Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên ông chủ trì một hội nghị với tư cách Bộ trưởng Bộ NNPTNT bàn về một vấn đề vô cùng phức tạp là phòng chống thiên tai.
"Quê tôi ở Đồng Tháp chỉ mong có một quả đồi, ngọn núi để làm du lịch, ra đây, đồi núi bạt ngàn rất nên thơ, thơ mộng, nếu nhìn vào những kỳ quan này chúng ta thấy nó rất đẹp nhưng cũng có nhiều bất trắc" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví von.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những diễn biến khó lường của thiên tai được định nghĩa bằng 4 thuật ngữ: biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ, nói thế để thấy thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
"Tôi vừa xem một bộ phim tài liệu trên VTV có tên: Thiên nhiên và con người. Thiên nhiên đẹp, nuôi nấng muôn loài, trong đó có con người. Loài người thông minh nhất, tiến bộ nhất nhưng lại đang góp phần khiến mẹ thiên nhiên nổi giận. Mẹ thiên nhiên đang cảnh cáo loài người. Nếu tương lai con người vẫn tiếp tục tác động xấu đến thiên thiên, thì "mẹ thiên nhiên" sẽ còn nổi giận hơn nữa", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc địa hình chia cắt, độ dốc cao, rét đậm rét hại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cụm từ "phòng chống" được nói nhiều trong các lĩnh vực, như phòng chống ma túy, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống thiên tai...
Khi có thiên tai, chúng ta thường xúm nhau lại để chống đỡ, sau đó là khắc phục, nhưng khi thiên tai qua đi thì chúng ta đôi lúc lại quên phòng.
"Phòng chống không có nghĩa năm nay phòng cho năm sau mà cần tìm giải pháp căn cơ, trong 5, 10 năm sau vùng núi phía Bắc, hạ tầng nào cần đầu tư, chỗ nào xung yếu phải khắc phục. Tức phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, trên nền tảng công nghệ mới, dự báo có tầm nhìn. Nếu có tầm nhìn xa thì chúng ta có thể xử lý điểm nóng, những rủi ro nguy hiểm để giảm thiểu thiệt hại" - Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Khẳng định thông điệp của Chính phủ: không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, do nhu cầu tăng trưởng, một lúc nào đó, ở địa phương nào đó vẫn xem nhẹ vấn đề môi trường.
"Phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững là thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hôm nay nhưng không làm tổn hại nhu cầu của thế hệ kế tiếp" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.
Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 03 người chết, 01 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.
Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Nhờ đó, hậu quả do thiên tai gây ra tại các địa phương nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân tại các vùng thiên tai cơ bản ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai còn tồn tại những hạn chế như: Nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời.
Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng PCTT thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn…
Thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai sắp tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết dự báo từ tháng 6 đến tháng 7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo.
Mùa bão năm nay nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong những tháng 8 và 9/2021 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.
"Dự báo số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong năm 2021 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm, tức là khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-6 cơn" - ông Khiêm cho biết.
Ngoài ra, ông Khiêm cũng cho biết cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021.