Tang lễ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được gia đình và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Nhà Tang lễ TP Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Trưởng Ban tổ chức. Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Phó Trưởng ban. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và nhà thơ Hữu Việt là ủy viên ban tang lễ.
Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, các đạo diễn, diễn viên, quay phim... những người từng làm việc chung, cũng như bạn bè, người thân đã có mặt trong buổi đưa tiễn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với cảm xúc trân trọng, yêu thương và tiếc nuối người thi sĩ tài hoa.
Trước sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Hữu Thỉnh - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động cho biết: "Sự ra đi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là mất mát vô cùng sâu sắc cho Hội Nhà văn Việt Nam, một tổn thất to lớn đối với văn học, làng thơ Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một nhà thơ tài danh, một chiến sĩ thực thụ, một người say mê thơ ca đến thánh thiện, suốt cuộc đời chỉ có thơ ca.
Ngoài là một nhà thơ tiêu biểu, ông còn có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh. Tôi tin rằng những đóng góp to lớn của Hoàng Nhuận Cầm sẽ còn sống mãi trong chúng ta.
Trước khi mỗi bài thơ của anh được ra mắt, Hoàng Nhuận Cầm thường mang đến đọc cho tôi đầu tiên. Tôi với Hoàng Nhuận Cầm vừa là đồng nghiệp, vừa là anh em. Sau khi tôi về công tác tại báo Văn nghệ Quân đội, chúng tôi có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn.
Đối với anh em Hội Nhà văn, Hoàng Nhuận Cầm là một người sống đức độ, trọng tài, quý bạn. Mỗi khi Hội Nhà văn cần hoạt động gì, Hoàng Nhuận Cầm đều tham gia nhiệt tình, không đố kị ghen ghét. Hoàng Nhuận Cầm là một người thánh thiện, làm gì được cho bạn bè là hết lòng. Sống một cuộc đời tôn vinh thơ ca, gắn kết những người làm thơ với nhau.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh – một người từng làm chung một số tác phẩm điện ảnh với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bàng hoàng chia sẻ: "Trước sự ra đi đột ngột của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, tôi rất hụt hẫng và bất ngờ. Tôi làm điện ảnh, nên có rất nhiều kỉ niệm với anh Cầm. Tôi không bao giờ quên được khi chúng tôi viết kịch bản "Hà Nội - Mùa đông năm 46". Khi đó chúng tôi gặp nhau hằng ngày. Hai chúng tôi cùng viết.
Sự ra đi của anh Cầm là sự mất mát với giới văn học mà cả điện ảnh. Tôi ngưỡng mộ anh Cầm ở sự say mê mãnh liệt với thi ca và điện ảnh. Trong cuộc sống anh rất tận tình, rất thương người. Hồi làm phim "Mùi cỏ cháy" anh Cầm làm việc trong không gian chật chội ở Hàng Bún. Tôi nhớ những ngày oi bức, ngồi dưới đất viết, chúng tôi say mê bàn bạc với nhau về bộ phim.
Trong điện ảnh, anh Cầm là nhà biên kịch rất nổi tiếng, tài năng. Những kịch bản của anh để lại rất quý giá như: "Đêm hội Long Trì", "Mùi cỏ cháy", "Hà Nội mùa đông năm 46"…
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cũng đã có những chia sẻ về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong tang lễ: "Làm thơ, viết văn, biên kịch điện ảnh có rất nhiều nhưng sáng tạo, cháy bỏng như Hoàng Nhuận Cầm thì hiếm. Đặc biệt, những thành công của Hoàng Nhuận Cầm đã thắp lửa trái tim cho nhiều người. Đó là tình yêu đất nước, thể hiện trách nhiệm người công dân với đất nước ở thời chiến tranh cũng như thời bình. Những bài thơ bốc lửa được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc nữa thì rất tuyệt vời.
Hoàng Nhuận Cầm là một cộng tác viên từ nhiều năm nay của Đài Tiếng nói Việt Nam cả về văn chương và điện ảnh. Công chúng yêu văn học nghệ thuật sẽ nhớ mãi và biết ơn Hoàng Nhuận Cầm.
Nét riêng trong thơ Hoàng Nhuận Cầm là sự nhiệt huyết. Anh Cầm khi làm thơ bao giờ cũng có chất trẻ, nồng nhiệt mà ít ai có được. Đặc biệt khi nghe anh Cầm đọc thơ thì đó là một tài năng không có nhiều trong văn hóa đọc hiện nay.
Hoàng Nhuận Cầm có vị trí đặc biệt là trong văn học nghệ thuật thời chống Mỹ. Những bài thơ hay các tác phẩm điện ảnh của anh nói về thời kì trước đây luôn say mê, truyền cho mọi người ngọn lửa tình yêu không bao giờ tắt.
Tôi và anh Cầm học cùng trường Đại học. Khi tôi vào trường thì anh Cầm từ chiến trường trở về trường học. Anh học trên tôi một lớp, thời đó sinh viên gắn bó với nhau lắm, khổ nhưng mà vui. Thương nhớ anh Cầm, một người làm văn học nghệ thuật không bao giờ nghĩ đến vật chất, hy sinh hết mình cho nghệ thuật.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh – một người đồng đội, một người bạn lâu lăm của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cho biết: "Anh Cầm là người khá vụng về trong cuộc sống nhưng thoăn thoắt trong công việc của mình. Khi anh Cầm mất đi, kênh truyền thanh, truyền hình mất đi một cộng tác viên rất khó thay thế. Anh Cầm làm một người có sức làm việc khủng khiếp, anh lao động đến hơi thở cuối cùng.
Khi là chiến sĩ, anh chiến đấu hết mình. Tuy anh Cầm không trực tiếp vào thành cổ Quảng Trị như tôi nhưng anh ở phía ngoài lính phòng không bảo vệ bầu trời hòa bình. Sau này, tôi và anh Cầm trao đổi vấn đề thi ca, văn nghệ. Năm 1979, hai anh em cùng lên chiến tuyến phía Bắc, bảo vệ biên giới trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Tôi nhớ một câu mà anh Cầm không đưa vào bài thơ nào nhưng những lần chiến đấu anh Cầm có đọc lên như sau: "Đạn Trung Quốc bắn sang thủng xoong, thủng đĩa/ Bát canh rơi trên Móng Cái ngang tàng".
Khi tôi viết bài "Tâm sự chốn biên cương" thì 3 tháng sau Cầm viết bài "Việt Nam yêu thương" rất hay. Có lần tôi nói với Cầm: "Cậu là người luôn ngồi trên vai của người khác, nên cậu cao hơn mình". Thật sự tôi thấy mình chỉ là điểm tựa cảm xúc của người bạn này.
Thơ Cầm viết rất hay, bài "Thư mùa thu gửi Thịnh" Cầm viết cho tôi năm 1972 là một trong 4 bài đoạt giải Nhất Báo Văn nghệ. Năm ấy ở chiến trường, thơ của Cầm tặng tôi rất cảm động. Tổ quốc của những người lính lúc bấy giờ chính là hậu phương, gia đình, bè bạn. Trên thực tế, có những trận bạn bè đã phải hy sinh để che đỡ cho tôi thoát nạn. Ai may mắn trải qua có được tình cảm này thì rất cảm động, hạnh phúc.
Đất nước ta khó khăn sau chiến tranh thì tiếng thơ của Cầm đáp ứng được trong thời điểm đấy. Những tình cảm đồng đội thật hạnh phúc và tôi cũng tin rằng thơ của Cầm luôn sống mãi với nhiều lứa sinh viên sau này.
Bà Phan Thanh Tú – người vợ đầu tiên của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã chia sẻ với Dân Việt những kỷ niệm về những năm sống chung với nhà thơ:
"Chúng tôi quen nhau khi đó là chiến tranh biên giới phía Bắc. Chúng tôi đi phục vụ chiến sĩ, anh Cầm đọc thơ còn tôi là văn công đi hát. Chúng tôi gặp nhau rồi yêu nhau, tình yêu ban đầu cũng có một số trắc trở nhưng rồi cũng đến được với nhau. Khi ấy tôi là diễn viên lãng mạn, có tình yêu thơ nên yêu anh, sau đó thành tình thương.
Những ngày anh dò bom, dò mìn tôi thương anh còn hơn cả bản thân mình. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn đổ vỡ. Tôi và anh ở bên nhau được 4 năm rồi chia tay. Nhưng mỗi khi anh ốm đau, tôi vẫn sang chăm sóc, thuốc men đến lúc anh lấy vợ thì thôi.
Lúc mới chia tay chúng tôi vẫn ở chung một căn nhà chật chội. Khi đó tôi và anh chia đôi nhà để ở. Tôi vẫn nấu cơm mang sang cho anh. Nhiều hôm tôi nấu sẵn cơm để chiều ăn anh đói quá sang ăn luôn.
Đầu tiên chưa có tiền để ngăn nhà thì thì tôi và anh lấy tủ để chia đôi nhà. Sau này xây ngăn ra nhưng vẫn để cửa sổ hai bên nhìn qua nhau được. Đến khi anh mua được nhà ở Lò Đúc thì anh để lại cho tôi căn nhà cũ.
Sau khi chia tay rồi, tôi và anh vẫn quan tâm đến nhau. Ngày lễ, Tết con gái tôi Thư Trang vẫn mang đồ sang biếu bố, anh cũng gửi cho tôi quà. Mỗi khi nghe tin anh ốm tôi vẫn mua thuốc gửi ở cơ quan cho anh. Sau này khi tôi lấy chồng rồi, mỗi khi mua áo cho ông xã nghĩ đến anh thấy thương lại mua cả cho anh nữa. Chúng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm mọi chuyện, quan hệ thân thiết như chưa có chuyện gì.
Tôi và cô Vân và Hạnh rất thân nhau, mọi người đều thấy rất buồn cười về chuyện này. Chị em tôi quý nhau, có chuyện gì cũng tâm sự. Vân và Hạnh có chồng mới đều đưa đến nhà tôi. Các con của anh Cầm cũng rất yêu thương nhau, Thư Trang luôn lo lắng chăm lo cho các em của nó. Trang đang về từ Singapore nhưng phải cách ly ở tp Hồ Chí Minh 14 ngày, rồi thêm 14 ngày ở Hà Nội nữa nên chỉ gặp bố được vào lễ 49 ngày.
Diễn viên Điệp Vân – là người vợ sau cùng đã có 20 năm sống với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không kìm nén được cảm xúc, chị nói trong nước mắt: "Sau khi chúng tôi chia tay, nhìn vẻ bề ngoài anh rất khác không như hồi có tôi ở cạnh, anh lạ lắm. Tôi là người nấu ăn rất ngon, trước kia anh ăn đồ tôi nấu anh thích lắm. Nhưng có khi nấu rồi anh không ăn mà chỉ có công việc, làm thâu đêm suốt sáng. Đó cũng là lý do làm anh mất sớm. Anh hút thuốc lào nhiều quá nên phổi yếu. Có giai đoạn tôi đã kiêng thuốc lào cho anh được mấy năm nhưng rồi anh lại hút lại.
Tôi ngưỡng mộ anh. Chúng tôi cùng làm nghệ thuật nhưng tôi từng có ý định làm nghề khác để còn lo kinh tế nhưng anh không thích. Tôi đành phải lập hãng phim để làm nghệ thuật nuôi các con. Thời gian đó cả hai cũng đã tạo ra nhiều tác phẩm tốt. Tôi có 2 người con trai với anh, các con tôi cũng đang theo học đạo diễn.
Anh là người luôn có suy nghĩ làm cách nào để cống hiến hết cho xã hội. Còn trong cuộc sống riêng anh không quan tâm gì đến, đôi lúc là một người vợ tôi rất tủi thân, nhưng tôi phải nén lòng mình lại để anh toàn tâm với công việc. Tôi nấu ăn cho anh, tắm cho anh, cắt tóc, cạo râu, thậm chí thay quần áo cho anh. Tôi đã làm như vậy trong suốt 20 năm sống chung với anh".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều xúc động đọc những dòng điếu văn "chia tay" lần cuối nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Hôm nay chúng ta cùng nhau ở đây để đưa tiễn một thi sĩ tài năng, một thi sĩ đích thực, suốt đời tận tụy dâng hiến cho thơ ca về nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã rời bỏ chúng ta chiều cuối xuân trong căn phòng bộn bề sách, cùng rất nhiều công việc, những dự định sáng tạo còn dang dở và những giấc mơ đẹp đẽ của ông về con người tràn ngập thế gian.
Ông đã 70 tuổi, mang trong mình căn bệnh chết người, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mỗi lần gặp ông, ngắm ông trẻ trung, lạc quan ngập tràn tinh thần thơ ca… bất cứ lúc nào cũng có thể bùng cháy cuốn ta vào cơn lốc thi ca vô tận…"
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (sinh năm 1952) đột ngột qua đời vào chiều ngày 20/4 vì suy hô hấp. Sau tang lễ, hài cốt của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sẽ được gia đình đưa tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.