Dân Việt

Lùi xe vào "chuồng", tưởng dễ mà khó đặc biệt với tài xế nữ

Mai Phương 23/04/2021 06:57 GMT+7
Có nhiều sai lầm mà không ít người lái thường mắc phải khi lùi xe vào "chuồng”. Điều này không chỉ gây mất nhiều thời gian mà còn tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn.

Khi thi bằng lái xe ô tô, bài "lùi xe vào chuồng" dường như là một bài "khó" nhất, rất nhiều người thường lúng túng về cách lùi xe vào chuồng như: làm thế nào để lùi xe vào chuồng mà không bị đè vạch hoặc chéo xe; lúc nào nên giữ vô lăng sang phải, lúc nào trả lái sang trái… Vì thế rất dễ gặp phải những sai lầm trong việc lùi xe vào chuồng. Dưới đây là một số lỗi thường gặp nhất khi lùi xe vào chuồng và những cách xử lý sao cho xe lùi được vào chuồng nhanh và chuẩn nhất

Tiến vào chuồng khi có hai xe đỗ song song

Một số người lái thường cho rằng, khi lùi vào chuồng có hai xe đỗ song song rồi thì tiến vào sẽ đơn giản hơn việc lùi vào. Thế nhưng thực tế, bạn lùi vào chuồng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, vì khi lùi hệ thống gương quan sát sẽ giúp bạn lùi vào chuồng một cách đơn giản. Đây là một trong những lưu ý khi lùi xe ô tô rất quan trọng mà những lái mới cần lưu ý.

Lùi xe vào "chuồng", tưởng dễ mà khó đặc biệt với tài xế nữ - Ảnh 1.

Lùi vào chuồng dễ dàng hơn khi có hai xe đỗ song song

Để lùi chuồng trong trường hợp này, đầu tiên bạn đưa xe đỗ ngang hàng với xe đã đỗ trước đó, đuôi hai xe ngang bằng nhau. Sau đó, đánh hết vô lăng về bên phải, lúc này bạn nên giữ kịch vô lăng và lùi xe. Đừng quên nhìn vào gương chiếu hậu để việc lùi được diễn ra dễ nhất, khi nhìn vào gương chiếu hậu bạn nhìn thấy biến số của xe phía sau, bây giờ tay lái của bạn đang ở góc 45 độ. Sau đó trả thẳng lái và lùi lại. Từ từ lùi cho đến khi góc phải đầu xe ngang hàng với đuôi xe phía trước thì dừng lại. Lưu ý, khi dừng xe đồng thời xoay vô lăng kịch trái. Cuối cùng là lùi xe vào chỗ trống bạn muốn đỗ.

Quá tin tưởng vào công nghệ hỗ trợ

Với dòng xe hiện đại ngày nay, hầu hết các hãng đều trang bị công nghệ cảm biến lùi trên xe, tức là khi lùi xe vào chuồng nếu gần chạm vào đầu của xe sau thì nó sẽ phát ra tiếng kêu, giúp lái xe dừng lại kịp thời. Tuy nhiên, thực tế cảm biến chỉ phát ra tín hiệu khi thấy chướng ngại vật phía trước hoặc phía sau. Nó không phát ra tiếng kêu khi có vật đâm ngang. Như trường hợp của chị Trần Lan Anh (Kế toán – TP. Hồ Chí Minh) dưới đây tâm sự: "Mình rất tin vào cảm biến lùi, vì sử dụng vài lần thấy không sao. Thế nhưng hôm rồi mình lùi luôn vào đuôi ben xe tải chỉ vì chủ quan nghe cảm biến, chỉ vì không quan sát là ben xe ở trên cao hơn tầm cảm biến, vùng nhận cảm biến lại nằm giữa khe trục trước sau".

Lùi xe vào "chuồng", tưởng dễ mà khó đặc biệt với tài xế nữ - Ảnh 2.

Quá tin tưởng vào công nghệ không quan sát bằng mắt thường gây nguy hiểm

Chỉ vì chủ quan, quá tin tưởng vào cảm biến lùi được lắp trên xe, chị không tìm hiểu rõ nguyên lý hoạt động cũng như những hạn chế của nó nên đã xảy ra trường hợp trên. Do đó, theo nguyên tắc lùi xe an toàn, tuy có cảm biến lùi nhưng khi lùi chuồng, người lái cũng nên chú ý quan sát cẩn thận.

Lùi vào chuồng ghép dọc hay bị chéo xe và đè vạch

Anh Trần V. Minh (Tài xế – Bình Dương) chia sẻ về lần anh thi lấy bằng lái xe hạng D, trong đó có bài lùi vào chuồng ghép xe dọc của mình, anh nói "Ngày ấy mình học hoài mà không lùi được vào chuồng, lùi toàn bị chéo xe với đè vạch. Trong khi học bài lùi này, mình không biết lúc đánh xe qua chuồng vòng sang bên phải để chuẩn bị lùi, không biết giữ vô lăng sang phải cho xe đến lúc nào thì mới trả lái cho bánh xe thẳng, rồi dừng lại để chuẩn bị lùi. Một điều nữa khi lùi vào chuồng, mình không biết lúc nào nên đánh vô lăng trả lại bên trái, đánh nhanh hay đánh chậm, trả hết hay trả từ từ, lúc xe vào đến cuối chuồng không được đẹp, toàn bị đè vạch".

Với trường hợp này, có thể khắc phục theo cách sau:

Thứ nhất: Thấy cửa chuồng sang ngang vai lập tức hết lái thật nhanh sang phải. Thứ hai: Nhìn qua gương trái (nên bẻ gương chiếu hậu bên trái hơi cúp xuống sao cho có thể nhìn thấy chỗ bánh sau bên trái xe tiếp xúc với mặt đất), sau khi bạn thấy xuất hiện cửa chuồng thì trả lái thật nhanh và dừng lại. Thứ ba: Cài số lùi và hết lái sang trái, trả từ từ cho thẳng lái, nếu cảm thấy chưa ổn thì tiến lên lùi lại.

Ngoài ra, còn có một mẹo để lùi chuồng ghép dọc, đó là cứ thực hiện xong một bước lại xuống xe, đi một vòng quanh xe, ngắm nghía xem bước tiếp theo xe đi như thế nào? Mục đích là dễ hình dung không gian, vị trí xe cần lùi vào. Sau một vài lần quen rồi, sẽ dễ hình dung ra không gian xung quanh khi lùi xe, có như vậy việc lùi xe sẽ dễ dàng hơn và không bị chéo xe hay đè vạch nữa

Xe trước vừa ra khỏi chuồng, cho xe mình vào đúng chuồng ấy rất dễ vì hai xe giống nhau

Điều này hoàn toàn sai, bởi chỉ dùng mắt thường nên bạn không thể đo chính xác độ dài xe của mình và xe của người khác được, mặc dù hai xe cùng một hãng. Đặc biệt, khi bạn nhìn thấy lái xe ra khỏi chuồng mà thấy lái xe ấy sử dụng rất nhiều phanh thì việc bạn lùi vào chuồng đó sẽ khó gấp đôi. Trong trường hợp này tốt nhất bạn nên tìm chỗ đỗ khác.

Lùi xe vào "chuồng", tưởng dễ mà khó đặc biệt với tài xế nữ - Ảnh 3.

Không nên chủ quan đo bằng mắt thường

Việc đỗ xe ghép song song mà trước sau đều đã có xe đỗ rồi rất khó. Trường hợp này đòi hỏi bạn phải có kĩ thuật cũng như góc nhìn rộng. Bởi có thể xe vừa ra đỗ trước khi có xe đỗ phía trước và phía sau, chính vì vậy khoảng cách giữa các xe khá sát nhau. Vì vậy, bạn nên xác định được khoảng cách. Một nguyên tắc là nơi đỗ xe phải có chiều dài hơn thân xe bạn tối thiểu 1,5 m. Nghĩa là đầu xe của bạn nên cách đuôi xe phía trước tầm 0,75 m, tương tự đuôi xe bạn cũng nên cách đầu xe phía sau khoảng 0,75 m.
Với khoảng cách lý tưởng này, bạn mới có thể ra chuồng dễ dàng mà không mất nhiều thời gian tiến tiến lùi lùi. Còn nếu bạn không tự đo được khoảng cách, cũng như không tự tin lắm với khoảng cách luồng, tốt nhất nên tìm chỗ đỗ khác.

Lái quá nhanh khi lùi vào chuồng

Một số tay lái mới lấy được bằng thường hay thể hiện tay lái của mình, lái quá nhanh khi lùi vào chuồng mà quên mất một nguyên tắc cơ bản, rằng số lùi là số khỏe nhất trong hộp số xe ô tô. Có nghĩa là khi bạn thực hiện cùng lúc nhả côn và đạp ga thì số lùi sẽ hoạt động nhanh hơn số một. Bên cạnh đó, việc lùi xe vào chuồng thường hạn chế tầm quan sát, nên khi bạn lái xe nhanh rất dễ gây nguy hiểm. Vì thế, khi lùi xe vào chuồng đạt hiệu quả nhất bạn nên lùi một cách từ từ. Lái chậm là cách tốt nhất để xử lý kịp nếu xảy ra các tình huống không may.

Hai bánh vuông góc với vỉa hè

Nhiều tay lái mới, khi cho xe đỗ lên vỉa hè (nơi được phép dừng đỗ xe ô tô) thường có thói quen cho xe lùi như khi lùi vào chuồng ở địa hình bằng. Tức là cho hai bánh xe vuông góc với vỉa hè. Điều này khiến việc lùi vào chuồng gặp rất nhiều bất lợi, thậm chí có thể gây tai nạn nguy hiểm cho người lái cũng như những phương tiện tham gia giao thông khác.

Chếch một bánh lên vỉa hè trước, sẽ giúp bạn lùi vào chuồng đơn giản hơn

Bởi việc tỳ cả hai bánh lái vào vỉa hè rồi tăng ga sẽ làm cho xe không có đà để lùi. Trong trường hợp vỉa hè cao còn khó hơn và tiêu hao rất nhiều xăng, gây va chạm mạnh dưới gầm xe. Khi lùi xe vào đúng chỗ rồi quên không trả thẳng lái nên khi lấy xe ra khỏi chuồng rất dễ bị va quẹt. Trong trường hợp này bạn nên cho xe hơi chéo với chỗ trên vỉa hè bạn muốn đỗ. Sau đó đưa một bánh trước lên vỉa hè trước, "mớm" chân ga ở mức vừa phải rồi cho nốt bánh còn lại lên. Đồng thời đánh thẳng xe sau đó bạn mới tiếp tục tiến hoặc lùi lên chuồng.

Quên không để ý phía trước

Theo kinh nghiệm lái xe, đây là lỗi thường gặp với một số bác tài mới, khi lùi chỉ quan sát phía sau xe mà quên không thi thoảng quan sát về phía trước. Không quan sát phía trước có thể dễ gây ra va chạm do mũi xe đang có hướng tiến ra ngoài hay bất ngờ có người đi lại phía trước nên không kịp trở tay khi có tình huống xấu xảy ra.