Dân Việt

Đồng Nai: Bỏ ra 30 triệu trồng rau dại có trái sần sùi, đắng nghét, ông nông dân lời 300 triệu mỗi năm

Trần Đáng 22/04/2021 06:00 GMT+7
Mô hình trồng khổ qua rừng được ông nông dân Nguyễn Hoàng Mai (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) duy trì suốt 10 năm qua. Và mỗi năm, gia đình ông Mai thu đều đặn 300 triệu đồng tiền lời.

Trồng khổ qua rừng giúp nông dân làm giàu

Đồng Nai: Bỏ ra 30 triệu trồng rau dại có trái sần sùi, đắng ngắt, ông nông dân thu 300 triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 1.

Khu rẫy trồng khổ qua rừng của ông nông dân Nguyễn Hoàng Mai (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

Hiện, ông nông dân Hoàng Mai đang trồng 1ha khổ qua rừng (mướp đắng rừng). 

Khổ qua rừng thường mọc dại ở vùng đồi núi. Trái khổ qua rừng sần sùi, trái to nhất chỉ bằng ngón chân cái.

Theo ông Mai, ông trồng khổ qua rừng bằng hạt. Trước khi gieo hạt, ông Mai làm giàn cao 2m để dây khổ qua leo bám vào.

Trung bình cứ 1.000m2 trồng khổ qua rừng ông Mai làm thành một giàn. Mỗi giàn khổ qua rừng này có thể sử dụng được khoảng 2 năm.

Ông Mai cho biết, kể từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch khổ qua rừng chỉ mất hơn 2 tháng.

Mỗi dây khổ qua rừng ra trái trong vòng nửa năm. Sau đó, nông dân nhổ gốc, trồng dây mới.

Thay vì khi khổ qua ra trái, cứ 2 - 3 ngày nông dân thu hoạch/lần, tại vườn ông Mai có thể hái trái quanh năm.

"Khổ qua rừng vốn là loài cây dại nên rất dễ trồng, chăm sóc không quá cầu kỳ", ông Mai khẳng định.

Không chỉ ăn trái, lá và dây khổ qua rừng cũng có giá trị kinh tế cao. Hiện, mỗi ngày ông Mai thu hoạch hơn 100kg trái.

Đồng Nai: Bỏ ra 30 triệu trồng rau dại có trái sần sùi, đắng ngắt, ông nông dân thu 300 triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 2.

Nông dân Nguyễn Hoàng Mai thu hoạch khổ qua rừng.

Theo ông Mai, hiện số lượng trái khổ qua rừng thu hoạch trong ngày được công ty bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg.

Nông dân Nguyễn Hoàng Mai tính, mỗi năm vườn khổ qua rừng đã đem về gia đình ông lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

"Lâu nay nhiều bà con nông dân không để ý, chứ khổ qua rừng hiệu quả kinh tế rất cao. Ở đây, giá khổ qua rừng rất ổn định vì được bao tiêu sản phẩm. Nếu có điều kiện trồng, tôi tin khổ qua rừng sẽ giúp bà con vươn lên khá giả", ông Mai chia sẻ.

Đồng Nai: Bỏ ra 30 triệu trồng rau dại có trái sần sùi, đắng ngắt, ông nông dân thu 300 triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 3.

Ông nông dân Mai sơ chế khổ qua rừng chờ công ty đến thu mua.

Nông dân bỏ lúa trồng khổ qua rừng

Hiện, tại TP Long Khánh (Đồng Nai), Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân bao tiêu khổ qua rừng cho bà con nông dân.

Mức giá 20.000 đồng/kg khổ qua rừng, được công ty mua cho nông dân nhiều năm nay.

Theo Công ty Hiệp Vân, công ty đang có 50ha liên kết trồng khổ qua rừng với nhiều hộ nông dân ở TP Long Khánh, và các huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc.

Trung bình, mỗi ngày Công ty Hiệp Vân mua khoảng 500kg trái khổ qua rừng để chế biến các loại trà. Ngoài ra, trái khổ qua rừng còn được công ty bán trái tươi tại các siêu thị.

Tới đây, công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu và tiếp tục liên kết với nông dân để sản xuất khổ qua rừng.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn chuyển đất lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng khổ qua rừng. Việc trồng khổ qua rừng đã mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Đồng Nai: Bỏ ra 30 triệu trồng rau dại có trái sần sùi, đắng ngắt, ông nông dân thu 300 triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 4.

Nông dân trồng khổ qua rừng ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) không chỉ lấy trái mà còn lấy lá và cọng bán cho thương lái.

Ngoài làm thực phẩm, khổ qua rừng có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Đặc biệt, khổ qua rừng rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường.

Theo y học cổ truyền, khổ qua rừng có vị đắng, tính hàn, không độc, giúp thanh nhiệt cơ thể, tiêu độc, trừ đờm, cắt cơn ho…