Thị trường bất động sản những tháng đầu năm đã chứng kiến những cơn "nhảy múa" của giá đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Giá đất nhiều nơi trong thời gian qua tăng mạnh, có nơi tăng đến 200%. Tuy nhiên, với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, tại các địa phương khác đã xảy ra hiện tượng "sốt đất" đang có xu hướng hạ nhiệt.
Theo khảo sát của PV Dân Việt những ngày gần đây, số lượng thông tin bán cắt lỗ bất động sản tại Hà Nội trên các sàn giao dịch rao vặt điện tử ngày càng nhiều. Trong đó, phân khúc có thông tin bán cắt lỗ nhiều nhất là đất nền, căn hộ, nhà liền kề.
Đơn cử, nhiều căn hộ tại một số chung cư cao cấp ở quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... của Hà Nội đang được các sàn giao dịch rao bán cắt lỗ sâu. Cá biệt tại một dự án trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), căn hộ đang được rao bán với mức chiết mức giá giảm "sốc" lên tới 1,4 đến 2 tỷ đồng.
Ví dụ, một căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 79m2 ở thời điểm mở bán từ năm 2017 giá 4,2 tỷ đồng/căn, tương đương 53,2 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại, nhiều cư dân rao bán một căn hộ tương tự với mức giá còn hơn một nửa, khoảng 2,8 tỷ đồng/căn, tương đương 35 triệu đồng/m2, tức là mỗi căn có thể giảm lên đến 1,4 tỷ đồng. Hay, trên một trang rao vặt bất động sản, căn 3 phòng ngủ dự án này có diện tích 121m2 giá gốc 7,9 tỷ đồng hiện nay bán cắt lỗ xuống còn 5,8 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng mỗi căn.
Tương tự, tại phân khúc nhà liền kề cũng đang có hiện tượng chủ nhà bán cắt lỗ sau một thời gian ngắn sở hữu. Trên trang rao vặt bất động sản, một căn nhà liền kề 79m2 tại một dự án khu đô thị ở quận Long Biên (Hà Nội) đang được rao bán cắt lỗ với giá 10 tỷ đồng. Giá cắt lỗ trên thấp hơn căn liền kề bằng diện tích cùng dự án trong giá thị trường đang được rao bán ở các bản tin khác khoảng 1 tỷ đồng.
Tình trạng cắt lỗ còn diễn ra sôi động tại phân khúc đất nền, trong đó có chủ đất rao bán giá thấp bằng nửa giao dịch hiện tại trên thị trường. Anh Nguyễn Thế Ngân – một môi giới chuyên nghiệp tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, từ cuối tháng 3 thị trường đất nền tại các các xã gần khu vực gần Khu CNC Hòa Lạc đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Giao dịch thành công ít hơn vì nguồn cung mới không nhiều, trong khi đó nguồn cung cũ thì đã "qua tay" nhiều nhà đầu tư khác nên giá bị đẩy lên cao khiến nhà đầu tư mới "chùn tay".
Ghi nhận trên một trang rao vặt bất động sản, một chính đang chủ rao bán "cắt lỗ" lô đất nền 90m2 tại xã Tân Xã (Thạch Thất) giá 550 triệu đồng. Giá rao bán trên chỉ bằng một nửa giá đất cùng khu vực đang mua bán trên thị trường.
Được coi như "nạn nhân" trong cuộc "sốt đất" vừa qua, chị Nguyễn Thị Phượng - một nhà đầu tư đất nền ở Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, sau khi "chốt" được lô đất tại Tân Xã vào đầu năm 2021, nhưng sau đó việc sử dụng tài chính có thay đổi chị buộc phải bán cắt lỗ lô đất mới mua.
"Thời điểm mua vào lô đất 100m2 có giá 16 triệu đồng/m2, nhưng khi bán ra, tôi đã đăng tin khắp nơi với giá mua vào nhưng không có khách mua. Đến khi chấp nhận bán cắt lỗ với giá 13 triệu đồng/m2 (thấp hơn 3 giá lúc mua) tôi mới bán được", chị Phượng chia sẻ.
Theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn vì siết cơ chế chính sách, tín dụng và ảnh hưởng một phần của dịch bệnh. Do vậy, một số nhà đầu tư không trường vốn hoặc dùng đòn bẩy tài chính sẽ buộc phải nhả hàng ra.
Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài nên nhiều người mua nhà theo dạng đầu tư để bán hoặc cho thuê sẽ gặp khó khăn, buộc phải bán ra để cắt lỗ, bảo toàn vốn dẫn đến thị trường thứ cấp nhà chung cư thời gian qua có lượng hàng, lượng giao dịch tăng lên.
Nguyên nhân sâu xa hơn, do thị trường phát triển không cân đối, nhà ở bình dân thiếu trầm trọng, còn lượng hàng ở phân khúc trung, cao cấp thừa nhiều trong thời gian dài, giới đầu tư ôm hàng chung cư lâu sẽ dễ mất giá, sốt ruột muốn bán để giữ an toàn dòng vốn.
Đặc biệt, trước tình trạng sốt đất hầm hập nhiều nơi, đến cuối quý I/2021, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ kiểm soát các hoạt động mua - bán trái quy định pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, tạo sóng gây "sốt đất" để trục lợi.
Với việc vào cuộc của chính quyền địa phương, theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, giá đất trong quý II sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.
"Đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường khiến lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh trong quý II", ông Đính cho biết.
Thống kê của Hội Môi giới thời gian tới, nguồn cung bất động sản trong quý II cũng được dự báo sẽ tăng hơn so với quý I. Tại 2 thị trường lớn, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, Hà Nội sẽ có từ 6.000 - 7.000 sản phẩm với đa dạng các phân khúc sẽ chào hàng thị trường; trong đó, khu vực Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng nhiều nhất.
Cùng đó, TP.HCM dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng từ 8.000 - 10.000 sản phẩm, hứa hẹn một thị trường chất lượng hơn cho hoạt động kinh doanh và môi giới bất động sản.