Nghịch lý tiền điện giữa Thủ đô: Công tơ điện chạy như có “ma làm”, dân è cổ gánh tiền điện vô lý!
Nghịch lý tiền điện ở Hà Nội: Công tơ điện chạy như có “ma làm”, dân è cổ gánh tiền điện vô lý!
Võ Hồng Nhân
Thứ năm, ngày 30/09/2021 09:46 AM (GMT+7)
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, dù không sử dụng điện nhưng công tơ điện của nhiều hộ dân xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) vẫn tự động chạy, thể hiện chỉ số tiêu thụ 4 - 5 số điện/ngày.
LTS: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng lưới điện chưa được cho ngành Điện quản lý.
Người dân vẫn đang mua điện qua các “cánh tay nối dài” kinh doanh điện nông thôn như Hợp tác xã (HTX), Công ty điện tư nhân. Người dân những nơi này nhiều năm qua vẫn phải chịu ấm ức về việc phải trả tiền điện giá cao, chỉ số công tơ điện không đúng thực tế.
Ngay ở Hà Nội, tình trạng này cũng có. PV Báo điện tử Dân Việt đã tìm về xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội để tìm hiểu sau khi nhận được phản ánh của người dân.
Bài 1: Covid-19 làm lộ công tơ điện quay “tít mù”
Người dân xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) tá hỏa phát hiện việc nhà xưởng đóng cửa vì giãn cách xã hội do Covid-19, nhưng công tơ điện vẫn chạy đều như vắt chanh.
Người dân bức xúc vì tiền điện quá cao, công tơ điện chạy như có "ma" làm. Clip: Hồng Nhân.
Công tơ điện chạy như “có ma làm”
Xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) nổi tiếng là địa phương phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, nhà xưởng san sát. Những năm qua, 5.000 hộ dân xã Hữu Bằng dùng điện sinh hoạt, điện sản xuất do Công ty CP Tây Phương (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cung cấp “độc quyền”. Công ty Tây Phương bắt đầu tiếp nhận lưới điện của xã Hữu Bằng từ năm 2005, đến nay đã được 16 năm.
Những khuất tất trong việc tính toán chỉ số công tơ điện, giá điện, chất lượng điện cung cấp nhiều năm qua khiến người dân xã Hữu Bằng bức xúc, nhưng kêu mãi không thấu vì “không có bằng chứng”. Chỉ đến khi Covid-19 hoành hành, xã hội giãn cách mới làm lộ bất thường của chỉ số công tơ điện.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đình Hưng (SN 1980), người dân xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, xưởng nội thất nhà anh Hưng phải dừng hoạt động. Cẩn thận hơn, anh Hưng còn cắt cả cầu giao. Vậy mà, công tơ điện vẫn chạy 4 số/ngày “như có ma làm”.
“Đầu tháng 9/2021, khi phát hiện dù đã cắt cầu dao của xưởng sản xuất nhưng công tơ điện vẫn chạy, tôi gọi ngay mấy ông điện lực xuống làm việc, chứng kiến. Họ nhận sai, sau đó bù tiền cho tôi.
Cứ tính 4 số/ngày, 2.171 đồng/số, nhân với 30 ngày, sau đó nhân với 11 tháng (tính từ thời gian thay công tơ mới - PV), số tiền tôi được trả lại là hơn 2,8 triệu đồng. Công ty cung cấp điện gọi tôi nhận tiền, ký xác nhận chứ tôi không cầm giấy tờ gì về”, anh Hưng bức xúc.
Nhiều hộ dân khác ở xã Hữu Bằng sử dụng điện do Công ty Tây Phương cung cấp cũng chịu cảnh tương tự, dù không sử dụng điện nhưng công tơ vẫn “nhảy” số. Như gia đình anh N.D.T (thôn Miếu, xã Hữu Bằng) cũng vừa nhận lại số tiền gần 3,5 triệu đồng sau khi phản ánh sự việc trên đến đơn vị cung cấp điện.
Theo các hộ dân, đây không phải là lần đầu, người dân Hữu Bằng phải trả tiền điện vô lý nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Được biết, Công ty Tây Phương vừa thay một loạt công tơ 1 pha từ cuối năm 2020, trên địa bàn xã hiện còn nhiều nhà sử dụng công tơ ba pha cũ. Sau nhiều tháng sử dụng, đến nay, do dịch Covid-19 không hoạt động người dân mới phát hiện công tơ có vấn đề.
“Tình trạng nhập nhèm tiền điện, công tơ điện tại Hữu Bằng không phải diễn ra lần đầu. Người dân có kêu, có than thế nào thì hàng tháng vẫn phải đóng những hóa đơn tiền điện quá cao so với nhu cầu sinh hoạt thường ngày”, anh P.V.L không giấu nổi bức xúc.
Theo lời kể từ anh Phan Văn Việt (Sn 1987, trú tại xã Hữu Bằng) cho biết, gia đình anh cũng vừa được giảm gần 1 triệu đồng tiền điện. “Sau khi nhận được tin nhắn báo tiền điện về máy điện thoại, tôi lập tức lên nhìn đồng hồ điện nhà mình, phát hiện số kWh dùng thực tế và số kWh phía Công ty bán điện báo chênh nhau gần 400 kWh/số/tháng”.
Công tơ điện chênh lệch
Anh Nguyễn Hữu Lợi (xã Hữu Bằng) đã đến tận Sở KH&CN Hà Nội mua một công tơ điện khác lắp trong nhà để đối chiếu với công tơ của Công ty Tây Phương. Theo đó, anh Lợi đã mua công tơ cùng loại, về lắp cùng nguồn với công tơ của Công ty Tây Phương để kiểm tra, đối chiếu.
“Chưa đầy 5 tháng mà chênh lệch tới 1203 số điện. Chúng tôi quá hốt hoảng và bức xúc, không biết từ bao giờ chúng tôi phải còng lưng đóng tiền cho những số điện mà mình không dùng. Ngày 20/9 có một người tên Việt - xưng là người của Công ty Tây Phương xuống kiểm tra rồi bảo tôi đừng nói cho ai, đừng làm ầm lên rồi để thu xếp xử lý”, anh Lợi nói.
Khi PV có mặt tại nhà anh Lợi, người dân quanh làng kéo đến rất đông, tay họ cầm hóa đơn tiền điện - thứ mà người dân Hữu Bằng cho rằng đã làm khổ họ bao năm qua.
“Công ty Tây Phương hàng tháng thông báo số điện, số tiền phải nộp, chúng tôi không kiểm tra được. Nhiều lần tá hỏa vì hóa đơn quá cao nhưng không đóng thì họ cắt điện. Chúng tôi phải nai lưng đi làm để đóng tiền điện. Người dân Hữu Bằng luôn ở thế bị động, vào thế đã rồi, muốn làm khác cũng không được”, ông P.V.C (50 tuổi, người dân Hữu Bằng) hậm hực.
Xen trong nhóm người, ông Phan Lạc Phúc (58 tuổi) mắt nhòe lệ thốt lên với chúng tôi rằng, tiền điện nhiều quá, trả không nổi. “Hai vợ chồng đi làm suốt, nhà có một cái điều hòa, có tủ lạnh, cùng một số dụng cụ khác nhưng tiền điện có tháng lên tới gần 5 triệu đồng.
Không chạy vạy lấy đâu tiền đóng tiền điện. Nếu không đóng, Công ty CP Tây Phương cắt điện vào giữa mùa hè, nóng thế, ai mà chịu được”, ông Phúc nói.
Thông tin với phóng viên, các hộ dân còn phản ánh, không ít trường hợp thắc mắc tiền điện cao nên chưa đóng, sau khoảng hơn 1 năm công ty không hồi âm, cũng không đến đo, tính số điện, nhưng một ngày lại “lòi” ra 19 hóa đơn cùng số tiền “nợ” hàng chục triệu đồng.
“Trong cái làng này, không ít người đang nợ công ty điện lực hàng chục triệu tiền điện kia kìa. Nói thì không ai tin, chứ có sổ sách ghi đàng hoàng. Tôi chưa từng thấy nơi nào mà người dân phải nợ hàng chục triệu như ở đây cả”, anh Nguyễn Hữu Lợi bức xúc.
“Trả góp” tiền điện
Chúng tôi về nhà ông Phan Lạc Phúc (58 tuổi) để mục sở thị thiết bị điện của ông Phúc nhiều cỡ nào mà ngốn gần 5 triệu tiền điện/tháng. Căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, loang lổ những vết bong tróc. Kiểm đếm nhanh, trong nhà ông Phúc có tủ lạnh, có điều hòa, một số thiết bị khác như quạt, nồi cơm…
Ông Phúc không ngừng kêu khổ: “Chú nhìn xem, nhà có gì để tiêu hao tháng cao điểm gần 5 triệu tiền điện một tháng. Tôi có hỏi người xã bên, họ nói thiết bị cũng như tôi, nhưng cao điểm chỉ hết hơn 1,5 triệu đồng tiền điện, thế mà ở cái xã này, dùng điện đắt quá”.
Ông Phúc vừa dứt lời, bà Tuyết (vợ ông Phúc) chen vào nói: “Nhà tôi còn khoản nợ mấy chục triệu tiền điện cơ, giờ suốt ngày làm ăn rồi đóng tiền điện còn nợ. Nợ tiền gì cho nó xứng đáng, đây đi nợ tiền điện hàng chục triệu đồng, ai mà chấp nhận được”.
Sự việc bắt đầu từ hơn một năm về trước, do lúc đó tiền điện tăng cao, mỗi tháng công ty báo phải đóng 4-5 triệu đồng nên gia đình ông Phúc muốn hỏi cho ra nhẽ và chưa vội đóng.
Thế nhưng bẵng đi một thời gian, khoảng 10 tháng sau, gia đình ông Phúc, bà Tuyết được thông báo nợ 44 triệu đồng từ phía Công ty Tây Phương. Phía điện lực thông báo, nếu không đóng tiền, họ sẽ cắt điện.
“Tôi xin trả trước 1 - 2 triệu đồng, nhưng họ không cho, họ bắt phải đóng trước 12 triệu đồng, rồi sau trả góp. Tôi lại tá hỏa chạy vạy khắp nơi, gom mãi cũng đủ. Hiện nay, ngoài tiền điện hàng tháng phải đóng, tôi còn phải đóng thêm 2 triệu đồng để trừ vào cái khoản nợ kia. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi còn nợ lại khoảng 31 triệu đồng”, ông Phúc chia sẻ.
Cạnh nhà ông Phúc, ông V.D.C cũng kêu than nhiều năm nay vì tiền điện cao ngất ngưởng nhưng lực bất tòng tâm.
Gia đình ông C có 4 đứa con. Đứa con gái thứ 2 đã lấy chồng, còn lại ba đứa ở cùng bố mẹ.
Anh C lật dở từng trang trong cuốn “Sổ sử dụng và thanh toán tiền điện” ra cho chúng tôi xem. Cuốn sổ chi chít dòng ghi nợ.
“Tổng nợ đến 12/2020 là 30.350.000 đồng. Ngày 20/1/2012, thanh toán 2.000.000 đồng. Còn lại 28.350.000 đồng.
Tổng nợ đến 27/4/2021 là 31.094.000 đồng. Ngày 14/5/2021, thanh toán 5.000.000 đồng. Còn lại 26.094.000 đồng”.
Số nợ này bắt nguồn từ việc gia đình có thắc mắc về tiền điện, lúc ấy nhiều người trong thôn cũng không đóng.
Bẵng đi một thời gian, giữa lúc vợ chồng anh C đi làm xa, nhà bị cắt điện do được thông báo nợ tiền hàng chục triệu chưa trả. Vợ anh C gọi về công ty điện lực xin khất, ít hôm đi làm về sẽ trả dần nhưng không được chấp nhận.
Con gái nhà anh C phải đi vay hàng xóm, gom đủ 5 triệu để đóng tạm trước, chờ bố mẹ về rồi tính.
“Không có tiền thì bị cắt điện, nên phải nai lưng ra mà đóng. Nhà tôi đang yên lành, thấy điện giá cao, có ý kiến, bỗng thời gian sau đổ ập xuống 19 triệu tiền điện còn nợ. Nhà mỗi bà cháu ở, vợ chồng con gái lớn đi làm ăn xa, lâu mới về, thế mà tiền điện còn nhiều hơn tiền ăn”, bà Nguyễn Thị Nhài (82 tuổi, trú tại xã Hữu Bằng) nói.
Cũng nợ hàng chục triệu đồng tiền điện, nhưng ông Nguyễn Văn Thế (52 tuổi, trú tại xã Hữu Bằng) “may mắn” hơn khi được “du di” cho một phần. Ông nhận được giấy báo nợ 34 triệu đồng, sau khi lên làm việc với Công ty Tây Phương, họ bảo ông Thế đóng 20 triệu, còn 14 triệu thì “cho”!
“Một ngày đẹp trời, họ mang cho nhà tôi 19 cái hóa đơn và yêu cầu nộp gần 34 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Thế (52 tuổi, xã Hữu Bằng).
Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã liên hệ chính quyền xã Hữu Bằng, Công ty Cổ phần Tây Phương, Công ty điện lực Thạch Thất và UBND huyện Thạch Thất để làm sáng, rõ vụ việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.