Dân Việt

Trà sữa pha cần sa có gây nghiện?

Văn Long 20/04/2021 13:57 GMT+7
Cơ quan chức năng cho rằng trà sữa trộn cần sa có gây nghiện hay không còn tuỳ thuộc vào thời gian sử dụng, liều lượng pha chế. Nhưng chắc chắn cần sa có tác dụng gây kích thích, hưng phấn cho người dùng.

Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an TP.Đà Lạt tiến hành kiểm tra xe ô tô biển số 49A 38.997 do Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, trú phường 8, TP.Đà Lạt) điều khiển.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1 thùng xốp bên trong chứa 15 chai trà sữa nghi có chất ma túy. Tiến hành test nhanh, cả 15 chai trà sữa trên đều phản ứng dương tính với ma túy.

Trà sữa pha cần sa có gây nghiện? - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thái Dung bị bắt cùng tang vật là 15 chai trà sữa trộn cần sa.

Qua làm việc, Nguyễn Thị Thái Dung khai nhận đã học cách pha chế và mua cần sa từ bạn, sau đó về xay nhuyễn, lọc lấy nước pha trộn với trà sữa bán.

Đối tượng mà Dung "nhắm" đến là những thanh niên trên địa bàn, trong đó có cả khách du lịch, học sinh, sinh viên... Trung bình mỗi ngày Dung bán khoảng 20 chai, bán lẻ 300.000 đồng/chai, bỏ sỉ giá mỗi chai từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.

Giới trẻ hiện nay rất thích uống trà sữa nên vụ việc trên khiến các bậc phụ huynh lo lắng, băn khoăn không biết rằng liệu trà sữa trộn cần sa này có gây nghiện hay không.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho khuyến cáo: "Thực chất, cần sa nằm trong danh mục chất kích thích, có tác dụng kích thích tại chỗ nhiều hơn. Vụ việc trên đã gây hoang mang, vì vậy người dân nên cẩn thận khi sử dụng trà sữa".

Trong khi đó, bác sĩ Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng cho hay, việc sử dụng cần sa tạo cảm giác hưng phấn và thư giãn, đa số cảm thấy tinh thần lên cao khi sử dụng. Tuy nhiên, việc gây nghiện còn tùy thuộc vào thời gian sử dụng, liều lượng pha chế ra sao. Cơ sở của cô gái trên không thuộc sự quản lý của chi cục nên đơn vị không thể phối hợp làm sâu.