Dân Việt

Đã đến “hồi kết” của nhiệt điện than?

Thanh Phong 25/04/2021 17:25 GMT+7
Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố dừng đầu tư vào điện than ở nước ngoài. Trong đó, vị lãnh đạo Hàn Quốc yêu cầu xem xét lại kế hoạch các dự án điện than ở Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo về Khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vừa được tổ chức, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố Hàn Quốc chính thức chấm dứt đầu tư công đối với các dự án điện than ở nước ngoài.

Ngoài Hàn Quốc, thời gian qua, Nhật Bản cũng đang bị chỉ trích vì cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các dự án điện than ở Indonesia và Việt Nam thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Vào tháng 7/2020, Nhật Bản đã thắt chặt các điều kiện cho vay đối với các dự án điện than ở nước ngoài, chấp nhận chỉ cho vay các dự án ở các quốc gia có kế hoạch giảm phát thải (NDC) hoặc không có giải pháp thay thế khả thi.

Thủ tướng Nhật Bản Suga đã tuyên bố tăng mục tiêu NDC của Nhật Bản đến năm 2030 giảm phát thải 46%-50% so với mức 2013.

Đã đến “hồi kết” của nhiệt điện than? - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết tiếp tục cắt giảm nhiệt điện than tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo về Khí hậu.

Bình luận về quyết định này, ông Sejong Youn, Giám đốc Tài chính Khí hậu của tổ chức phi chính phủ - Giải pháp cho Khí hậu của Việt Nam có trụ sở tại Hàn Quốc cho biết, tuyên bố chấm dứt đầu tư vào điện than ở nước ngoài của Hàn Quốc là tín hiệu cho thấy nguồn tài chính giá rẻ cho điện than ở Châu Á sắp kết thúc.

Trong khi đó, cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những nguồn cấp tài chính lớn nhất cho các dự án điện than ở Việt Nam.

Gần đây nhất, các công ty nhà nước của Hàn Quốc trong đó có Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã đầu tư 189 triệu USD vào 40% cổ phần của dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 ở tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị cho vay là Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc.

Do vậy, lãnh đạo các nước lớn cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại kế hoạch phát triển điện than bởi các dự án điện than ngày càng kém khả thi về tài chính.

Đánh giá về vấn đề trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc thực hiện các mục tiêu khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước. Trong đó, Chủ tịch nước cam kết về việc "Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm rất mạnh điện than".

"Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, chúng tôi cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Việt Nam sẽ tiếp tục giảm rất mạnh điện than; tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030 và đạt 30% đến 2045; mức độ phát thải trên tổng GDP đến 2030 giảm gần 15% và phát thải khí mê tan trong sản xuất nông nghiệp giảm đến 10%. Từ đầu tháng 4.2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng 1 tỉ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2 - 3% lượng phát thải vào 2030", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cam kết với lãnh đạo các nước.

Đã đến “hồi kết” của nhiệt điện than? - Ảnh 2.

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã đề xuất dừng phát triển nhiệt điện than.

Trước đó, ba liên minh trong nước gồm: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy hoạch điện Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII).

Cụ thể, các liên minh đồng loạt kiến nghị "không phát triển thêm các dự án điện than mới trong giai đoạn 10 năm tới". Thay vào đó, các liên minh đề xuất ngành chức năng có các giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.

Được biết, nội dung dự thảo Quy hoạch điện VIII đã cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn.