Tại thành phố Sầm Sơn, (tỉnh Thanh Hóa) nhiều chủ khách sạn cho biết các đoàn khách đã đặt phòng lưu trú từ nửa tháng trước cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đây được cho là tín hiệu mừng sau một năm ngành du lịch ảm đạm vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, mấy ngày qua, dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, không ít đoàn bất ngờ báo hủy phòng.
Một chủ khách sạn nằm trên đường ven biển Hồ Xuân Hương, thành phố Sầm Sơn cho biết: Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khách đã hợp đồng đặt hết phòng lưu trú với gần 150 phòng kèm dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, tới ngày 29/4, khách đã hủy phòng tới gần 90% do lo ngại tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Ngoài thiệt hại về phòng ốc, để chuẩn bị đồ ăn uống cho số lượng lớn khách lưu trú, hệ thống nhà hàng đã phải thuê thêm đầu bếp, nhân viên phục vụ và chuẩn bị thực phẩm tươi sống từ mấy ngày trước, số thực phẩm này giờ không biết phải xử lý thế nào.
Đối với các khách sạn quy mô vừa và nhỏ, tính tới thời điểm hiện tại, lượng khách hủy phòng cũng lên tới 50 - 70%, gây thiệt hại cho các hộ kinh doanh từ 100 - 300 triệu đồng.
Thành phố Sầm Sơn hiện có 690 cơ sở lưu trú với hơn 19.000 phòng và gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Năm 2021, thành phố biển này đặt ra mục tiêu đón khoảng 4,6 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, tạo thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động. Nhưng trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, không ít đoàn bất ngờ báo hủy phòng.
Ông Bùi Quốc Đạt - Phó chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn (tỉnh Than h Hóa) cho biết: Theo thống kê đến sáng 30/4, các tour du lịch đến Sầm Sơn hủy trên 30%.
"Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các khách sạn, cơ sở lưu trú phải chuẩn bị khẩu trang, nước sát khuẩn. Sau một ngày đoàn kiểm tra đến nhắc nhở mà các cơ sở không thực hiện nghiêm thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Du khách đến với Sầm Sơn phải thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chúng tôi luôn cố gắng để Sầm Sơn là điểm đến an toàn", ông Đạt cho biết thêm.
Không chỉ ở các vùng dịch vụ biển như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa mà các điểm du lịch khác như du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước), các khu nghỉ dưỡng khách cũng trả phòng, hủy tua gây thiệt hại về kinh tế lớn.
Trao đổi với báo Dân Việt, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng khách đặt phòng du lịch tại Thanh Hóa đạt khoảng 85%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho đến nay lượng khách hủy phòng khoảng 30% (tương đương 12.000 phòng/ngày). Uớc thiệt hại về doanh thu buồng phòng khoảng 40 tỷ đồng, thiệt hại về doanh thu ăn uống khoảng 160 tỷ đồng, thiệt hại về các dịch vụ khác khoảng 30 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29/4, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19tại một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Hà Văn Siêu đề nghị các cơ sở kinh doanh du lịch phải bảo đảm an toàn cho du khách, áp dụng 5K một cách nghiêm túc, không lơ là, mất cảnh giác; cần tiếp tục bảo đảm các vật dụng y tế phòng, chống dịch bệnh; thực hiện đầy đủ các quy định trong bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch; duy trì hệ thống khai báo lưu trú liên thông giữa du lịch, công an và y tế; đặt bảng in mã QR lưu hành trình khách đến…, bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm điều kiện phục vụ tốt nhất để đón tiếp du khách trong kỳ nghỉ lễ và ứng phó với tình hình dịch nếu có. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nhạy bén, thích ứng với những biến động để sẵn sàng cho mùa du lịch 2021.