Nằm trong top 5 các tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi gà, Bắc Giang có nhiều thuận lợi để xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Anh Nguyễn Tiến Mạnh - Giám đốc HTX giống gia cầm Mạnh Ngân cho biết, hiện trang trại nuôi 7.000 con gà bố mẹ, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1 triệu con gà giống.
"Nuôi gà giống cầu kỳ hơn gà thương phẩm nên công tác phòng dịch bệnh được cơ sở chú trọng và đầu tư kỹ lưỡng. Gà giống sẽ được tiêm vaccine cúm, Niu-cát-xơn 2 lần vào giai đoạn 14 ngày tuổi và trước khi lên đẻ. HTX định kỳ khử độc chuồng trại, lấy mẫu kiểm tra kháng thể của gà 1 - 2 lần/tháng. Công nhân thường xuyên vệ sinh, bổ sung men vi sinh làm giảm mùi hôi từ chất thải giúp hạn chế bệnh dịch" - anh Mạnh nói.
Song, anh Mạnh cũng quan ngại việc nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ quan trong công tác phòng dịch có thể lây lan, phát tán mầm bệnh.
Mục tiêu của đề án:
- Xây dựng 30 trang trại gà an toàn dịch bệnh trong năm 2021; xây dựng 19/19 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Thế là cơ sở an toàn dịch bệnh trong giai đoạn năm 2021 - 2022.
- Hoàn thành việc khống chế bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn ở quy mô nông hộ và trang trại, hoàn tất hồ sơ về vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn trên gà tại huyện Yên Thế...
Theo số liệu của Cục Thống kê năm 2020, tổng đàn gia cầm của Bắc Giang đạt hơn 18 triệu con, trong đó đàn gà chiếm gần 16 triệu con (chiếm 87% tổng đàn gia cầm).
Việc chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển tương đối ổn định, các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, Niu-cát-xơn cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao nên khó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, dịch bệnh vẫn xảy ra.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025".
Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: "Mục đích của đề án là nhằm khống chế dịch bệnh gia cầm, đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho người dân".
Sở dĩ Bắc Giang chọn huyện Yên Thế để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là dựa trên thành công xây dựng chuỗi chăn nuôi gà đồi Yên Thế với sự đầu tư bài bản về công tác thú y, phòng ngừa dịch bệnh. Từ đó tỉnh sẽ mở rộng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở các địa phương khác.
Hiện, cả nước có trên 900 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thuộc 15 huyện của 5 tỉnh phía Nam. Huyện Yên Thế là địa phương đầu tiên của miền Bắc thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm.
Triển vọng xuất khẩu gà đồi Yên Thế
Theo Cục Thú y, tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Thế nói riêng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm từ thịt gà sang các nước trong và ngoài khu vực.
Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được các sản phẩm chăn nuôi, đòi hỏi sản xuất phải tuân thủ quy định đảm bảo các tiêu chí đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, sản xuất theo chuỗi liên kết, hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Công tác xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là tiền đề cho việc hoàn thiện các mắt xích trong chuỗi sản xuất-lưu thông-tiêu thụ, tạo ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Cục Thú y xác định việc xây dựng các chuỗi vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tham gia đề án, Cục Thú y sẽ tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo cán bộ thú y, người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh".
Theo thống kê, tổng đàn gà của huyện Yên Thế có khoảng 3,8 - 4,2 triệu con. Mỗi năm, cung cấp ra thị trường 10-12 triệu con, mang lại giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng. Gà đồi Yên Thế và các sản phẩm chế biến từ gà không chỉ là sản phẩm chủ lực của huyện mà còn trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Thế tiếp tục phát triển gà đồi Yên Thế hướng tới xuất khẩu thông qua các nhiệm vụ cụ thể như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng lò giết, mổ, sơ chế gia cầm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…