Theo ông nông dân Nguyễn Văn Nhàn (xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), 4 năm trước, thấy rẫy khóm 1ha lão hóa, ông chuyển sang trồng mãng cầu xiêm.
Mãng cầu là loại trái cây khá mẫn cảm với sâu bệnh. Ruồi vàng, rệp sáp và bệnh thán thư là những loại bệnh mãng cầu xiêm đại kỵ.
Ông Nhàn tính, mỗi năm phải bỏ ra 50 triệu đồng chi phí phun xịt thuốc trừ sâu cho vườn mãng cầu xiêm để hạn chế sâu bệnh.
Và ông mất thêm 50 triệu đồng doanh thu do sâu bệnh làm trái mảng cầu xiêm vẹo vọ, trái xấu khiến giá bán giảm nhiều.
Tức mình, năm 2018, ông Nhàn bỏ ra 70 triệu đồng làm nhà lưới bao phủ toàn bộ vườn mãng cầu. Đây cũng là vườn cây ăn trái được trồng trong nhà lưới đầu tiên ở huyện Tân Phước.
"Ngoài việc ngăn ngừa sâu bệnh, việc trồng mãng cầu trong nhà lưới còn giúp hạn chế ánh sáng trực tiếp lên trái mãng cầu gây nám trái. Ngoài ra, làm nhà lưới còn giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn mãng cầu, giúp an toàn cho người sử dụng", ông Nhàn chia sẻ.
Cũng theo ông Nhàn, tuy chi phí làm nhà lưới cao, nhưng thời hạn sử dụng khoảng 3 năm. Hơn một năm rưỡi sau khi trồng, vườn mãng cầu của ông Nhàn cho trái chiến.
Năng suất mảng cầu xiêm lúc bấy giờ là 20 tấn/ha. Hiện, vườn mãng cầu đạt năng suất 50 tấn/ha. Chỉ với 1ha vườn trồng mãng cầu bao lưới, ông Nhàn có doanh thu 500 triệu/năm.
Ông Nhàn tính, so với vườn mãng cầu khác, lợi nhuận vườn mãng cầu được bao lưới cao hơn 70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đánh giá, mô hình vườn mãng cầu xiêm của ông Nhàn rất đạt, trái đẹp, chống côn trùng tốt. Đặc biệt, vườn mãng cầu xiêm của ông Nhàn cho doanh thu, lợi nhuận khá cao.
Hiện, ngoài việc bán trái, mỗi năm ông Nhàn còn bán hơn 30.000 cây giống mãng cầu xiêm cho nông dân các nơi.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 1.191ha mãng cầu Xiêm. Trong đó, huyện Tân Phú Đông là huyện có diện tích trồng mãng cầu xiêm lớn nhất tỉnh với 770ha.
Hiện, trên địa bàn hyện Tân Phước, diện tích trồng mãng cầu xiêm còn khá nhỏ lẻ.
Cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước là cây khóm (dứa) với 15.700ha.
Thời gian gần đây, khi trái khóm mất giá, nông dân huyện Tân Phước đang chuyển dần sang trồng cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó cây mãng cầu xiêm.
Huyện Tân Phước là một huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang, nên đất đai, nguồn nước đều bị nhiễm phèn nặng.
Việc trồng cây mảng cầu xiêm thành công của gia đình ông Nhàn đã chứng minh vùng đất này có thể trồng được một số loại cây ăn trái khác ngoài khóm, trong đó có cây mảng cầu xiêm.