Nói đến những người bên cạnh Lưu Bị, chắc mọi người đều đã biết và sẽ nghĩ ngay đến Thừa tướng Gia Cát, anh em Quan Vũ, Trương Phi… Trong đó, Gia Cát Lượng còn từng viết một bản "Xuất sư biểu" để bày tỏ tấm lòng trung nghĩa của bản thân, vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Tuy nhiên, vẫn có người nói việc Khổng Minh viết bài "Xuất sư biểu" chẳng qua chỉ là để khuếch trương danh tiếng của bản thân sau này, nhưng thực tế đâu hẳn như thế.
Những việc mà Khổng Minh đã làm trước tiên là vì tiên chủ anh dũng thiện chiến, sau lại hết lòng phò tá hậu chủ, làm gì có việc nào là không đáng được lưu truyền ngàn năm? Khổng Minh thông minh trí tuệ như thế, nhiều lần khổ cực gian lao như vậy chẳng lẽ đáng để bị người đời nói này nói kia hay sao?
Trong thời kỳ Tam quốc, có hai vị mưu sĩ nổi danh đến mức: "Nếu như có được một trong hai thì đã có thể an định được thiên hạ". Hai người đó chính là Ngọa Long Gia Cát Lượng cùng Phượng Sồ Bàng Thống.
Trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa", tài năng của Bàng Thống không hề thua kém gì với Gia Cát Lượng, đều là trợ thủ đắc lực của Lưu Bị. Nhưng, trong lịch sử chân chính, thì Bàng Thống cả về kinh nghiệm lẫn hành động đều không thể xứng được với danh tiếng cao như vậy.
Trong quá trình Lưu Bị tranh đoạt thiên hạ Bàng Thống cũng không có quá nhiều cống hiến. Giả sử, nếu phải tìm một người xứng đáng để so sánh với Gia Cát Lượng trong thời Tam quốc, thì có lẽ chỉ có Pháp Chính mới xứng tầm.
Dựa theo những ghi chép, Pháp Chính lớn hơn Gia Cát Lượng 4 tuổi, cả hai đều là cánh tay đắc lực của Lưu Bị, trong "Tiên chủ truyện" có viết:
Gia Cát Lượng là cánh tay đắc lực, Pháp Chính là quân sư đắc lực, mặc dù hai người có tính cách và sở thích khác nhau, nhưng cả hai đều luôn đặt đại nghiệp quốc gia làm đầu, Gia Cát Lượng đảm nhận nhiệm vụ ở hậu phương, chăm lo binh lực, lương thảo; còn Pháp Chính thì theo quân đi chinh phạt, bày mưu tính kế. Cả hai luôn phối hợp nhịp nhàng, lấy ngắn bọc dài.
Về sau, khi Lưu Bị quyết tâm Đông chinh, thảo phạt Tôn Quyền để báo thù cho Quan Vũ, bá quan văn võ hết lời can ngăn nhưng ông đều không nghe theo.
Sau khi Pháp Chính cùng Lưu Bị vào Xuyên Thục tấn công Hán Trung, ông đã lập nên công trạng có một không hai trong chiến lược bá nghiệp của Lưu Bị, chiếm cứ được hai vùng Ba Thục kéo dài sang Kinh Châu.
Việc này đối với người đang ấp ủ mộng làm chủ thiên hạ như Lưu Bị quả thực là sự trợ giúp đắc lực nhất, giai đoạn có sự phò tá của Pháp Chính chính là bước ngoặt cho sự phát triển của tập đoàn Lưu Bị, giúp thế lực của Lưu Bị đạt đến thời kỳ đỉnh cao nhất mà trước giờ chưa từng có.
Thực ra, trong sự nghiệp của Lưu Bị rất thiếu người tài giỏi, tuy rằng ông có được những vị danh tướng lẫy lừng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân có thể dũng cảm xông pha ra trận, nhưng Lưu Bị lại thiếu những vị quân sư nhìn xa học rộng giúp đề ra mưu lược.
Gia Cát Lượng tuy có chiến lược, có tầm nhìn xa, có tài trị quốc nhưng ông lại không sánh bằng Pháp Chính trong việc đưa ra sách lược trong những tình huống quân sự cụ thể.
Hơn thế, Gia Cát Lượng là quân sư trong tập đoàn Lưu Bị, nhiệm vụ chính của ông là trấn giữ hậu phương, phụ trách bảo vệ ổn định hậu phương cùng việc điều phối lương thảo, chứ không phải cùng quân chinh chiến bốn phương đề ra sách lược cụ thể, mà Pháp Chính chính là phần khỏa lấp hoàn hảo cho khiếm khuyết này.
Bởi vì những cống hiến hết mình, thể hiện xuất sắc của Pháp Chính trên chiến trường cho nên Lưu Bị lại càng thêm trọng dụng Pháp Chính, thăng quan cho ông. Nhưng tiếc là, khi Pháp Chính vừa qua tuổi 45 thì mắc bệnh qua đời. Lưu Bị khó khăn lắm mới có được "báu vật" như ông nhưng lại mất đi quá nhanh, cho nên đã khóc thương tận mấy ngày liền.
Không có Pháp Chính, Thục Hán mất đi sự đảm bảo vững chắc, đầu tiên là đánh mất Kinh Châu, sau lại bại trong tay Lục Tốn trong cuộc chiến với Đông Ngô, mất đi một lượng lớn binh lính tinh nhuệ…
Gia Cát Lượng không giỏi tấn công, thiên về phòng thủ, sự ra đi của Pháp Chính khiến Thục Hán mất đi cơ hội tranh đoạt thiên hạ.
Năm Chương Vũ thứ hai, Thục quốc và Đông Ngô vì cái chết của Quan Vũ khơi mào cuộc chiến ở Di Lăng, Thục quân đại bại, rút lui về Bạch Đế thành, Gia Cát Lượng đã than rằng: "Nếu như Pháp Chính vẫn còn, có thể đã ngăn được Chủ thượng đánh Đông Ngô; kể cả khi ngăn không được, vẫn có Pháp Chính theo cùng, cũng sẽ không chiến bại quay về".
Tài năng của Pháp Chính cũng sớm đã được Tào Tháo công nhận. Trong cuộc chiến ở Hán Trung, nhờ có sự suy đoán sáng suốt của Pháp Chính, khiến Ngụy quân thua trận bỏ chạy tán loạn, Tào Tháo không còn cách nào khác buộc phải lệnh rút quân.
Về chuyện này Tào Tháo từng nhiều lần than rằng nếu Pháp Chính bày mưu cho ông thì trận này ông đã sớm giành chiến thắng.