"Nổi gió" là bộ phim của đạo diễn Huy Thành do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm. Phim kể về thời kì chiến tranh Việt Nam với những diễn biến xoay quanh cuộc đời của hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Trong khi người chị tên Vân (Thuỵ Vân) đi theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thì người em tên Phương (Thế Anh) lại là một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau nhiều năm xa cách, hai chị em rất vui mừng khi gặp lại nhau. Thế nhưng, ngay khi biết chức danh mà em trai mình đang gánh vác, Vân đã ngay lập tức đuổi em đi. Hàng loạt bi kịch cũng từ đó xuất hiện.
Bộ phim kết thúc với tình tiết Phương và nhiều người lính Việt Nam Cộng hòa đã được cảm hóa và về với Mặt trận, với nhân dân. Họ phá ấp chiến lược, tiêu diệt cố vấn Mỹ.
Bộ phim giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên năm 1970 cho hạng mục Phim truyện nhựa. Phim đã góp phần truyền cảm hứng yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường cho nhiều thế hệ.
"Ván bài lật ngửa" là bộ phim truyền hình đen trắng 8 tập về đề tài tình báo của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất. Phim mô phỏng quãng đời hoạt động của Phạm Ngọc Thảo, một nhà tình báo có thật ngoài đời, hoạt động trong lòng địch trong kháng chiến chống Mỹ.
Kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết "Giữa biển giáo rừng gươm" của nhà văn Trần Bạch Đằng. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đã đặt tên chính thức cho bộ phim là "Ván bài lật ngửa". Bộ phim thành công vang dội tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết.
Góp phần vào thành công lớn của bộ phim phải kể đến hai diễn viên chính Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), Lâm Bình Chi (vai Ngô Đình Nhu). Tài tử Nguyễn Chánh Tín đã thể hiện hoàn hảo nét hào hoa, lịch lãm, thông minh, điềm đạm của một nhà tình báo chuyên nghiệp. Ban đầu, đoàn phim chọn một diễn viên khác và quay xong một tập. Nhưng biên kịch, nhà văn Trần Bạch Đằng khi ấy chưa ưng ý và muốn tìm người khác đóng chính. Sau cùng, ông chọn Nguyễn Chánh Tín cho vai Thành Luân bởi: "Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người".
Khi công chiếu, "Ván bài lật ngửa" gây tiếng vang lớn. Theo khảo cứu của nhà phê bình Lê Hồng Lâm, phim có đến 10 triệu lượt xem mỗi tập. Phim giành về Giải Đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, Giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, và Giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985 cho tài tử Nguyễn Chánh Tín.
"Biệt động Sài Gòn" của đạo diễn Long Vân, do hai biên kịch Lê Phương – Nguyễn Thanh chấp bút, là bộ phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về lực lượng "biệt động thành". Phim dài bốn tập, phát sóng năm 1986, tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Đó không chỉ là chiến trường đầy bom đạn, chết chóc mà còn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.
Phim xoay quanh nhân vật Tư Chung (Quang Thái) - Tư lệnh trưởng của biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai (Hà Xuyên) phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày gặp gỡ tướng tá Việt Nam cộng hòa để làm nhiệm vụ. Phối hợp với họ là nữ chiến sĩ biệt động Huyền Trang vì muốn dễ bề che mắt kẻ thù nên đã cải trang thành người xuất gia tu hành, Năm Hòa (bí danh K9), Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên... Ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau, họ đã cùng hợp lại, tạo nên sức mạnh quân dân để chiến thắng kẻ thù.
Bộ phim đã đưa tên tuổi dàn diễn viên: Thanh Loan (vai Ni cô Huyền Trang), Thương Tín (vai Sáu Tâm), Quang Thái (vai Tư Chung) lên tới đỉnh cao. "Biệt động Sài Gòn" ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả, trở thành bản hùng ca về những ngày tháng không thể nào quên của dân tộc.
"Giải phóng Sài Gòn" là một bộ phim được Hãng phim Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975. Phim sản xuất dựa trên tác phẩm "Sài Gòn - Bản hùng ca" của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn.
Với thời lượng 2 tiếng đồng hồ, "Giải phóng Sài Gòn" đã tái hiện được những cảnh chiến đấu khốc liệt và nhận được nhiều lời khen tích cực từ phía khán giả về một bộ phim lịch sử thực sự cuốn hút và vô cùng xúc động.
Phim ghi lại một số sự kiện lịch sử chính trong tiến trình Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuật, khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự từ Mỹ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng; đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông cho để tiến vào Sài Gòn; rồi những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất; sự kiện quân đội Hoa Kỳ sơ tán khỏi Sài Gòn bằng trực thăng.
Để thực hiện được những cảnh chiến tranh, bộ phim đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí, khí tài do Bộ Quốc phòng giúp đỡ. Theo lời đạo diễn Long Vân: bộ phim đã sử dụng 36 quả đạn cachiusa (giá trị 80 triệu đồng/quả. Tốn khoảng gần 3 tỷ đồng); 40 chiếc xe tăng; 4 máy bay trực thăng bay đi bay lại nhiều lần, 1.000 khẩu AR 15, 650 quả đạn pháo đã được bắn; 6 tấn thuốc nổ; 1 tấn thuốc khói; 1.000 bộ quần áo lính ngụy; 1.000 khẩu súng AR15; 20.000 lượt người tham gia các cảnh quay. Tổng mức đầu tư kinh phí cho bộ phim là 12,5 tỷ đồng. Số lượng lính trong các cảnh phim lên đến 2.000 người.