Ở thôn Tre, đường sá chưa được đầu tư xây dựng, xe máy đi lại đã rất khó khăn. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì khủng khiếp, bùn đất nhầy nhụa, đá lởm chởm dưới chân, xe máy cũng “chết cứng”, nói chi đến xe ô tô. Bởi vậy, suốt 10 năm qua, mỗi lần có người bệnh nặng, đau bụng chuyển dạ, dân làng lại hò nhau khiêng võng.

Bệnh nhẹ thì khiêng chạy ra trạm xá, bệnh nặng thì khiêng chạy ra ủy ban xã rồi gọi xe cấp cứu tới đón, đưa đi bệnh viện huyện hoặc xuống thẳng dưới tỉnh. Dù bằng cách gì thì cũng rất tốn thời gian và vất vả.

“Sợ nhất là đau đẻ với đau ruột thừa... vừa khiêng võng vừa chạy mà bụng dạ cứ thon thót, chỉ lo chạy không kịp thì họ chết giữa đường”, anh Hồ Văn Chung, 38 tuổi người làng Tre, cho hay.

Anh Chung cùng gia đình rời nơi ở cũ lên tái định cư ở khu vực này đã gần 10 năm. Trong thời gian ấy, anh không đếm nổi đã bao nhiêu lần tham gia gánh võng đưa người đi cấp cứu, chỉ những lần nào quá đặc biệt anh mới nhớ.

“Cách đây chừng 6 năm, có người trong thôn bị hở van tim đi cấp cứu. Đường xa lại ban đêm, trời mưa nữa... chạy giữa đường thì võng đứt, bà ấy rơi xuống đập đầu vào đá, máu chảy lênh láng. Cả làng chết điếng, vừa bệnh tim vừa thêm cú ngã nên chỉ sợ bà ấy chết. Cuối cùng vẫn đưa xuống bệnh viện nhưng rất buồn là bà ấy không sống nổi”, anh Chung kể.

Không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, cứ có người bệnh, người sắp đẻ thì đàn ông trai tráng trong làng nhanh chóng tập hợp, sẵn sàng... chạy!

Trước Tết Nguyên đán 2021, Hồ Thị Lý (19 tuổi) trở dạ. Suốt một ngày vẫn không sinh được, gia đình quyết định đưa đi cấp cứu.

Gánh bệnh nhân đi cấp cứu, chạy đua với "tử thần" - Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Lý và con trai

Gánh bệnh nhân đi cấp cứu, chạy đua với "tử thần" - Ảnh 4.

Một trường hợp đưa người đi cấp cứu bằng võng

“Mọi người khiêng tui chạy ra đường lớn rồi xuống ủy ban xã mất hơn 2 tiếng, ra đó rồi vẫn không thấy xe cấp cứu đến. Nằm trên võng vừa đau vừa sợ chết cả mẹ cả con, khóc quá trời luôn. Đến khi mẹ con tui đưa được xuống bệnh viện tỉnh tính ra mất gần 5 tiếng. Đứa nhỏ vừa sinh ra có vấn đề về phổi nên bác sĩ chuyển luôn đi Đà Nẵng, mẹ thì ở lại bệnh viện Quảng Ngãi. Hai tuần sau con mới được đưa về. Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ...”, Lý cho hay.

Lý sợ cũng đúng, vì cách đó không xa, vợ con anh Hồ Văn Thuyền (28 tuổi) đã bị tử thần cướp mất khi trên đường đưa cấp cứu bằng võng.

Một buổi tối tháng 12/2016, vợ Thuyền khi ấy đang mang đứa con đầu lòng bỗng dưng than đau đầu, sáng hôm sau thức dậy thì mờ mắt. Mùa mưa năm ấy, đường vẫn sình lầy và ướt nhẹp như mọi năm, vẫn gần cả trăm thanh niên khiêng từ sáng đến gần cuối chiều mới đến được trạm xá. Nhưng vợ của Thuyền không qua khỏi, chị mất trên võng, giữa đường đi...

Trước đó vài năm, gia đình chị Hồ Thị Lý cũng có người từng được đưa đi đẻ bằng võng nhưng không suôn sẻ. Chị của Lý là Hồ Thị Nhít mang song thai, một đứa sinh ra được, đứa kia mãi không chịu ra nên phải đưa đi bệnh viện. Chẳng biết có phải vì ở quá lâu trong bụng mẹ hay không nhưng cả 2 đứa trẻ sau đó đều bệnh mà mất.

Nhiều lần mừng hụt

Thôn Tre là khu tái định cư của dự án hồ thủy điện Nước Trong. Trước đây, người dân thôn Tre ở gần lòng hồ, cách làng mới khoảng 20 km. Ở nơi xa xôi như thế, chuyện khiêng võng đưa người đi cấp cứu diễn ra thường xuyên. Nhưng đã mười năm dời đến nơi ở mới, xe cấp cứu vẫn chỉ đến được cách làng 10 km.

Ông Hồ Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Trà Tây cho biết: thôn Tre có hơn 200 hộ với 1.000 khẩu, là thôn khó khăn nhất của xã. "Chúng tôi mong muốn nhà nước đầu tư con đường kiên cố cho bà con để khỏi gánh nhau bằng võng chạy đi cấp cứu nữa", ông Phong nói.

Bình quân, mỗi năm thôn Tre có 10-20 trường hợp đưa người đi cấp cứu bằng võng. Mỗi khi có “biến”, thông qua những chiếc điện thoại, trai làng được triệu tập nhanh chóng để hỗ trợ gia đình người bệnh.

Thôn Tre có trên mười cụm dân cư với khoảng cách tương đối xa nhưng khi có người cần giúp đỡ, người dân sẵn sàng chạy xe máy đến điểm tập kết như tuân theo quân lệnh. "Mình giúp đỡ người khác rồi khi mình có việc mọi người giúp đỡ lại mình. Có mưa gió, sớm khuya gì cũng không ngại. Đợt năm ngoái sau bão số 9, có người phải đưa đi cấp cứu, bùn ngập đến bắp chân mà mọi người vẫn cắm đầu chạy", Hồ Văn Chung nhớ lại.

Theo quy định, khi tái định cư nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Nhưng đến nay, người dân thôn Tre vẫn khiêng người đi cấp cứu bằng võng và con đường bê tông vẫn là ước mơ chưa thành hiện thực.

“Lâu lâu lại có vài người lên đây, đo đo vẽ vẽ, nghe đâu là sắp làm đường rồi đấy. Nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu, mừng hụt biết bao lần rồi”, anh Hồ Chí Đặng, một người dân làng Tre tỏ ra thất vọng.

Cũng như anh Đặng, người dân thôn Tre mong có một con đường bê tông vào làng, để không còn phải khiêng người bằng võng nữa. Ngoài ra, việc đầu tư làm đường sẽ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế. Hiện tại, bà con chủ yếu sống bằng cây keo, cây mì (sắn), nhưng đường xa và đi lại khó khăn nên thu nhập bị ít đi do công vận chuyển quá cao.