Dân Việt

Chuyện người làm nghề "sơn ta" mang hồn cốt di sản văn hóa!

Bảo Thư - Lê Xuyến 30/04/2021 06:00 GMT+7
Sơn ta và nghề sơn ăn sâu vào đời sống lao động, tín ngưỡng người Việt ngàn đời, là cốt lõi tạo ra những tác phẩm sơn mài, đưa hội họa truyền thống thăng hoa hơn trăm năm nay.

Năm 2019, sơn mài được chọn làm thương hiệu quốc gia về mỹ thuật. Đồng thời, đề án xây dựng, quảng bá "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm song hành triển khai. Vài tháng sau, một bộ hồ sơ đa quốc gia hợp tác với Hàn Quốc cũng về loại hình nghệ thuật này được trình lên UNESCO với mong muốn công nhận nghệ thuật sơn mài thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, hồ sơ này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Chất liệu sơn ta và nghề sơn truyền thống gắn bó lâu dài với người Việt Nam. Từ nhựa cây sơn đến các tác phẩm sơn mài là hành trình lịch sử - văn hóa lâu dài, cũng là chặng đường giữa những con người khác nhau, cùng mong muốn giữ gìn và đưa một nét truyền thống ra thế giới. Nhưng nghề này khó khăn, kén người và đôi khi bạc bẽo, những người còn bám trụ và thành danh cũng là những người nặng lòng nhất.

Hồn sơn ta - Nét sơn mài - Ảnh 1.

Hành trình của sơn ta. Đồ họa: Lê Xuyến

Người gắn cả cuộc đời với sơn ta 

Đối diện xưởng làm sơn của ông Đinh Văn Hiến là một nhà máy chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bằng sơn ta đã đóng cửa, bỏ hoang lâu ngày.

Chừng 8 giờ sáng, trong một con ngõ nhỏ ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại vang lên tiếng ù ù như máy trộn xi măng công suất thấp, đều đặn mỗi ngày tới 10 giờ đêm. Đứng trong xưởng của ông Đinh Văn Hiến, phải nói to mới nghe tiếng nhau bởi tiếng máy ầm ầm cả ngày. Suốt 20 năm nay, ngày nào tiếng trộn sơn cũng vang lên đều đặn. Còn ông Hiến, ông theo nghề làm sơn đã hơn 50 năm.

Hồn sơn ta - Nét sơn mài - Ảnh 2.

Xưởng làm sơn ta của ông Đinh Văn Hiến.

Từ bé, ông Hiến đã theo cha mẹ đi bỏ mối, cung cấp sơn ta cho các họa sĩ, nghệ nhân sơn mài. Gia đình ông có truyền thống với nghề làm sơn từ xa xưa. Trước kháng chiến chống Pháp, tổ tiên ông là những người thợ làm tủ, giường, chạn, chạm khắc đình chùa miếu mạo. Đồ họ làm ra đẹp, sang trọng bởi lớp sơn son thếp vàng được tỉ mỉ phủ bóng bên ngoài. Đó cũng là ứng dụng thân thuộc nhất của sơn ta trong đời sống người Việt hàng đời nay.

Sơn ta – tương tự mủ cao su, dầu điều, nhựa thông – được lấy từ nhựa một giống cây sơn trong tự nhiên, có tên khoa học là Rhus succedanea. Thưa mủ nhựa này có hàm lượng keo (gum) cao nên tối màu nhưng mềm dẻo hơn, nhờ thế nghệ nhân dễ mài mặt sơn tới nhẵn bóng. Ngày trước, thứ nhựa này chỉ được dân mình quen thuộc gọi là sơn - nhựa sơn; còn những việc liên quan gọi chung chung là nghề làm sơn. Mãi tới sau này, khi sơn Nhật Bản, Thái Lan, sơn công nghiệp du nhập nước ta, cái tên "sơn ta" mới ra đời, hàm ý cho thứ nhựa và cây chỉ trồng, chỉ có ở miền Bắc xứ Việt.

Vùng trồng sơn nổi tiếng nhất nước ta là Phú Thọ. Nhưng những nghệ nhân lâu năm, lành nghề biết chỉ ở huyện Tam Nông của đất này mới cho ra loại nhựa chất lượng, trong và dẻo nhất.

Đặc tính của sơn ta là độ kết dính cao, bền chắc song nước sơn bóng loáng, giàu tính thẩm mỹ. Từ ngàn đời trước, tổ tiên ta đã sử dụng nhựa cây sơn để đóng thuyền, sơn đình chùa miếu mạo, sơn tượng thần phật, hoành phi, câu đối, hương án, sập thờ, các đồ thủ công mỹ nghệ như bát, khay, hòm, chân đèn. Sơn ta cứ thế đi sâu vào đời sống lao động, tín ngưỡng. 

Trong cuốn Ký sự đàng ngoài của cha cố người Pháp Tissanier có đoạn viết: "Người Việt không có những tàu biển lớn nhưng có những thuyền do người chèo rất đẹp. Những thuyền này được sơn son thếp vàng. Nước sơn của họ đẹp đến nỗi tôi không thấy ở đâu có thể bằng được" chính là ca ngợi nước sơn xứ mình.

Hồn sơn ta - Nét sơn mài - Ảnh 3.

Những chiếc máy trộn sơn trong xưởng của ông Hiến.

Tuy nhiên, dân gian cũng lưu truyền câu "sơn ăn tùy mặt". Thời kháng chiến, bộ đội đi rừng sợ giống cây này bởi nhựa dễ gây ngứa ngáy, phù nề. Những người làm việc với sơn phải quen việc và cẩn thận lắm với tránh việc bị "ăn". Tuy nhiên, trên cánh tay, khuỷu tay của ông Hiến vẫn thưa thớt những vết bỏng nhẹ. "Sơn mình đang đánh rất già (nhựa của cây sơn lâu năm), đeo găng đầy đủ nhưng chỉ cần cho tay vào thùng, hơi bốc lên vẫn làm bỏng", ông nói.

Nhựa sơn được những người cạo mủ thu hoạch khi trời đang độ tờ mờ tối rồi chuyển thẳng từ Phú Thọ tới xưởng sơn ông Hiến. Thứ nhựa chưa qua sơ chế được gọi là sơn "sống", độc và dễ gây dị ứng. Ông Hiến đổ nhựa sơn, dầu thông, dầu hỏa vào chiếc máy như máy trộn xi măng, đánh tới khi đều. Thời chưa có máy, đánh tay là chuyện bình thường. 

Cuộc sống hiện đại, máy móc thay thế phần việc con người, nhưng nhiều khi máy trộn xong người thợ già vẫn còng lưng đảo lại những chỗ chưa ưng. Nhựa sơn dẻo quánh, có khi trộn đi trộn lại hằng mấy ngày liền mới ra thành phẩm ưng ý. Lúc đấy, người ta gọi là sơn "chín". 

Để làm ra thứ sơn này cũng lắm kỳ công. Sơn "chín" có hai màu đặc trưng là  then (đen) và cánh gián, để làm ra được đòi hỏi dụng cụ khác nhau. Người thợ dùng con dao cùn trộn sơn trong thùng sắt để cho ra nước sơn đen bóng, trong khi làm ra màu nâu bóng như đường thắng phải trộn sơn sống trong chiếc mủng tre, lấy thanh gỗ mà trộn. Mỗi phút phải khuấy đều đặn từ 30 tới 40 lần. Đây chính là thứ sơn những nghệ nhân, họa sĩ thường sử dụng để tạo ra các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, hội họa sơn mài. Nước sơn có tốt, màu lên mới đẹp và bền.

Sơn ta - chỉ còn vang bóng một thời

Đối diện xưởng ông Hiến có một nhà máy bỏ hoang. Thời ăn nên làm ra, nơi này sản xuất hàng loạt hàng mỹ nghệ bằng sơn ta để xuất khẩu. Nhưng chục năm nay, nhà máy đóng cửa, bỏ hoang bởi không thể cạnh tranh với sản phẩm nước bạn cũng như các làng nghề trong nước.

Nghề sơn từng rất phát triển ở Việt Nam, nhiều làng nghề thành danh như làng Hạ Thái (Hà Nội), Đình Bảng (Bắc Ninh),… Các nước trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar cũng trồng và sử dụng nhựa giống cây thuộc họ sơn. Mỗi đất trồng ra một loại cây cho nhựa khác nhau về đặc tính, ngay cả kỹ thuật người thợ cũng khác biệt. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nổi tiếng bởi có sản phẩm thủ công đẹp, chau chuốt, kỳ công. Ngược lại, nghề sơn Việt Nam trong quá trình hội nhập, cạnh tranh giá cả và công nghiệp hóa dần xuống dốc, nhiều kỹ thuật truyền thống mất đi. Các nhà máy, nghệ nhân lao đao, kéo theo đó là những người thợ làm sơn.

Hồn sơn ta - Nét sơn mài - Ảnh 4.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông Hiến luôn suy nghĩ để có thể giữ gìn phát triển nghề.

Gia đình ông Đinh Văn Hiến, từng cung cấp sơn chín cho các thợ thủ công và họa sĩ, giờ chỉ gói gọn lại trong giới nghệ thuật gia: "Nếu có thêm một người làm nghề này thì chắc tôi sẽ bỏ, sang nghề khác, bởi không đủ thị trường". Tuy nhiên, bao năm ông vẫn bám trụ với nghề. 

Xưởng làm sơn rộng tầm 50m2 luôn trong tình trạng chứa hàng yến nhựa sơn, miệt mài sáng đèn hằng ngày bên cạnh nhà máy hơn 5000m2 đã đóng cửa, bỏ hoang. Ông Hiến được giới họa sĩ tin tưởng và lựa chọn bởi làm ra chất nhựa sơn đúng nghĩa, kỳ công ngay từ khâu chọn lựa sơn "sống", tới các kỹ thuật đánh sơn, trộn sơn, các công thức điều chế sơn "chín" sao cho chất lượng.