Dân Việt

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Quá thời hạn vẫn còn nhiều HTX điện "phát canh thu tô" (Bài 1)

Thanh Xuân 27/08/2022 09:37 GMT+7
Theo yêu cầu của Chính phủ, hết năm 2015 là kết thúc việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý, vẫn thừa nhận những Hợp tác xã điện và còn tình trạng thu tiền điện kiểu "phát canh thu tô".

Hầu hết các HTX điện sau nhiều năm hoạt động, lưới điện, trạm biến áp…đã xuống cấp nhưng không được đầu tư, cải tạo, trong khi người dân phải sử dụng điện phập phù, nhiều nơi do tổn thất điện lớn dẫn tới giá điện tăng cao. 

Tuy nhiên, để bỏ các HTX điện này theo chỉ đạo của Chính phủ thì hiện ở nhiều địa phương vẫn đang "bế tắc".

Bài 1: Còn những HTX điện "phát canh thu tô"

Bà T ở làng nghề Đa Hội bức xúc vì tiền điện mỗi tháng quá cao


Cắn răng trả tiền điện giá cao

Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã từng phản ánh tình trạng người dân ở Đa Hội và nhiều địa phương phải chi phí tiền điện cao, nhưng điện là một trong những mặt hàng không thể thiếu trong cuộc sống nên phải cắn răng sử dụng.

Chúng tôi quay lại làng nghề sắt thép Đa Hội vào những ngày đầu tháng 8/2022 để xem lại "lời hứa" của ngành điện và cơ quan chức năng với người dân đã thực hiện được đến đâu.

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Quá thời hạn vẫn còn nhiều HTX điện "phát canh thu tô" (Bài 1) - Ảnh 2.

Vẫn còn tình trạng người dân nông thôn bức xúc vì phải sử dụng điện giá cao hơn giá nhà nước quy định, đồng hồ đo đếm không chuẩn xác khi phải mua điện qua các Hợp tác xã. Ảnh Hồng Nhân.

Cầm trên tay hoá đơn tiền điện mới nhất của gia đình, bà T bức xúc cho biết: "Cả gia đình có 2 mẹ con, chỉ dùng có 2 cái bóng điện, nồi cơm điện, bình nóng lạnh nhưng tháng nào cũng trung bình hơn 500.000 tiền điện. 

Con tôi ở cuối nguồn là xóm trại 6, tiền điện còn 1,6 triệu/tháng, thậm chí có nhà 3,7 triệu tiền điện chỉ sinh hoạt không sản xuất gì. Dù phải chịu chi phí tiền điện cao nhưng điện cũng rất phập phù, nguồn điện rất yếu".

Cũng tại làng nghề Đa Hội, các hộ sản xuất kinh doanh sắt thép luôn tiêu thụ lượng điện lớn đều rất băn khoăn về nguồn điện và chi phí tiền điện. "Gia đình dùng điện sản xuất và sinh hoạt đều tính cùng với nhau, mỗi tháng khoảng 30 triệu tiền điện. 

Tháng gần nhất tiền điện cũng khoản 9 triệu 1 công tơ cả sản xuất với sinh hoạt và dưới xưởng sản xuất thép là hơn 20 triệu. Gia đình tôi cũng kinh doanh nghề sản xuất sắt thép 20 năm rồi, tiền điện có cao cũng chẳng kêu ai được", bà Vân Điền làng nghề Đa Hội cho biết.

Cũng theo bà Vân Điền, khu vực nhà bà thuộc xóm 4 còn là ở đầu nguồn chứ ở xóm 6, xóm 7 thì điện yếu không thể sản xuất được.

Bà Vân Điền cũng cho biết thêm, nhiều người dân mong muốn nhà nước đầu tư điện bán trực tiếp cho người dân nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy nên hiện tại chẳng có sự lựa chọn nào khác.

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Bài 1: Nhiều HTX điện "phát canh thu tô" - Ảnh 2.

Hệ thống cột, đường dây điện tại làng nghề Đa Hội đã xuống cấp chưa được cải tạo (Ảnh: TX)

Chờ đến cuối năm 2022?

Theo Công ty điện lực Bắc Ninh, cả tỉnh còn duy nhất phường Châu Khê là chưa tiếp nhận được lưới điện hạ áp nông thôn do dân tự bỏ tiền đầu tư, còn lại các HTX đã bàn giao hết về cho ngành điện.

Sau khi Dân Việt phản ánh, dự án đầu tư lưới điện dân sinh mới khởi công vào quý I năm 2021 nhằm xóa bỏ tình trạng "phát canh thu tô điện" do tư nhân điều hành.

Cụ thể, trong kết luận 102-TB- UBND ngày 18/11/2020 tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Bắc Ninh với Công ty Điện lực Miền Bắc, kết luận: Bổ sung kế hoạch đầu năm 2021 để triển khai hạ tầng hệ thống điện tại 2 khu phố Trịnh Xá và Đa Hội, phường Châu Khê, Thị xã Từ Sơn. Dự án triển khai ngay trong năm 2021 đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc của người dân trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.. 

Ông Đỗ Quốc Long – Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh cho biết: "Tổng công ty điện lực miền Bắc đã về làm việc  với UBND tỉnh Bắc Ninh và cam kết sẽ đầu tư dự án điện mới. Hiện tại, Sở Công Thương đã không cấp phép cho các HTX điện tại phường Châu Khê nữa. Tuy nhiên, nếu cắt điện đi thì người dân không có điện sử dụng". 

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Bài 1: Nhiều HTX điện "phát canh thu tô" - Ảnh 4.

Bà T cho biết đã rất tiết kiệm nhưng tiền điện mỗi tháng vẫn hơn 500.000 đồng (Ảnh: TX)

Còn ông Đặng Đình Minh – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh cho biết, dự án đầu tư lưới điện cho phường Châu Khê đã được triển khai từ tháng 1/2022 với tổng nguồn vốn là 80 tỷ đồng chưa kể 5 tỷ đồng đầu tư hệ thống công tơ. Dự án sẽ thay thế toàn bộ cột, lưới điện và 20 trạm biến áp trung thế và hạ thế. 

"Hiện nay, việc triển khai gặp khó khăn nhất là không có đất để trồng cột, đặt trạm biến áp do vướng mắc mặt bằng nên dẫn tới thi công đang bị chậm tiến độ. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022", ông Minh nói.


Người dân nhiều nơi bức xúc

Không chỉ ở Từ Sơn, Bắc Ninh, nhiều địa phương trên cả nước cũng xảy ra những bức xúc của người dân với các HTX kinh doanh điện.

Cuối năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh xác định HTX kinh doanh điện tổng hợp Thành Tâm sai phạm trong quy trình tháo đồng hồ của người dân và bán giá điện kinh doanh cao hơn giá điện nhà nước quy định.

Cụ thể, từ việc ra thông báo ngừng cấp điện và tháo đồng hồ của 20 hộ dân xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) đưa đi kiểm định chỉ vì phản ánh hóa đơn tiền điện tăng vọt trên facebook, thanh tra Sở Công Thương phát hiện HTX này sai phạm trong quy trình tháo đồng hồ của người dân đưa đi kiểm định và bán điện kinh doanh cao hơn giá điện nhà nước quy định.

Về giá bán điện kinh doanh cho khách hàng, HTX kinh doanh điện tổng hợp Thành Tâm thu của người dân với giá là 2.827 đồng/KW (chưa thuế giá trị gia tăng), trong khi giá điện của điện lực chỉ 2.461 đồng/KW.

Tháng 4/2020, nhiều người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã phản ánh tiền điện bất ngờ tăng gấp đôi so với các tháng trước. Sau đó, ông Bùi Hải Dương - Phó Chủ nhiệm HTX Thành Tiến Ngư Lộc (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) thừa nhận, việc hóa đơn tiền điện trong tháng 4 của hộ gia đình anh Trần Văn Hoan và một hộ dân khác tăng đột biến là do có sự nhầm lẫn.

Cũng tại Thanh Hoá, theo phản ánh của người dân xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa), từ tháng 3 đến tháng 8/2019, HTX điện Hoằng Thanh đã tự nâng giá điện cao hơn mức quy định, từ bậc thứ 3 trở lên (từ 101 số điện trở lên). Việc tính tăng giá điện diễn ra trên địa bàn toàn xã, với 2.000 hộ dân đang mua điện của đơn vị này. HTX Hoằng Thành cũng cho biết, kiểm tra lại thì thấy đã tính giá tăng 200 đồng/1 số điện từ bậc thứ 3 trở lên và đã xin lỗi người dân.

Tháng 9/ 2020, theo Kết luận thanh tra số 03 của Thanh tra tỉnh Phú Thọ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mua, bán điện; quản lý vật tư, tài sản; đầu tư mua sắm, sửa chữa, xây dựng cơ bản lưới điện nông thôn tại HTX Dịch vụ điện năng Thạch Khoán (HTX Thạch Khoán), huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.


Cụ thể, với việc thực hiện các quy định của pháp luật về HTX và điều kiện kinh doanh mua bán điện: Tại thời điểm thanh tra có trường hợp công nhân kĩ thuật không có bằng cấp về điện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mua bán điện: Có một số trường hợp ghi sai chỉ số công tơ (chưa thu tiền).

HTX Thạch Khoán cũng tính sai giá điện sản xuất sang điện sinh hoạt (tháng 2+3/2018) với hộ ông Lãng ở khu Cầu. Áp giá điện ngắn hạn tạm thời 1.800 đồng/kW (năm 2014) đối với hộ bà Nguyệt là sai đối tượng dùng điện. Báo nhầm tiền điện (chưa thu tiền) tháng 2/2020 sang tháng 3/2020 của cả khu Đồng Bản… Kết luật cũng nêu có những sai phạm về phòng, chống cháy nổ: Về kết quả hoạt động kinh doanh mua bán điện và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước…