Ngày 3/4, chị Vũ Khánh Vy, ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh lên sàn thương mại điện tử Shopee (chợ điện tử Shopee) tìm mua sản phẩm là bộ dầu gội, dầu xả.
Sau khi xem hình ảnh, kèm những lời quảng cáo là hàng chính hãng, hàng thật 100% chị Vy quyết định đặt mua một bộ sản phẩm (1 chai dầu gội, 1 chai dầu xả) nhãn hiệu Hairburst, giá gần 500.000 đồng.
Tuy nhiên, chị Vy và người thân bị dính, bết, da đầu ngứa rát khó chịu sau khi sử dụng sản phẩm. Liên hệ với với kênh của người bán bán dầu gội phản ánh, chị Vy không những không nhận được hỗ trợ mà còn bị chặn số điện thoại.
"Sau khi tôi phản ánh, phía kênh bán hàng trên chợ điện tử Shopee cũng xoá luôn sản phẩm bán cho tôi trên Shopee. Tôi tiếp tục phản ánh việc mình mua phải hàng nhái tới bộ phận chăm sóc khách hàng của Shopee thì nhận được xác nhận kênh bán hàng đã trà trộn hàng giả, hàng nhái bán cho tôi, phía Shopee chưa kiểm soát hết được và hứa: chúng tôi sẽ giải quyết.
Nhưng kể từ hôm đó đến nay, tôi chưa thấy phía Shopee phản hồi lại. Bộ dầu gội tôi mua đành phải bỏ đi, mất tiền mua dầu gội nhưng thêm bực vào bản thân", chị Vy nói.
Tương tự, trước đó, anh Nguyễn Chí Danh, ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đặt mua một 1 cặp đồng hồ nhãn hiệu Tony Watch 68 tại sàn thương mại điện tử Shopee.
Ngày 17/4, sau khi nhận được hàng, anh Danh kiểm tra phát hiện đồng hồ bị lỗi, kim phút chạy chập chờn, ngày tháng nhảy số không chuẩn.
Vài ngày sau, anh Danh khiếu nại với người bán nhưng phía kênh bán hàng không cho đổi hàng với lý do đã mở hộp, phía Shopee cũng đồng ý với lý do này.
"Họ bảo đã bấm hàng rồi không trả hàng lại được, không được hoàn tiền. Đây là cách trả lời thiếu trách nhiệm, gây bất lợi cho khách hàng", anh Danh nói.
PV Dân Việt cũng đã đặt hàng trên chợ điện tử Shopee để kiểm chứng việc bán hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đầu tháng 4/2021, PV đặt mua 1 đôi giầy nhãn hiệu Adidas tại chợ điện tử Shopee với quảng cáo "giầy Adidas xịn", "hàng thật".
Đến ngày 7/4, chúng tôi nhận hàng, kiểm tra phát hiện đôi giầy nhận được không giống hàng thật.
Đem sản phẩm ra cửa hàng Adidas chính hãng kiểm tra, đại diện cửa hàng cho biết, đây là sản phẩm nhái hãng giầy Adidas, từ tem nhãn mác, đế giầy, hình dáng đều không giống với mẫu thật của hãng Adidas.
Để có thông tin khách quan, ngày 5/4 PV Dân Việt đã liên hệ với bộ phận truyền thông của Công ty TNHH Shopee. Ngày 15/4, PV Dân Việt nhận được phản hồi từ Bộ phận truyền thông Shopee.
Đại diện truyền thông Shopee xác nhận việc kiểm soát hàng hóa đăng bán vẫn còn nhiều khó khăn do người đăng bán dùng nhiều cách thức để qua mặt bộ phận, hệ thống kiểm duyệt.
Như: từ khóa tên sản phẩm không đúng với mặt hàng đăng bán, đăng tải hình ảnh sản phẩm khác với nội dung đăng bán sản phẩm, gửi hàng giả, nhái khác với mô tả trong đăng bán, dùng các từ hoặc cụm từ gần giống với nhãn hiệu nổi tiếng để qua mặt hệ thống kiểm duyệt.
"Hiện tại phía Shopee đang phối hợp với các nhãn hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước (như quản lý thị trường, cục thương mại điện tử) trong việc phát hiện và xử lý hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử Shopee" - Bộ phận Truyền thông Shopee cho hay.
Về cách xử lý, đối với những trường hợp nêu trên, khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh của các nhãn hàng khiếu nại, Shopee khóa ngay sản phẩm, đồng thời đề nghị cơ chế phối hợp với bên khiếu nại trong việc rà soát và phát hiện các sản phẩm còn tồn tại để việc xử lý được triệt để.
Shopee khẳng định nếu phát hiện gian hàng nào có hành vi kinh doanh vi phạm, Shopee sẽ loại bỏ những sản phẩm vi phạm này khỏi sản thương mại điện tử Shopee theo đúng tinh thần Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Thông Tư 47/2014/TT-BCT và theo chính sách của sàn Shopee đã được đăng tải công khai tên website.
Đơn vị này thông tin, việc kiểm tra, ngăn chặn, và gỡ bỏ hàng giả hàng nhái hoặc sản phẩm vi phạm pháp luật được Shopee thực hiện ngay đối với các sản phẩm mới được đăng bán và tổng kiểm tra các sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn theo định kỳ ít nhất một lần/tháng thông qua đội ngũ nhân sự kiểm duyệt và danh sách từ khóa được đặt trên hệ thống.
Nhưng trên thực tế, khách hàng vẫn mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử Shopee. Thậm chí, những ngày qua, PV Dân Việt vẫn thấy những mặt hàng được coi là "cấm kinh doanh" rao bán trên Shopee.
Có thể thấy, với quy trình kiểm soát như trên, những người lập gian hàng có thể rao bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí là hàng cấm trên chợ điện tử Shopee, đến khi bị phát hiện mới bị "loại bỏ".
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan quản lý xem xét tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của thương nhân, tổ chức để ra quyết định đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc hủy bỏ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đối với các vi phạm.
Với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì Bộ luật hình sự đã có chế tài xử lý theo quy định tại Điều 192 quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi. Tuỳ vào mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù.
Ngoài ra nếu có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để lừa đảo trong thương mại điện tử có thể bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Còn trách nhiệm của Tổng Cục quản lý thị trường là tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể là chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường;
Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính; Thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân…