Tổn thất điện năng cá biệt tới 40%
Theo khảo sát của Dân Việt,một số đơn vị của EVN cho biết, có những HTX điện có tổn thất điện năng rất lớn, cá biệt có chỗ lên tới 40%.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện Công ty Điện lực Thanh Hoá cho biết, Công ty Điện lực Thanh Hóa đang quản lý bán điện đến 331 xã và phần còn lại của 23 xã .
Hiện nay, toàn tỉnh còn 78 xã và phần còn lại của 17 xã do Công ty CPXLĐL Thanh Hóa, Công ty CPKD điện Thanh Hóa, Công ty CP bê tông và xây dựng Thanh Hóa đang quản lý và bán lẻ điện; Các HTX đang quản lý và bán lẻ điện trên 44 xã và phần còn lại của 13 xã; Các doanh nghiệp tư nhân đang quản lý và bán lẻ điện trên 2 xã và phần còn lại của 1 xã.
Căn cứ công văn số 2224/EVN-KD ngày 10/6/2015 của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về thời hạn tiếp nhận tài sản LĐHANT để EVN bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn; Căn cứ công văn số 3184/EVN NPC-KDĐN ngày 10/8/2015 của EVNNPC về việc thời hạn tiếp nhận LĐHANT, tính đến hết năm 2015, tổ chức nào muốn bàn giao tài sản cho ngành điện thì thỏa thuận trực tiếp với ENNPC.
Nhưng việc "thỏa thuận" vẫn chưa đạt được sự đồng thuận toàn bộ của các HTX điện.
Đại diện Công ty Điện lực Thanh Hoá cũng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, công ty đã tổ chức thực hiện nhiều dự án cải tạo sửa chữa tối thiểu nâng cao chất lượng điện năng.
Trước khi được Công ty Điện lực tiếp nhận, tổn thất điện năng trung bình từ 20-35%, cá biệt có nơi đến 40%. Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thay thế những lưới điện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, giảm tổn thất điện năng đem lại lợi ích rõ rệt, được các cấp chính quyền và nhân dân ủng hộ.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương Công ty Điện lực Thanh Hóa đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mới 542 trạm biến áp với tổng số vốn đầu tư hơn 453 tỷ đồng, trong đó ưu tiên cho việc chống quá tải lưới điện, xây dựng kết cấu lưới điện hợp lý, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và phát triển nhu cầu phụ tải của khách hàng.
Trả lời Báo Dân Việt, đại diện EVNNPC cho biết, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPC đã báo cáo với UBND các tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương và phối hợp địa phương, các chủ tài sản thực hiện tiếp nhận, bàn giao và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn, LĐHANT, lưới điện nông lâm trường quốc doanh, lưới điện thủy nông, lưới điện Quân đội, lưới điện khu vực miền núi, hải đảo, lưới điện được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước,…
EVNNPC cho biết, thực hiện quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Chính phủ, EVNNPC đã chỉ đạo các CTĐL về thời gian tiếp nhận LĐHANT, báo cáo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Tổ chức quản lý điện nông thôn có kế hoạch bàn giao LĐHANT xong trong năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, EVNNPC đã đầu tư, cải tạo lưới điện, thay thế 100% công tơ để đảm bảo việc mua bán điện công bằng, đúng quy định, tổ chức bộ máy quản lý điện nông thôn theo đúng các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, hết thời điểm 31/12/2015, do số lượng các xã chưa tiếp nhận vẫn còn nhiều, EVNNPC đã kiến nghị với EVN cho phép EVNNPC lùi thời gian tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn quản lý và sẽ xây dựng kế hoạch tiếp nhận theo từng năm.
Theo đó, năm 2016, EVNNPC đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn 35 xã, cụm và tổ chức, triển khai thực hiện tới các Công ty Điện lực.
Từ năm 2018 - 2020, sau khi được EVN phê duyệt chủ trương và kế hoạch tiếp nhận LĐHANT giai đoạn 2018-2020, với khối lượng dự kiến là 231 xã, cụm; 1.859 km đường dây hạ thế, EVNNPC đã chỉ đạo các CTĐL thực hiện tiếp nhận LĐHANT theo kế hoạch đã đăng ký giai đoạn 2018-2020.
Tuy nhiên, đến thời hết tháng 10/2020, EVNNPC mới tiếp nhận được 56 xã, cụm. Còn lại 175 xã, cụm chưa tiếp nhận theo kế hoạch.
Nguyên nhân chưa về đích?
Đại diện EVNNPC cho biết, Tổng công ty chưa tiếp nhận xong LĐHANT để tổ chức bán điện trực tiếp tới tất cả các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn, có nhiều nguyên nhân.
Đó là: bên cạnh những HTX đủ điều kiện kinh doanh bán điện hợp pháp, hoạt động đang có hiệu quả, không muốn bàn giao sang ngành điện, cũng còn nhiều các HTX, các đơn vị, tổ chức mua buôn hoạt động không hiệu quả nhưng do vướng mắc về cơ chế, thủ tục hoặc chưa thống nhất về giá trị còn lại của tài sản, giá trị hoàn trả của công trình nên không bàn giao hoặc chưa thể bàn giao.
Cụ thể đối với phần tài sản thuộc dự án REII, hiện tại còn một số địa phương chưa thống nhất được thời gian tính khấu hao công trình từ ngày đưa vào sử dụng đến ngày bàn giao sang ngành điện quản lý.
Ngành điện xác định thời gian tính khấu hao là 10 năm theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 (có hiệu lực từ ngày 10/6/2013) của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Tuy nhiên, các địa phương căn cứ vào thời gian trả nợ theo Hiệp định vay nợ với Ngân hàng thế giới (WB) là 20 năm, trong đó 5 năm ân hạn quy định thời gian trả nợ vốn vay để tính khấu hao là 15 năm.
Nói về giải pháp để giải quyết các vướng mắc đối với tài sản thuộc dự án REII, EVNNPC đã báo cáo EVN và kiến nghị các Bộ, ngành ra văn bản hướng dẫn thủ tục triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh còn vướng mắc, hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản thuộc dự án REII khi bàn giao theo các qui định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 và Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BTC-BCT ngày 4/12/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa thống nhất để bàn giao dứt điểm tài sản lưới điện.
Một nguyên do khác lý giải cho sự khó khăn việc EVNNPC chưa tiếp nhận LĐHANT của 100% số xã là vì một số dự án điện, sau khi hoàn thành xây dựng công trình lưới điện, Ban quản lý dự án giải thể, các thành viên trong Ban quản lý chuyển đổi sang công việc khác, vì vậy việc tập hợp hồ sơ để bàn giao rất khó khăn, kéo dài, đặc biệt là hồ sơ cấp đất, hành lang tuyến, báo cáo kiểm toán quyết toán vốn dự án, hồ sơ phê duyệt quyết toán vốn dự án,…
Thiếu thủ tục pháp lý, cơ sở giấy tờ để thực hiện tiếp nhận theo quy định nên EVNNPC không thể "vượt rào" tiếp nhận.
Vướng mắc đối với phần tài sản ngoài dự án REII, theo EVNNPC đó là một số khu vực, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân, nhiều Tổ chức kinh doanh điện đã tự đầu tư đường dây trung áp và các trạm biến áp.
Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 06/2001/TTLT/BCN-BTC ngày 23/8/2001 của Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn đã hết hiệu lực vào 31/12/2009.
Từ năm 2010 cho đến nay, các Bộ, Ban, Ngành và EVN chưa có văn bản hướng dẫn việc giao, nhận và hoàn trả vốn đối với tài sản lưới điện trung áp nên ngành điện cũng chưa có cơ sở pháp lý để tiếp nhận và hoàn trả.
Đối với các công trình vốn góp của nhân dân hoặc các HTX, tài sản công trình được hình thành do các xã viên HTX tự đóng góp hoặc huy động nhân dân đóng góp trong nhiều năm, việc cập nhật, lưu trữ các hồ sơ, thủ tục liên quan trong quá trình đầu tư hình thành tài sản, nguồn vốn đầu tư công trình không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 04/12/2013 nên khi giao/nhận không đủ cơ sở để hoàn trả.
Do vậy, các HTX không bàn giao nhưng vẫn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương hoặc Trung ương/các Đại biểu Quốc Hội để yêu cầu ngành điện phải tiếp nhận và hoàn trả chi phí đã đầu tư nhưng lại không có đủ hồ sơ để ngành điện tiếp nhận và hoàn trả.
Trong khi đó, EVNNPC là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật, cũng không thể xé rào "lách luật" để đáp ứng yêu cầu của người dân hay chính quyền địa phương. Đó là cái khó cần phải tháo gỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Đại diện EVNNPC cho biết, chủ trương bàn giao lưới điện phân phối, đặc biệt là LĐHANT cho ngành điện quản lý là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước giúp người dân được sử dụng điện với chất lượng đảm bảo hơn, an toàn hơn do lưới điện được đầu tư nâng cấp và người dân sử dụng điện được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và không phải chịu thêm chi phí qua các cấp trung gian.
Tuy nhiên, để hoàn thành việc tiếp nhận LĐHANT, bán điện trực tiếp tới tất cả các khách hàng sử dụng điện, EVNNPC cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, của các sở, ban, ngành địa phương, trong việc kiểm tra, rà soát và yêu cầu các các HTX kinh doanh bán điện tại các địa phương bàn giao LĐHANT sang cho ngành điện quản lý, đặc biệt là đối với các HTX kinh doanh bán điện không đủ năng lực, hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Hơn thế, điều quan trọng nhất trong việc hoàn thành thực hiện tiếp nhận LĐHANT là việc tháo gỡ khó khăn bất cập về thủ tục pháp lý.
Theo đó, EVNNPC nỗ lực cùng chính quyền địa phương các cấp hoàn thành việc tiếp nhận khi các Bộ, Ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để việc bàn giao, tiếp nhận tài sản lưới điện nông thôn được thuận lợi, đồng thời được chính quyền địa phương, các HTX kinh doanh bán điện và nhân dân đồng tình ủng hộ.
EVNNPC cũng như EVN mong muốn các cấp bộ ngành sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan: Thông tư số liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 04/12/2013 của liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả LĐHANT để bổ sung nội dung hướng dẫn việc giao, nhận và hoàn trả vốn đối với lưới điện trung áp; trong đó bổ sung nội dung hướng dẫn về thời gian cách tính khấu hao công trình lưới điện từ ngày đưa vào sử dụng đến ngày bàn giao sang ngành điện quản lý; bổ sung cơ chế xác định giá trị thực tế tài sản bàn giao hoan trả đối với những công trình lưới điện do các thành viên HTX kinh doanh bán điện, do doanh nghiệp, do người dân đóng góp nhưng khi bàn giao không có hồ sơ hoặc có nhưng không đầy đủ tính pháp lý làm cơ sở để xác định giá trị hoàn trả vốn.