Mướp đắng vụ Đông Xuân được bà con nông dân gieo trồng từ tháng 10 âm lịch, đến tháng 2 năm sau bắt đầu thu hoạch. Vào đầu vụ, mướp đắng có giá dao động từ 10.000 – 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay giảm còn 2.000 – 4.000 đồng/kg.
Clip: Nông dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bước vào vụ thu hoạch mướp đắng.
Bà Lê Thị Hiển (trú tại thôn Tân An, xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) chia sẻ: "Hiện tại mướp đắng của gia đình tôi đang trong thời kỳ thu hoạch, trung bình cứ 2 ngày gia đình tôi thu hoạch trên 7 yến mướp đắng.
Mướp thời điểm này có giá 2.000 – 4.000 đồng/kg. Mọi năm, với diện tích này vườn mướp đắng cho gia đình tôi thu khoảng 50 triệu đồng, năm nay nếu giá không nhích lên, coi như chúng tôi làm mấy tháng trời không công".
Theo bà Hiển, mướp đắng là một vị thuốc chữa được rất nhiều bệnh như là: áp huyết cao, kháng ung thư, bảo vệ tim… Những quả thẳng, đẹp chọn mang đi bán, những quả bị cong, vẹo thì thái mỏng, phơi khô để làm thuốc hoặc nấu nước uống.
Mướp đắng là loại cây dễ trồng, thích ứng rộng, có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng, tùy theo mức độ thâm canh của người nông dân. Nhờ đầu tư chăm sóc chu đáo nên năng suất mướp đắng đạt từ 2 - 3 tấn/sào.
Ông Trịnh Văn Châu (trú tại xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) nói: "Tôi trồng mướp đắng nhiều năm nay, nhưng chưa có năm nào giá bèo bọt như vậy, giá 2.000 – 4.000 đồng/kg. Những năm trước thương lái đến thu mua tận vườn với giá 10.000 – 18.000 đồng/kg, năm nay gia đình tôi mang đi bán tại chợ thành phố cũng không ai đoái hoài."
Được biết, gia đình ông Châu trồng 2 sào mướp đắng, cây phát triển xanh tốt, cho quả rất nhiều. Để giảm bớt chi phí sản xuất, gia đình ông tự ươm giống, sử dụng phân chuồng nên cây phát triển nhanh mang lại hiệu quả cao.
Để mướp đắng cho hiệu quả cao, ít sâu bệnh người nông dân bón phân vào thời điểm khi cây bắt đầu bám giàn, đầu tư dây thép, dây cước, cọc rào để làm giàn chắc chắn. Cùng với đó, tưới đầy đủ nước trong ngày nắng nóng, nhất là giai đoạn ra hoa, vườn mướp đắng mới cho quả nhiều, thu hoạch luân phiên.
Bà Nguyễn Thị Xuân (trụ tại huyện Cẩm Xuyên), ngậm ngùi nói: "Năm nay tôi gần 60 tuổi, gia đình trồng mướp đắng đã nhiều năm. Cây mướp đắng được xem là cây trồng chủ lực của gia đình tôi, chưa có năm nào chúng tôi lại khổ sở thế này.
Thời tiết thuận lợi, mướp đắng phát triển tốt, năng suất cao, hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu nhưng không ngờ lại thất vọng. Người dân như chúng tôi bây giờ khóc cũng không được mà cười cũng không xong, công sức, vốn liếng bỏ ra coi như mất trắng."
Bà con nông dân xã Cẩm Bình đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, chú trọng đến phương pháp sản xuất an toàn, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón vi sinh nên mướp đắng cho quả to, dài.
Nhiều hộ dân trồng mướp đăng ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách tự chế, treo các hộp bẫy sinh học rải rác khắp vườn. Có hộ phòng trừ sâu bệnh bằng cách bắt các loại côn trùng, sâu bướm hại quả bằng vượt thủ công nên mướp đắng ở đây đảm bảo an toàn vệ sinh.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Duy Lợi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình, cho biết: "Tổng diện tích trồng mướp đắng trên địa bàn xã khoảng 29 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Tân An, Bình Minh, Bình Luật. Năm nay, mướp đắng cho năng suất cao nhưng giá lại bấp bênh, người nông thu chẳng đủ chi".
"Nguyên nhân là do hầu hết mướp đắng thường được nấu với thịt bò, thịt lợn nhưng trong thời gian này dịch bệnh tràn lan nên nhiều người e ngại sử dụng. Hiện tại, chính quyền xã đang tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ mướp đắng cho bà con nông dân" - ông Nguyễn Duy Lợi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Bình.