Dân Việt

Hà Giang: "Rót vốn" nuôi gà đen đặc sản, nông dân nghèo có thu nhập khấm khá

Thu Hà 28/04/2021 11:53 GMT+7
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có điều kiện phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Trong đó, các mô hình nuôi gà đen đặc sản, nuôi lợn đen bản địa đã mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân nơi đây.

Nuôi gà đen thu về gần trăm triệu đồng/lứa

Với mô hình nuôi gà đen hiệu quả, anh Lương Văn Nam (ở xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên) đã trở thành 1 trong những điển hình nông dân trẻ ở Hà Giang. Năm 2018, anh bắt đầu khởi nghiệp nuôi gà đen - giống gà đặc sản ở địa phương và gà mía. Khi mới bắt đầu mô hình nuôi gà đặc sản này, anh Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và thiếu cả kinh nghiệm chăn nuôi.

Có vốn nuôi gà, nông dân nghèo vượt khó  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà đen, gà mía của anh Lương Văn Nam. Ảnh: Hồng Cừ

"Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ hội viên nghèo đã có thêm vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đời sống, có điều kiện cho con em được học tập và phát triển; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo".

Ông Trần Xuân Thuỷ -

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang

Được Ngân hàng CSXH đầu tư cho vay 30 triệu đồng anh Nam nuôi 500 con gà mía và gà đen. Để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, anh Nam theo học các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh thú y của xã, huyện. Trong quá trình nuôi gà, anh Nam luôn tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế phát sinh dịch bệnh.

Đến nay, đàn gà đen của gia đình Nam lên đến 1.400 con, đã bán được 2 lứa gà với giá 120.000 đồng/kg, ước tính lãi thu về cũng gần trăm triệu đồng/lứa. Anh Lương Văn Nam chia sẻ: Giống gà đen là giống gà đặc sản ở địa phương. Giống gà đen này có thịt thơm, ngon, ngọt nên rất được khách hàng ưa chuộng. Vì vậy, thương lái thường vào tận nơi hỏi mua gà đen với giá cao. Với những đồng vốn lãi, anh Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào chuồng trại và tăng số lượng đàn gà đen lên thêm nữa.

Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Bích Duyên (dân tộc Tày ở thôn Chăn, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, chị Duyên được vay 80 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Vị Xuyên để mua 3 con bê về nuôi làm giống, đồng thời trồng trên 0,5ha cỏ để phục vụ nuôi bò và làm chuồng trại.

Sau hơn 1 năm, chị bán 3 con bò được gần 130 triệu đồng, trừ đi số tiền trả nợ ngân hàng, còn lại chị Duyên tiếp tục mua bò giống về nuôi, phát triển thêm chăn nuôi lợn và đàn gia cầm. Bên cạnh đó, nhằm tận dụng nguồn nước suối gần nhà chảy quanh năm, chị đã cùng gia đình đào gần 1ha ao để nuôi cá… và trồng trên 1ha lúa, ngô để tạo nguồn lương thực cho gia đình cùng với phát triển chăn nuôi.

Có vốn nuôi gà, nông dân nghèo vượt khó  - Ảnh 3.

Nhờ phát triển nuôi trồng theo phương thức "lấy ngắn nuôi dài" nên từ năm 2018 đến nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Duyên đã cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của chị Duyên trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều hội viên nông dân, phụ nữ trong và ngoài huyện Vị Xuyên. Nhiều năm liền chị được Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện Vị Xuyên biểu dương khen ngợi.

Gắn bó thân thiết với ngân hàng

Cũng như anh Nam, chị Duyên, gia đình chị Nguyễn Thị Sen (dân tộc Tày, ở thôn Cường Thịnh, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên) đã "gắn bó thân thiết" với Ngân hàng CSXH nhiều năm nay từ một hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhất nhì trong thôn; sau khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, gia đình chị Sen đã đẩy mạnh phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.

Chị Sen chia sẻ: Được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, gia đình chị đã đầu tư nuôi lợn đen bản địa và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trong thôn. Tận dụng đất vườn, nguồn thức ăn có sẵn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi mà đàn lợn đen phát triển khoẻ mạnh đem lại hiệu quả cao.

Năm 2019, gia đình chị tiếp tục vay thêm 12 triệu đồng để mở rộng chuồng trại và nuôi thêm lợn nái đen và giống lợn lai. Hiện nay, trong chuồng có 33 lợn con, 5 lợn nái. Trung bình, mỗi năm gia đình xuất bán trên 20 con lợn thịt. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng…".

Tính đến 31/3/2021, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH đang cho vay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 2,2%. Doanh số cho vay là 245,4 tỷ đồng với 5.946 lượt khách hàng được vay vốn.

Là 1 trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hiệu quả vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH, ông Trần Xuân Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện tổng dư nợ ủy thác với Ngân hàng CSXH của Hội Nông dân trong toàn tỉnh là trên 800 tỷ đồng tạo điều kiện cho 22.152 hộ vay. Bên cạnh ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH hiệu quả, Hội Nông dân Hà Giang cũng đang quản lý hơn 23,5 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân tạo điều kiện cho 424 hộ vay vốn.

"Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ hội viên nghèo đã có thêm vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đời sống, có điều kiện cho con em được học tập và phát triển; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo" - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang khẳng định.