Phát hiện hàng chục vụ trồng cần sa, anh túc trong vườn nhà: Chính quyền cơ sở không thể ngoài cuộc

Hồng Nhân Chủ nhật, ngày 18/04/2021 13:25 PM (GMT+7)
Từ đầu năm 2021 đến nay, công an, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương đã phát hiện hàng chục vụ việc người dân trồng cây cần sa, cây anh túc (thuốc phiện) trong vườn nhà.
Bình luận 0

Dù hầu hết người trồng lý giải trồng các cây này để cho gia súc, gia cầm ăn, nhưng thực tế cho thấy đây là một ẩn họa mà chính quyền, cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc.

Việc để người dân trồng cần sa, cây anh túc (cây thuốc phiện) đến khi có hoa, có búp là hết sức nguy hiểm. Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, cần phải quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương, mặt trận và các đoàn thể trong sự việc này.

Phát hiện trồng cây anh túc, người dân nói "để làm rau ăn"

Phát hiện hàng chục vụ trồng cần sa, anh túc trong vườn nhà: Chính quyền không thể  ngoài cuộc - Ảnh 1.

Nhiều cây anh túc khi phát hiện đã ra hoa và quả. Ảnh: T.L

Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phát hiện nhiều người dân trồng hàng trăm cây anh túc trong vườn nhà. 

Theo đó, ngày 24 và 25/2, Công an huyện Lục Ngạn tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp, thu giữ 214 cây anh túc được các gia đình trồng ngay trong vườn nhà.

Phát hiện hàng chục vụ trồng cần sa, anh túc trong vườn nhà: Chính quyền không thể  ngoài cuộc - Ảnh 2.

Cụ thể, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 24/2, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra gia đình bà T. T .T (SN 1975, trú tại thôn Bản Hạ, xã Kiên Thành) phát hiện tại khu vườn rau của gia đình có trồng 16 cây anh túc; kiểm tra gia đình bà N.T. T (SN 1965, trú tại thôn Hoà Trong, xã Tân Lập) phát hiện tại vườn nhà có trồng 24 cây anh túc; kiểm tra gia đình bà N.T.N (SN 1969, trú tại thôn Khả Lã 2) phát hiện tại vườn rau của gia đình bà N có trồng 61 cây anh túc.

Phát hiện hàng chục vụ trồng cần sa, anh túc trong vườn nhà: Chính quyền không thể  ngoài cuộc - Ảnh 3.

Công an huyện Chư Sê (Gia Lai) phát hiện, kiểm đếm, nhổ bỏ 230 cây cần sa được trồng trong vườn của hộ dân tại thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê. Ảnh: TTXVN

img

Cây cần sa trồng tại vườn một hộ gia đình tại thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Nâng cao ý thức tố giác tội phạm

Theo Công an tỉnh Gia Lai, để phát hiện và ngăn chặn việc trồng, nhân giống, tiêu thụ cây cần sa trên địa bàn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban, ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tích cực đến đông đảo người dân, các cấp chính quyền cơ sở, để người dân nhận biết được cây cần sa hoặc các loại cây gây nghiện khác. Đối với người dân, khi phát hiện người lạ dụ dỗ trồng các loại cây lạ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý, ngăn chặn.

B.T

Sau đó, ngày 25/2, Công an huyện Lục Ngạn phối hợp với Công an thị trấn Chũ tiến hành kiểm tra gia đình bà P.T.M (SN 1957, trú tại tổ dân phố Dốc Đồn) phát hiện tại vườn gia đình có trồng 60 cây anh túc; kiểm tra gia đình bà N.T. T (SN 1960, tổ dân phố Dốc Đồn) phát hiện tại vườn gia đình có trồng 50 cây anh túc.

Khi bị phát hiện, các trường hợp này đều thừa nhận có trồng nhưng do thiếu hiểu biết chỉ để làm rau ăn hoặc cho lợn. Hầu hết các cây anh túc này đều đã cho quả.

Trước đó, Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) phát hiện và tạm giữ gần 3.000 cây anh túc của một người dân trồng trong vườn nhà ở xã Tiên Sơn. 

Công an huyện Việt Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người này.

Chưa hết, ngày 26/2, tại Điện Biên, Công an thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) bắt quả tang đối tượng T. T. L (SN 1979, trú tại bản Cáp) trồng cây anh túc trong vườn nhà.

Tiến hành kiểm tra, xác minh, cơ quan công an phát hiện, nhổ và thu giữ 162 cây anh túc đang phát triển, chuẩn bị trổ hoa. Tại cơ quan công an, bà T. T. L bước đầu khai nhận mục đích trồng cây anh túc để sử dụng làm rau ăn.

Tại Hà Tĩnh, sáng 20/2, Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết, trong lúc tuần tra, đơn vị đã phát hiện trong khu vườn nhà bà Trần Thị B (SN 1940, xã biên giới Phú Gia, huyện Hương Khê) có trồng nhiều cây anh túc xen lẫn các loại rau. 

Kiểm tra tại vườn, lực lượng chức năng phát hiện, cây anh túc được bà B trồng tại vườn nhà đang trong giai đoạn phát triển. Bà B cho biết, bà có người thân ở bên Lào nên lấy cây anh túc về trồng, mục đích để chữa bệnh và dùng nấu canh ăn hàng ngày.

Liên tiếp phát hiện các trường hợp trồng cây anh túc tại nhiều địa phương, nhưng câu trả lời của người dân đưa ra đều là trồng làm rau, trồng cho lợn ăn...

Phát hiện hàng chục vụ trồng cần sa, anh túc trong vườn nhà: Chính quyền không thể  ngoài cuộc - Ảnh 6.

Công an TP.Lạng Sơn triệt phá vườn trồng 70 cây anh túc trong vườn nhà hộ dân ở xã Mai Pha, TP.Lạng Ảnh: Sơn.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, cần phải có những biện pháp răn đe hơn để người dân nâng cao ý thức.

"Luật quy định trồng dưới 500 cây và lần đầu thì chỉ phạt hành chính, vậy nên nhiều người dân vẫn vô tư trồng. Quy định này cần nghiên cứu lại, phải có mức phạt, mức xử lý nặng hơn để ngăn chặn tình trạng người dân trồng anh túc, cần sa" - ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ẩn họa lớn

Liên quan đến việc này, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết, việc người dân trồng cây anh túc là rất nguy hiểm. 

Nhà nước đã có quy định cấm trồng, cấm sử dụng, nếu không ngăn chặn kịp thời, việc trồng cây anh túc sẽ để lại nhiều ẩn họa lớn.

"Đầu tiên phải khẳng định, người dân nếu trồng cây anh túc, cây cần sa... là vi phạm pháp luật, là trái quy định của Nhà nước, không có chuyện giải thích là trồng để ăn, nấu canh hay cho gia súc. Vì việc này được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm nay. 

Thứ hai, việc này xảy ra ở nhiều địa phương với số lượng nhiều, không phải chỉ 1-2 cây, vì vậy phải xem lại việc quản lý tại các địa bàn. Phải đặt câu hỏi, đây có phải là vụ trồng anh túc đầu tiên của hộ gia đình hay đã có những vụ trước đó, đã thu hoạch và có thể là bán đi? 

Việc này Chủ tịch xã tại địa phương phải chịu trách nhiệm, cơ quan hành chính phải kiểm tra xử lý" - ông Cương nói.

Theo ông Cương, việc trồng để lại nhiều ẩn họa lớn. "Cần sa, thuốc phiện được quy định rõ ràng, có phải su hào, hay bắp cải đâu mà ăn, đâu mà trồng để làm thuốc chữa bệnh. 

Trồng đến kỳ thu hoạch, người trẻ, thanh niên mà sử dụng lại là rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ việc liên quan người trẻ trồng và buôn bán những cây, những chất này" - ông Cương thông tin.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, trồng, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được Nhà nước rất khuyến khích, nhưng là trồng cây gì, con gì mang lại hiệu quả thiết thực; còn việc trồng cây anh túc gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng xấu tới cộng đồng phải xử lý ngay.

"Khi phát hiện trồng trái phép cây cần sa, cây anh túc, người dân viện đủ lý do, nhiều nhất là thiếu hiểu biết, trồng để làm rau, trồng cho gia súc ăn... để tránh né, biện hộ cho việc làm sai trái của mình. Việc này cho thấy công tác vận động, tuyên truyền của mặt trận và các đoàn thể là chưa đến nơi đến chốn. 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của địa phương có thể lơ là, không loại trừ trường hợp cán bộ cấp thôn, xã, huyện cũng có thể cũng trồng loại cây này. Chúng ta phải quy trách nhiệm về mặt trận và các đoàn thể, đơn vị đã làm gì để tình trạng trên xảy ra nhiều, người dân trồng đến lúc ra hoa, ra quả" - ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, đã có những trường hợp trồng và bán những sản phẩm liên quan đến cây anh túc, vì vậy chính quyền địa phương phải cương quyết xử lý, kiểm tra, tiêu hủy, nếu người dân không chấp hành phải xử phạt nghiêm minh.

"Tôi thấy quá nguy hiểm khi phát hiện người dân trồng anh túc đã có búp, có quả. Nếu người trẻ, thanh niên sử dụng hoặc chủ vườn bán những thứ này thì hậu quả sẽ rất khó lường" - ông Hòa cho hay. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem