Chia sẻ với Dân Việt, nhà thơ - nhà báo Hữu Việt cho biết, chiều qua (20/4), anh nhận được điện thoại từ em trai của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là Hoàng Nhuận Kỳ đang sống ở TP.HCM gọi báo tin và nhờ chạy ngay đến bệnh viện Thanh Nhàn để giúp đỡ vì nhà neo người.
Lúc anh chạy vào bệnh viện thì thấy các bác sĩ đang cố gắng dùng các phương tiện cứu chữa nhưng anh nhìn lên màn hình thì tất cả đã chạy thành đường thẳng. Nghĩa là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã mất từ trước đó.
"Theo cháu Thành - con trai anh Cầm kể thì khoảng 15h17 phút chiều qua, anh ấy vẫn nhắn tin cho con trai nói là người vẫn mệt nên không đi Ninh Bình được. Chắc ở dưới Ninh Bình họ mời anh về nói chuyện trong sự kiện gì đó liên quan đến Ngày Sách Việt Nam 2021. Thành cũng dặn bố nghỉ ngơi rồi chiều sẽ chạy qua.
Nhưng sau đó, nhà thơ Đỗ Anh Vũ có việc gì cần liên hệ nhưng gọi điện thoại mãi cho anh Cầm không được. Vì nhà ở gần đó nên Vũ chạy qua nhấn chuông gọi cửa cũng không thấy ra mở cửa. Vũ liền báo cho con trai anh Cầm.
Khi Thành chạy qua mở thì phát hiện anh Cầm đã trong tình trạng bất tỉnh. Gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn để cấp cứu nhưng đã quá muộn. Lúc tôi vào thấy bác sĩ vẫn đang cố gắng ép tim cho anh ấy nhưng khi tôi nhìn lên trên màn hình thì các mạch đã chạy theo đường thẳng hết rồi.
Tôi nghĩ là anh Cầm mất từ khoảng 15h30 đến 17h. Lúc đó, anh ấy ở một mình, không ai ở bên cạnh cả. Gia đình cũng đoán là anh ấy lên một cơn suy hô hấp vì bị tắc nghẽn phế quản".
Sinh thời, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có mối quan hệ đặc biệt với gia đình nhà thơ Hữu Việt. Ông gọi bố mẹ nhà thơ Hữu Việt là "bố mẹ" và xem các thành viên trong gia đình như anh em. Mọi người trong gia đình nhà thơ Hữu Việt cũng rất quý mến nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
"Anh Cầm thân thiết như người anh lớn trong gia đình. Tất cả mọi người, từ bố mẹ đến anh chị em nhà tôi đều yêu quý anh Cầm. Lúc đang khoẻ, anh Cầm vẫn qua lại với gia đình tôi và ai cũng quý mến anh ấy. Hôm rồi, 49 ngày của mẹ tôi, dù đang yếu nhưng anh Cầm vẫn qua thắp hương và ở lại ăn cơm với gia đình.
Sự ra đi của anh quá đột ngột. Khi tôi thông báo tin anh Cầm mất trên group của gia đình thì mọi người đều rất bất ngờ và đau xót, như thể vừa mất đi một người thân trong gia đình.
Bình thường, anh Cầm hút thuốc lào rất nhiều nên phổi của anh không được khoẻ. Anh có tiền sử bệnh tắc nghẽn phế quản mãn tính. Bệnh đó cũng làm cho anh ấy yếu đi nhiều. Cộng với cường độ làm việc rất khủng khiếp khiến sức khoẻ của anh ấy ngày càng sa sút.
Nếu được quay ngược thời gian thì chúng tôi sẽ khuyên anh ấy biết quý sức khoẻ của mình, đừng có tận tuỵ và cháy hết mình cho công việc. Nếu giữ gìn và quý trọng sức khoẻ hơn thì anh ấy đã có thể ở lại với chúng ta lâu hơn nữa.
Anh Cầm là một nhà thơ đích thực, một nghệ sĩ đa năng. Anh sống tận cùng đam mê và hết mình với mọi người. Anh là một tài năng đa dạng, từ thơ ca, kịch bản, đóng phim... đều xuất sắc. Anh ấy còn là một diễn giả tuyệt vời nữa. Thời sinh viên, ai từng nghe anh Cầm nói chuyện và đọc thơ thì chắc sẽ không thể quên được. Với người bình thường, như thế thôi đã tiếc thương rồi thì người gần gũi với gia đình lại càng tiếc thương gấp bội. Lúc này, mọi nỗi niềm đều không thể nói hết ra được".
Ông chia sẻ: "Tối 20/04, nhà thơ Hữu Việt gọi cho tôi thông báo nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã rời bỏ thế gian. Hôm qua, ông còn đang nói, đang cười trong cuộc đời này.
Vậy mà chỉ như một cái chớp mắt, ông đã rời bỏ gia đình, bạn bè giống như một cuộc chơi trốn tìm vĩ đại. Với tôi, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là người đọc thơ mê đắm nhất xứ sở này. Với bất cứ ai đã nghe ông đọc thơ dù chỉ một lần cũng không bao giờ quên được niềm đắm mê không bờ bến của ông khi giọng đọc ông vang lên. Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tình yêu vô tận với thơ ca".
Nhà văn Lê Anh Hoài chia sẻ, Hoàng Nhuận Cầm thuộc về thế hệ của thơ sinh viên, Đại học Tổng hợp và Đại học Sư Phạm văn những năm khốn khó, bao cấp và chớm đổi mới. Thơ lúc ấy như một khí quyển chứ không phải một lựa chọn. Và Hoàng Nhuận Cầm là "con chim bồ câu màu nâu" bay lượn trong bầu trời ấy.
"Anh Cầm là tiếng nói lãng mạn của thế hệ. Cái thế hệ đói rách, khốn khổ nhưng yêu rất nhiều. Nghĩ lại thì yêu là do ngây thơ, yêu là do chả biết gì. Thế hệ ấy sẵn sàng ra mặt trận và sẵn sàng chờ đợi nhau. Đó là thế hệ mà tôi gọi là "hậu chống Mỹ".
Thơ Hoàng Nhuận Cầm là thơ đọc vang lên, kiểu quảng trường, sân trường. Nó có nhịp điệu và ngôn từ kiểu ấy. Nó thôi thúc kể cả trong sự được cho là riêng tư như "yêu" và "nhớ". Nó tìm ra được chất keo gắn kết, chất men đại tiệc.
Anh Cầm có lần đưa tôi một bài thơ để đăng báo. Đó là bút tích anh viết tay, mực tím rất học trò. Anh đọc thơ thì ... ngồi xa nghe ổn hơn. Anh được phụ nữ yêu rồi hình như họ lại không chịu nổi. Anh là mẫu đàn ông thỉnh thoảng lại lấy vợ".