TS. Diêu Lan Phương, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: "Sau khi đọc rất nhiều bài thi, tôi ghi chép lại một số vấn đề mà học sinh hay mắc khi làm văn như sau:
Sự khác nhau thông thường giữa bài thi Văn chung và Văn chuyên là: Văn chung thường là giải quyết một vấn đề cụ thể (ví dụ Nêu cảm nhận bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh); Văn chuyên thường giải quyết một vấn đề mang tính khái quát; thường cần kiến thức lý luận, kiến thức tổng hợp cao hơn (Ví dụ vấn đề Văn học là tiếng nói của tư tưởng; chức năng giá trị của văn học….). Vì vậy, cách làm bài thi của Văn chung và Văn chuyên là khác nhau.
Ở bài văn chuyên, tôi nhận thấy các bạn hay gặp những vấn đề sau, khiến cho bài làm có thể bị điểm thấp:
Thứ nhất, xác định sai vấn đề nghị luận (đặc biệt là câu nghị luận văn học - NLVH). Ví dụ câu NLVH trong đề thi thử và trường Chuyên KHXH&NV: "Sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù đó là tư tưởng rất hay" (M. Khrapchenco) – thì vấn đề chính cần bàn ở đây là: Sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa giản đơn cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác. Các em cần xác định vấn đề cốt lõi: Bàn về vấn đề thể hiện tư tưởng trong tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng.
Tư tưởng ấy không phải là sự minh họa giản đơn mà sẽ cần thể hiện qua: Nhân vật, cốt chuyện, ngôn từ, hình ảnh, hình tượng (hay nói chung là biểu hiện qua thế giới nghệ thuật). Từ việc xác định đúng vấn đề mà lập dàn ý cho bài văn.
Để xác định đúng, các bạn cần đọc kỹ, phân tích câu nói. Lưu ý là một số bạn thường quá quan tâm đến tên cuốn sách hay là những phần phụ. Ví dụ ở câu trích dẫn trên, có mở ngoặc là (M. Khrapchenco – cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học) – vậy là rất nhiều bạn sa vào nói về vấn đề cá tính trong sáng tạo văn học.
Khi chúng mình xác định sai vấn đề thì bài văn rất khó được điểm trên trung bình, dù các bạn viết hay, dài, chữ đẹp và thể hiện kiến thức phong phú (đó thường là lí do mà một số bạn cảm thấy mình làm bài tốt mà không được điểm cao như mong muốn).
Thứ hai, viết "tràng giang đại hải" không cần xuống dòng; hoặc chỉ xuống dòng ở thân bài và kết luận. Với bài văn, các bạn nên trình bày mỗi luận điểm là một đoạn văn; mỗi đoạn văn không nên vượt quá một mặt giấy. Cách trình bày bài viết cũng rất quan trọng vì nó giúp người đọc hiểu được các bạn viết gì.
Thứ ba, viết đề tổng hợp nhưng chỉ đi vào phân tích 1-2 tác phẩm (Viết 3 tờ nhưng chỉ phân tích mỗi bài Sang thu chẳng hạn) – đương nhiên bạn không thể hiện bạn có kiến thức phong phú thì cũng sẽ bị điểm thấp.
Thứ 4, luận điểm không rõ ràng hoặc gần như không có luận điểm mà chỉ mở bài xong, rồi giải thích ý kiến một chút; sau đó đi phân tích hết tác phẩm này đến tác phẩm kia. Kinh nghiệm là, chúng ta cần phải làm dàn ý sơ lược trước khi viết. Và tác phẩm là minh chứng cho luận điểm – nghĩa là phân tích tác phẩm một cách có mục đích chứ không phải phân tích hết tác phẩm.
Lưu ý: Thông thường ý kiến càng ngắn thì nghĩa là đề … càng khó. Nếu ý kiến dài, nhiều câu, các bạn có thể dựa vào đó để triển khai ý; còn ý kiến ngắn (1 câu) thì các bạn phải tư duy để lập dàn ý.
Gợi ý cho đề Văn đã ví dụ ở trên:
1. Mở bài
2. Thân bài
Giải thích ý kiến:
Tác phẩm nghệ thuật chân chính là tác phẩm có giá trị với đời sống con người, có tư tưởng tiến bộ, nhân văn…
Văn học là tiếng nói của tư tưởng tình cảm – Tác phẩm văn học không thể vượt qua thời gian nếu nó không bắt nguồn tư một tư tưởng tiến bộ.
Tư tưởng không phải là sự sao chép máy móc, sự thể hiện giản đơn mà cần phải được sáng tạo, được cụ thể hóa, hình tượng hóa trong tác phẩm.
Chứng minh:
Tư tưởng biểu hiện qua sự lựa chọn chủ đề, đề tài
Tư tưởng thể hiện qua cách xây dựng nhân vật (đặc biệt là nhân vật chính diện)
Tư tưởng thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh…
Tư tưởng thể hiện qua tình cảm, triết lý sống; qua giá trị mà tác phẩm mang lại...
Bàn luận:
Những tác phẩm văn học chân chính đều cần có tư tưởng tiến bộ, hay có thể nói là "tư tưởng hay". Giá trị nhân văn là cốt lõi của tư tưởng. Tuy nhiên, tư tưởng trong tác phẩm không phải là sự thể hiện giản đơn, mà là sự thể hiện bằng hình tượng sinh động. Qua các ví dụ, chúng ta cúng có thể thấy mỗi nhà văn có một cách thể hiện khác nhau.
Khác với các loại hình khác, đặc biệt là khác với khoa học, văn học thể hiện tư tưởng bằng cách riêng của mình – đó là thể hiện bằng những chi tiết, hình ảnh cụ thể, sinh động, mang tính chủ quan...
3. Kết luận