Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chưa "về đích" (Bài 4)

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 30/08/2022 12:53 PM (GMT+7)
Trả lời Dân Việt, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tiếp nhận LĐHANT từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành là do các (TCKDĐNT) đang hoạt động kinh doanh điện năng theo Luật Doanh nghiệp, Luật HTX, Luật Điện lực… không tự nguyện bàn giao.
Bình luận 0


Bài 5. Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chưa "về đích" - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho biết, EVN bán điện trực tiếp lên 8.038 xã (chiếm tỷ lệ 89,4% số xã có điện) với 15,2 triệu hộ dân (Ảnh: TX)

Bán điện trực tiếp chiếm 93% hộ dân

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện còn hàng nghìn Tổ chức kinh doanh điện nông thôn (TCKDĐNT). Trong đó, có các TCKDĐNT không đầu tư lưới điện, không cải thiện dịch vụ nhưng vẫn bán điện cho người dân với giá cao hơn nhiều giá bán lẻ điện của ngành điện. 

Trong giai đoạn 2008-2015, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đã tiếp nhận để bán điện trực tiếp 5.921 xã và cụm xã với hơn 6,2 triệu hộ dân từ các tô chức quản lý điện địa phương, đưa tổng số xã do EVN bán điện trực tiếp lên 8.038 xã (chiếm tỷ lệ 89,4% số xã có điện) với 15,2 triệu hộ dân, còn khoảng 970 xã do các tổ chức điện địa phương thực hiện bán điện (bao gồm các Hợp tác xã, Công ty cô phần,...). 

Tính đến cuối năm 2019, EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285/11.145 xã phường có điện, chiếm tỷ lệ trên 92% xã và bán điện trực tiếp tới 93,5% hộ dân. 

Hiện nay chỉ còn 488 doanh nghiệp, tổ chức bán điện trực tiếp tại 860 xã, phường với hơn 1,7 triệu hộ dân. Các TCKDĐNT hiện nay còn duy trì hoạt động là do còn hiệu quả về kinh doanh, thường chủ yếu cấp điện sinh hoạt và sản xuất nhỏ lẻ nên mức độ tiêu thụ điện thấp. 

Quá trình hoạt động chủ yếu là nâng cấp sửa chữa nhỏ để vận hành hệ thống lưới điện duy trì hoạt động kinh doanh. Đối với đầu tư sửa chữa lớn, phát triển phụ tải, đầu tư mới cần có nhu cầu vốn lớn, thường phải vay thương mại từ các tổ chức tín dụng để đầu tư, tuy nhiên các chỉ số hiệu quả kinh tế - tài chính (NPV, IRR, B/c) thấp hoặc hầu như không đạt, nên việc đầu tư phát triển hệ thống điện của TCKDĐNT khó khăn.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương,  hoạt động kinh doanh điện năng là ngành nghề không cấm theo Luật đầu tư, nhưng các TCKDĐNT và EVN đều phải tuân thủ pháp luật hiện hành về hoạt động điện lực, trong đó khi TCKDĐNT hoạt động không đảm bảo các quy định pháp luật thì theo Điều 4, Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá điện, quy định: "Sau ngày 01 tháng 9 năm 2009, nếu các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh bán điện, UBND cấp tỉnh chỉ đạo để bàn giao cho các Công ty Điện lực thuộc EVN tiếp nhận, đâu tư nâng cấp và đảm bảo bán điện trực tiếp tới người dân nông thôn". 

Như vậy, nếu bất cứ có sự phản ánh TCKDĐNT về "không cải thiện dịch vụ nhưng vẫn bán điện cho người dân với giá cao hơn nhiều giá bán lẻ điện của ngành điện ", Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, kiểm tra để đảm bảo mọi quyền lợi cho người dân, để đảm bảo người dân được hưởng chất lượng dịch vụ và giá điện theo quy định của Chính phủ. 

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc bán điện cho người dân với giá cao hơn nhiều giá bán lẻ điện của ngành điện là vi phạm Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. 

Tùy theo từng mức độ vi phạm sẽ được xử lý vị phạm theo Nghị định số 134- 2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử đụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác. 

Bài 5. Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chưa "về đích" - Ảnh 2.

Bộ Công Thương cho biết, các tổ chức tham gia hoạt động phân phối và bán lẻ điện phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp được miễn trừ quy định tại Điều 34 Luật Điện lực (ảnh: TX)

HTX phải được cấp giấy phép

Trả lời Báo Dân Việt, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, các tổ chức tham gia hoạt động phân phối và bán lẻ điện phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp được miễn trừ quy định tại Điều 34 Luật Điện lực. 

Gấy phép hoạt động điện lực cho hoạt động phân phối và bán lẻ điện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chỉ tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Thông tư số 21/2020/TT-BCTngày 09 tháng 9 năm 2020 của Bộ Công Thương về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. 

Theo đó, giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện cấp điện áp 0,4kV thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương tại địa phương thực hiện. 

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quá trình huy động các nguồn lực đầu tư điện nông thôn ở giai đoạn trước năm 2015 với mục tiêu có điện để sinh hoạt là chủ yếu, sau này cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đòi hỏi đủ nhu cầu năng lượng điện ngày càng tăng để phục vụ cho sản xuất, nhất là khu vực nông thôn trong sản xuất hàng hóa. Vì vậy, khó khăn nhất là hồ sơ thường không đầy đủ theo các quy định khi bàn giao cho EVN là doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước. 

Bên cạnh đó, nhiều khu vực có hệ thống điện cũ nát, đấu nối sau công tơ kéo dài (câu đuôi) được đầu tư cải tạo từ nhiều nguồn lực khác nhau nên không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật truyền tải và an toàn. 

Đối với ngành điện, quá trình tiếp nhận cần có kế hoạch từ các địa phương để đảm bảo nguồn lực (tài chính, nhân lực, thiết bị v.v) để cải tạo, đồng bộ hệ thống điện thỏa mãn các điều kiện kinh doanh điện năng theo pháp luật hiện hành. 

Ngày 10 tháng 7 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đó có mục tiêu bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện tại Quyết định 854/QĐ-TTg, đây là nội dung giao cho ngành điện có năng lực kỹ thuật và nguồn lực được nhà nước sở hữu 100% vốn, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tiếp nhận LĐHANT khi các TCKDĐNT tự nguyện bàn giao. 

Như vậy, việc "tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2015 nhưng đến nay sau 5 năm vẫn chưa hoàn thành" là do các TCKDĐNT đang hoạt động kinh doanh điện năng theo Luật Doanh nghiệp, Luật HTX, Luật Điện lực v.v không tự nguyện bàn giao, vẫn còn duy trì hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật (vì kinh doanh điện năng là ngành nghề không cấm). 

Các TCKDĐNT nếu tự nguyện bàn giao, thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 32/TTLT/BCT-BTC ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương - Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản LĐHANT. 

Bài 5. Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chưa "về đích" - Ảnh 3.

EVN hiện đã đầu tư các xe chuyên dụng, sửa chữa trên đường dây mà không cần cắt điện của khách hàng (Ảnh: TX)

 Để việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của ngành điện sớm về đích, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng: Các TCKDĐNT còn duy trì hoạt động, phải thực hiện trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành như: Về kỹ thuật hệ thống điện phải đảm bảo theo Quy định trong vận hành hệ thống điện phân phối tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 về đảm bảo cung ứng điện đạt các tiêu chuẩn về tần số, điện áp và khả năng cung ứng điện.

Về giá điện theo Quyết định số 69/2013/QĐTTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện bình quân, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cầu biểu giá bán. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, để có được kết quả khả quan và đáng khích lệ về lưới điện hạ áp nông thôn trong thời gian qua, EVN đã thực hiện cải tạo và đầu tư xây dựng mới lưới điện nông thôn. Tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 120.000 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế hơn 78.300 tỉ đồng (tương đương 3,7 tỷ USD). Cùng với tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn thôn, EVN cũng thực hiện tiếp nhận lưới điện và cung cấp điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo: Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Vân Đồn, Cô Tô, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc, Kiên Hải. Sau khi tiếp nhận, EVN đã đầu tư tăng cường hệ thống điện, cấp điện bằng lưới điện quốc gia cho các huyện đảo với tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.

Từ xuất phát điểm EVN chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126/8.841 xã có điện chiếm tỷ lệ 24%, đến cuối năm 2019, EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285/11.145 xã phường có điện, chiếm tỷ lệ trên 92% xã và bán điện trực tiếp tới 93,5% hộ dân. Hiện nay chỉ còn 488 doanh nghiệp, tô chức bán điện trực tiếp tại 860 xã, phường với hơn 1,7 triệu hộ dân. Sau khi EVN tiếp nhận cải tạo đầu tư tối thiểu bình quân mỗi xã khoảng 1,5 tỷ đáp ứng nhanh nhu cầu sử dụng điện ngay sau khi tiếp nhận và xây dựng kế hoạch đầu tư cho mỗi xã khoảng 5-10 tỷ đồng hoàn chỉnh hệ thống điện.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem