"Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ra đi lại thêm một khoảng trống khó lấp, bù"

Vi Thùy Linh Thứ bảy, ngày 24/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Nền thơ Việt Nam, sau ngày 20/4/2021 lại thêm một khoảng trống khó lấp, bù. Những người yêu mến Hoàng Nhuận Cầm bỗng giật mình, cả áy náy, đoái thương...
Bình luận 0
"Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ra đi lại thêm một khoảng trống khó lấp, bù" - Ảnh 1.

Chân dung nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.


Tôi lại nhớ những lần gọi điện cho chú Cầm, báo tin VTV1 hay kênh nào đang phát bài của cha chú đấy. Chú nói: Thế à, chú không biết. Cảm ơn con!”. "Chú để tóc trắng không nhuộm nữa à?", "Ừ, kệ". Có lúc chú lại nói bận chở con đi học. 

Đến nay tôi mới hiểu, báo tin thì chú biết thế, chứ làm gì có ti vi. Chao ôi! Ti vi là thiết bị mà gia đình trung lưu ở Thủ đô cũng mỗi phòng một cái, mà chú thì không, viết cả vạn trang mà cũng chẳng có bàn làm việc. Sách, kịch bản chất chật gác xép, cầu thang. Chú đã kịp ăn gì bữa trưa, hay lại qua loa nhịn, hại dạ dày bằng nước chè, lạc ỉu? Mỗi lần gọi chú buổi tối, có hôm 21h30 chưa ăn, tôi tưởng tôi vất vả nhất. Vậy mà nghe nhà thơ Trần Kim Anh kể, tôi buốt nhói.

Vợ chồng chị thăm thi sĩ Cầm khi 22h vì anh về muộn. Chị viết: "Anh mở cửa. Tay cầm cái điếu cày. Ho sù sụ. Vào đi. Anh à! Chúng em biếu anh cân lạc vừa rang. Phong bì, gói bánh, chúng em nhờ anh thắp hương lên các liệt sỹ. Ồ! Quý quá! Ngày Thương binh liệt sỹ. Em à! Cái ngày anh được giải thơ của báo Văn nghệ xong, cấp trên nhắc cấp dưới là hãy ưu tiên cho cậu Cầm. Thế là anh chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Bạn bè anh mất nhiều quá! Sau cuộc chiến, anh trở về. Anh như bị các vong hồn thúc giục. Anh lập bàn thờ. Đi đâu về, có gì anh cũng thắp hương gọi đồng đội về nói chuyện cùng hương. Vâng! Anh ơi! Bố chồng và anh trai chồng em cũng hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Anh biết rồi! Vợ chồng em vái các liệt sỹ đi! Họ trẻ lắm. Họ anh dũng cảm lắm! Anh Nguyễn Văn Thạc giỏi giang là thế, mà ngã xuống, Anh tiếc lắm! Bây giờ làm gì và làm tận lực anh vẫn thấy có lỗi với các liệt sỹ. Vừa nói Anh vừa thở dốc. Vừa rít thuốc lào vừa ho. 

Anh đừng hút nữa được không? Hút để đỡ nhớ bạn mà em. Hương cháy. Anh tranh thủ nói chuyện nghệ thuật là thơ. Anh nói, viết phải chắt lọc, phải có chữ, phải độc đáo về tứ… Hương cháy hết, anh xin lạc. Tôi hỏi: Anh ăn tối chưa? Chưa. Mười giờ đêm rồi! Ừ! Anh nhón lạc vừa ăn vừa khen ngon. Tôi lén mở nồi cơm điện. Vài muỗng cơm nguội lạnh...".

Anh tin đồng đội, nuôi niềm tin ở con người. Thời nào anh cũng tin người và tin là mọi người tin mình. "Như chuyện 40 năm trước" - NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, (họa sĩ phục trang, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) - con gái đạo diễn Hải Ninh hồi tưởng: "Thời ấy, năm 1981, gia đình tôi ở phòng 20, tầng 4, nhà A1 tập thể Trung Tự (khu nhà này vẫn còn). Anh Cầm đến tìm gặp bố tôi, tôi 12 tuổi ở nhà một mình. Tôi dứt khoát không mở cửa. Anh đọc thơ, nói chuyện cả tiếng để thuyết phục tôi tin anh là nhà thơ.

Nền thơ Việt Nam, sau ngày 20/4/2021 thêm một khoảng trống khó lấp, bù. Những người yêu mến Hoàng Nhuận Cầm bỗng giật mình, cả áy náy, đoái thương. Lâu nay, chỉ biết về nhau, vui vẻ hồ hởi khi gặp, còn đời riêng thì ít để tâm chia sẻ. Cũng "tại" Hoàng Nhuận Cầm nữa! Lúc nào anh cũng vui, pha trò, hăng hái thế, có than thở gì đâu. Nói như người cha của anh: "Xét cho cùng, bài hát là sức khỏe của tâm hồn", thì Hoàng Nhuận Cầm, giọng đọc sang sảng, hồn thơ trẻ thế thì tâm hồn phơi phới. Thực ra, cả thể xác và tâm hồn Hoàng Nhuận Cầm chất chứa đầy vết thương.

Lớn lên từ gia cảnh bị oan khổ, chàng trai Hàng Bạc vẫn ngợp tin vào cách mạng, yêu nước, xung phong rời giảng đường ra tiền tuyến ác liệt nhất. Hòa bình, trước và sau bao cấp, người lính ấy lại "thua". Thua trong hôn nhân, chèo chống gia đình, vì anh đâu biết làm kinh tế mà "cơm áo nhọc nhằn muôn đời không đùa với khách thơ. 

"Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ra đi lại thêm một khoảng trống khó lấp, bù" - Ảnh 2.

Ảnh đen trắng tư liệu quý do NSND Hoàng Cúc cung cấp, nhà báo Lê Quang Vinh chụp tại nhà số 8 Nguyễn Quyền, Hà Nội.

NSND Hoàng Cúc nhớ lại: "Tôi chơi với Cầm khi đóng phim Đằng sau cánh cửa do anh biên kịch. Rồi tới Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du. Những năm 84, 85 tôi đã làm thơ, hay đọc thơ Pháp, Nga. Còn Cầm thì đọc thơ Việt Nam. Cứ có sáng tác mới (cả thơ và kịch bản), hay xem được phim mới, anh lại qua nhà tôi. Hôm ấy, tôi vừa đi Pháp về (được mời đi giới thiệu phim). Sau chầu bia tôi đãi, anh uống mà tôi "say". Anh nói, nhuận bút 2 phim lớn này không đủ in thơ. Bà yêu thơ thế, đầu tư cho tôi. Tôi in ra sách, bán được sẽ trả lại cho bà. Tôi rút phăng nhẫn vàng tặng luôn. Anh đọc thơ say sưa thâu đêm không mệt. Hôm khác, chưa kịp uống rượu anh tự khoe bài tiễn đưa mình: "Một mai chết hết hận thù/ Một mình mình hát/ Một mình mình hay/ Một mai chết thật âm thầm/ Mấy nhành cỏ dại...". Anh dự báo cho cuộc ra đi hơn 30 năm sau. Tôi không viết nổi, vì nhiều ám ảnh về anh".

Tìm, đưa cho tôi mấy ảnh đen trắng quý, "Nữ hoàng sân khấu - điện ảnh" một thời bùi ngùi: "Hồi ấy, tôi và Hoàng Dũng nổi tiếng nhưng đâu có giàu. Tôi ở căn phòng 8m2, tầng 2 trong biệt thự Pháp cũ ở số 8 Nguyễn Quyền (gần hồ Halais). Hai vợ chồng, 1 con trai, có thêm gác lửng nuôi mấy đứa cháu gọi tôi là dì ruột. Thêm 4m2 bếp và nhà tắm, toilet chung. Thế mà cứ đi diễn về là bạn bè tụ tập. Vì tính quý bạn, xông xênh cả khi gian khó chăng? 

Cầm ly hôn Tú, chia đôi nhà Hàng Bún. Con gái Thư Trang (1981) ở với mẹ. Cầm một mình rồi lấy vợ rồi lại một mình. Có lần tôi đến, thấy ông bạn đang nướng tôm trên đèn dầu. Tôi hoảng quá: “Ôi! Khói thế độc đấy, thôi đi ăn. Lôi Cầm ra hàng bún chả...

"Hoàng Nhuận Cầm không chỉ yêu thơ, mà có tình yêu lớn với điện ảnh, một biên kịch tài năng, có mắt xanh tinh tường, nhạy cảm" - TS Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định. Nhận nhiệm vụ được một ngày thì anh ra đi, nay Hội đồng thẩm định Trung Ương tuyển chọn kịch bản phim truyện, ai thay được con người "tử vì Đạo" ấy? 

TS Thu Hà nhớ lại kỷ niệm không mở cửa cho anh Cầm. "Khi ấy, bố Hải Ninh là Phó Giám đốc Nghệ thuật Hãng phim. Anh đứng ngoài cửa đọc thơ, em đứng sau song cửa sắt. Anh đọc Chiếc lá đầu tiên. Rồi hỏi em tin anh là nhà thơ chưa. Chỉ có tác giả mới đọc thơ được như vậy. Thế có mở cửa cho anh vào chờ bố không, chiều rồi chắc bố em cũng sắp về.

Sau này tôi mới biết, anh làm đi thi đạo diễn, bố tôi đánh trượt. Sau ông Hải Ninh nói với anh Cầm: “Cháu mà làm đạo diễn, ta sẽ có một đạo diễn dở, mất đi một nhà thơ tài năng”. Sau này nhiều lần anh hỏi: “Có chắc không chú? Hai chú cháu thương mến nhau lắm!". 

Đạo diễn Hải Ninh đã đúng. Cầm giỏi ngôn từ, nhưng không thu xếp được đời mình.

O.Henry - nhà văn Mỹ Chiếc lá cuối cùng bất hủ. Hoàng Nhuận Cầm sống với không chỉ Chiếc lá đầu tiên. Những câu thơ, bộ phim của anh vẫn sáng, thơm sắc xanh diệp lục.

Tôi đã đọc tập thơ Xúc xắc mùa thu (1992) lần đầu khi còn học cấp 2. Chính tác giả vẽ bìa. Hoàng Nhuận Cầm hay làm mọi người vui, cười ra nước mắt...

Hoàng Nhuận Cầm cũng không chờ được đại dịch tan để đoàn tụ các con xa cách. 13h chiều 24/4/2021, tôi gọi điện cho nhà biên kịch Phan Thanh Tú, chị đang vội chuẩn bị đến Nhà Tang lễ TP. Hà Nội (125 Phùng Hưng, Hà Nội) tiễn biệt chồng cũ, nhưng vẫn dành cho tôi những phút rưng rưng: "Thư Trang con gái chúng tôi, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, sang Singapore làm việc và sống từ năm 2006. Rất đau lòng khi mất cha, nhưng vì Covid, với lý do đặc biệt, Trang mới được lên chuyến bay 25/4 về Sài Gòn. Trang tự chi trả phí cách ly khách sạn 14 ngày. Ra Hà Nội lại còn phải cách 14 ngày tại nhà. Trang là con duy nhất của tôi và là con gái duy nhất của bố Cầm. Con sẽ về ở với tôi tại chung cư T3, tòa nhà xây trên nền bến xe Lương Yên cũ". 

Rồi người đàn bà đẹp nức tiếng một thời của Hãng phim Tài liệu ngậm ngùi kể về ngôi nhà Hàng Bún khi tôi hỏi: "Đến giờ, ngôi nhà vẫn còn, nằm trong một tòa nhà xập xệ. Tôi và Cầm đã có những năm hạnh phúc ngắn ngủi bên con gái ở đó. 

Sau khi ly hôn, tôi chỉ nhận 6m2, dành cho Cầm 9m2...Tôi sẽ giữ căn phòng (đã thông nhau 15m2) ấy làm kỷ niệm". Trời ơi! tôi đã kinh ngạc và xót xa khi vợ chồng hai nhà thơ lớn Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh chỉ ở căn phòng 6m2 (công trình phụ chung với cả tòa nhà) cùng 3 con trai của họ. Nay lại thêm chua xót khi một nhà thơ tầm vóc đã sống và nuôi con nhỏ trong hoàn cảnh như thế!

Cay đắng quá, bài Vô cùng anh viết: "Tất cả chúng ta thật lòng nói dối/ Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi/ Tất cả chúng ta căn nhà chật chội/ Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi/ Tất cả chúng ta đều bị theo dõi/ Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi/ Tất cả chúng ta như bầy chó đói/ Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi/ Tất cả chúng ta đều không vô tội/ Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi".

Hoàng Nhuận Cầm không "náo động" trong chuyến đi dài cuối cùng. Anh đã đặt viên Xúc Xắc đời mình nằm im trong tháng Tư, nhưng 4 mặt của nó vẳng ngân giọng đọc đắm say hào sảng thanh xuân mãi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem