Dân Việt

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Mục tiêu cuối cùng là vì khách hàng (Bài cuối)

Thanh Xuân 31/08/2022 07:30 GMT+7
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học Viện tài chính cho rằng, mục tiêu cuối cùng của việc bàn giao, tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn vẫn là hướng tới lợi ích của khách hàng.

Theo ông, từ mục tiêu 2015 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa tiếp nhận xong lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) thì có nên áp dụng biện pháp bắt với các địa phương hay không?

Việc đưa về ngành điện quản lý LĐHANT có cả ưu điểm và hạn chế. Mặt tích cực là EVN có thể đầu tư theo chiều sâu, đảm bảo an toàn, giảm hao hụt điện và tính thống nhất từ đô thị tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo… thuận lợi cho việc quản lý điện của cả nước.

Bài 6. Mục tiêu cuối cùng là lợi ích của khách hàng - Ảnh 1.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết, mục tiêu cuối cùng là lợi ích khách hàng.

Rõ ràng, khi tập trung lại thì làm cho tính năng động bị giảm, làm cho thị trường điện độc quyền, giảm tính cạnh tranh từ đó có thể dẫn tới hiệu quả không cao.

Trước đây, đưa ra chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, vì khi đó kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển. Mặt khác, Nhà nước cũng muốn tập trung nguồn lực để EVN đầu tư điện cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Còn hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp nhận ở các HTX mà họ yếu kém, HTX muốn chuyển giao. Tuy nhiên, cũng cần có chính sách khuyến khích các HTX kinh doanh điện đủ năng lực và có nhu cầu kinh doanh trong lĩnh vực này tiếp tục phát triển. 

Từ đó sẽ huy động được nguồn lực của nhân dân vào đầu tư ở lĩnh vực điện lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…

Thực tế các HTX kinh doanh điện hiện nay lại là các tổ chức nhỏ lẻ, năng lực cả về vốn, kỹ thuật đều yếu, dẫn tới nhiều HTX bị người dân ở nhiều địa phương trên cả nước phản ánh về giá điện, chất lượng dịch vụ… rất kém?

Hiện nay, có HTX thuộc dự án REII thì có mạng lưới điện rất tốt. Các HTX còn lại không thuộc dự án đầu tư này thì cũng có nhiều chất lượng khác nhau. 

Tất nhiên, ở nhiều nơi cũng có những HTX bị người dân phản ảnh về chất lượng điện, năng lực yếu kém và có cả tình trạng "phát canh thu tô" thật. Tuy nhiên, việc để đánh giá năng lực, chất lượng của các HTX này cần có tiêu chuẩn và cơ chế giám sát thật cụ thể và rõ ràng. 

Hiện nay, các HTX và tổ chức bán lẻ điện theo quy định thì do Sở Công Thương ở các địa phương đánh giá và cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, để đánh giá các chỉ tiêu cụ thể khi bị mất điện, điện yếu, do lỗi của HTX hay lỗi hệ thống điện bán buôn… không hề đơn giản. 

Chỉ khi các HTX này thực sự sai về các quy định như bán giá điện cao hơn quy định, không tái đầu tư, phục vụ lợi ích của người dân… Như trường hợp HTX điện ở Từ Sơn (Bắc Ninh) được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian quan. 

Còn tất nhiên, nếu cứ hạn chế và buộc các HTX điện bàn giao hết thì sẽ làm triệt tiêu đi tính cạnh tranh, từ đó sẽ không có động lực thúc đầy ngành điện làm tốt hơn. 

Phải có cạnh tranh mới có phát triển, nhất là thời điểm chúng ta tiến tới thị trường điện cạnh tranh trong năm 2022 thì càng không nên triệt tiêu tính cạnh tranh.

Theo ông, các HTX quá yếu kém về năng lực thì có nên bàn giao về cho EVN tiếp quản không?

Tất nhiên, nếu các HTX quá yếu kém, không đáp ứng được phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng thì cần sử dụng cả biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế để các HTX này bàn giao về cho ngành điện. 

Việc có một số HTX quá yếu kém về năng lực và tài chính, để mạng lưới điện quá nát, chi phí cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của người dân thì cần phải bàn giao. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân.

Hiện tại, có sự bất cập là đối với dự án REII, các HTX vay vốn 15 năm và 5 năm âm hạn, nhưng EVN lại chỉ tính khấu hao 10 năm, trong khi đó Thông tư liên tịch của Bộ Công Thương và Tài Chính yêu cầu tính khấu hao 10 năm. 

Sau khi tiếp nhận, khoản lãi vay của các HTX thì ai sẽ tiếp tục trả cho ngân hàng WB. Do đó, theo tôi đây là mâu thuẫn mà bản thân Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần phải thống nhất, thay đổi để tháo gỡ vướng mắc này mới đưa được quá trình tiếp nhận LĐHANT về đích.

 Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh, họ có bỏ tiền ra đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, trạm biến áp thì cũng cần có cơ chế tính giá trị tài sản thực tế còn lại khi tiếp nhận thì mới tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt, trong quá trình tiếp nhận LĐHANT, cần có chính sách giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho các thành viên HTX điện.

Bài 6. Mục tiêu cuối cùng là lợi ích của khách hàng - Ảnh 2.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, HTX yếu kém thì phải bàn giao, còn làm tốt thì cần khuyến khích để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, làm lành mạnh cho thị trường (ảnh: TX)

Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, dù HTX hoạt động tốt, hiệu quả nhưng người dân vẫn chịu thiệt thòi nhất định về chất lượng và dịch vụ so với ngành điện. Ví như ngay ở tại Thủ đô Hà Nội chẳng hạn, rất nhiều người dân phải chịu thiệt thòi hơn so với khách hàng của các HTX? Theo ông, phải chăng khi cạnh tranh, khách hàng lại không được hưởng dịch vụ tốt hơn.

Về giá điện đã theo quy định của Bộ Công Thương nên các HTX mà bán cao hơn giá quy định sẽ là sai các quy định về kinh doanh điện. Đó cũng là một trong những điều kiện dẫn tới HTX bị đề nghị bàn giao.

 Còn về dịch vụ, thời gian cung cấp điện và phục vụ chất lượng điện phải đảm bảo, dù sự cố luôn có những vẫn phải ở mức đảm bảo được. Do đó, tôi cho rằng rất cần có tiêu chí để đánh giá và đội ngũ cũng như cơ chế đánh giá định kỳ.

Còn về chất lượng phục vụ, các doanh nghiệp nhỏ có thể họ đầu tư ít hơn, khấu hao chưa chắc đã cao hơn. Tất nhiên, với một số HTX, tỉ lệ tổn thất điện trong quá trình chuyền tải điện, nếu đường dây kém, mối nối nhiều không đảm bảo kỹ thuật thì hao hụt điện sẽ lớn có thể tổn thất cao hơn.

Từ những tổn thất, việc các HTX mà bù trừ được, nhưng nếu tổn thân lớn mà chỉ tính lợi nhuận và hao hụt đẩy về phía người dân, người dân phải chịu giá cao thì đó cũng là một trong những điểu yếu để các HTX này yếu kém hơn quản lý của ngành điện thực sự.

Đối với dịch vụ, tôi cho rằng nếu ở TP lớn thì EVN làm tốt hơn, nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì chưa chắc. HTX có sự cố có khi họ tới ngay, còn nếu EVN thì có gọi cũng chưa chắc EVN đã có mặt được ngay do khoảng cách xa hơn, chưa kể họ cũng nhiều việc nơi khác không biết có kịp đến ngay không hoặc thậm chí thờ ơ, cố tình không đến ngay.

Bài 6. Mục tiêu cuối cùng là lợi ích của khách hàng - Ảnh 3.

Theo ông Thịnh, vướng mắc nhất của bàn giao hiện nay là xác định khấu hao của các dự án vay vốn từ WB nên cần có những thay đổi về mặt thủ tục pháp lý để các bên "gặp nhau" (Ảnh: TX)

HTX yếu kém thì phải bàn giao, còn làm tốt thì cần khuyến khích để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, làm lành mạnh cho thị trường.


Theo ông, việc bàn giao LĐHANT cần có giải pháp và hành lang pháp lý như thế nào để đạt hiệu quả?

Vướng mắc nhất của bàn giao hiện nay là xác định khấu hao của các dự án vay vốn từ WB. Do đó, cần tính tới các chi phí đầu tư mới, bảo trì, bảo dưỡng cho các HTX, cũng như tính tới thời gian khấu hao theo quy định thời hạn vay vốn. 

Rõ ràng, việc bàn giao đó mới tính theo phần khấu hao hợp lý. Theo tôi, ngành điện cũng cần có kiến nghị, đề xuất để các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tính giá trị thị trường của LĐHANT còn bao nhiêu % để tìm được tiếng nói chung.

Mặt khác, việc xác định dự án REII khấu hao 10 năm, trong khi dự án vay lãi 15 năm là không hợp lý, dẫn tới các bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Còn đối với các HTX khác, nếu kinh doanh yếu kém, tham khảo ý kiến đóng góp của đa số người dân, UBND phường, xã ở địa phương để xem xét chất lượng, số lượng giá cả có đảm bảo không. 

Cần xây dựng các tiêu chí, hàng năm cơ quan chức năng đánh giá theo các tiêu chí đó, nếu không đảm bảo thì buộc các HTX đó phải bàn giao cho ngành điện. Trường hợp họ vẫn làm tốt, đảm bảo các tiêu chí thì cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho họ được tiếp tục hoạt động.

 Xin cảm ơn ông!