Tác giả 9X Hoàng Anh Linh (tên thật là Nguyễn Thị Tường Linh) cùng truyện ngắn “Nắng ở cuối cùng sông” tại cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đã khiến cho người đọc “rưng rưng” về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình đúng “chất” nông thôn, nông dân.
Bén duyên với văn chương từ những năm tuổi đời còn rất trẻ, khác với các cây bút cùng lứa tuổi, Hoàng Anh Linh lại chăm chút cho mình bút lực ở mảng đề tài “khó nhằn” nông thôn, nông dân. Cơ duyên khiến Hoàng Anh Linh gắn bó với mảng đề tài này là bởi cô sinh ra và lớn lên từ một vùng quê thanh bình yên ả của miền Nam bộ.
Hoàng Anh Linh có thể chia sẻ đôi điều để khắc họa về bản thân mình?
- Tôi bắt đầu viết truyện ngắn và gửi cho các báo từ những năm cấp ba. Đa số những truyện tôi viết đều xuất phát từ những phận đời, phận người ở một vùng sông nước miền Tây, nơi bản thân sinh ra, lớn lên và chứng kiến tất cả những đổi thay từ đó. Tôi làm trong lĩnh vực kinh doanh, thỉnh thoảng có làm biên kịch tự do và rất hào hứng với mảng văn học. Là người trẻ, tôi luôn mong rằng đề tài nông thôn, nông dân sẽ không bao giờ bị lãng quên trong dòng chảy văn học đương đại.
Là một người trẻ ở lứa tuổi 9x nhưng cách bạn khắc họa chân dung người anh trai trong truyện ngắn "Nắng ở cuối cùng sông" khiến cho người đọc phải rung cảm. Đây có phải là hình ảnh thật hay không, bạn có thể chia sẻ nhiều hơn về những kinh nghiệm cá nhân, thực tiễn để lựa chọn ngữ liệu để tạo nên chất văn gần gũi cho truyện ngắn của mình hay không?
- Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, trong tâm khảm của tôi đã sớm in hằn những điều rất đẹp về làng quê. Đó là dòng sông chảy trôi yên ả trước nhà, là khu vườn đầy trái, là những đám ruộng bao la mà chiều nào cũng nghe tiếng rôm rả của những ông bà chú bác, những người nông dân gốc nhà nòi, quanh năm lo chuyện mất mùa được mùa, thiếu thốn nhiều hơn dư dả.
Họ chỉ trông chờ vào những mùa lúa, thức ăn hằng ngày là cá cua câu dưới rạch dưới mương. Chẳng mấy khi đủ đầy, nhưng chèo ghe, vó cá, mò ốc, tắm sông, hái trái... Chỉ có những người được sinh ra ở làng quê mới có được đặc ân đẹp đẽ đó.
Chính vì may mắn có một tuổi thơ trong trẻo nơi vùng quê thanh bình ấy, tôi luôn muốn giữ lại trong ký ức những câu chuyện về xóm làng, về cuộc sống đời thường thân quen giản dị. Có lẽ chính vì thế, chất văn trong truyện của tôi cũng dễ hiểu, gần gũi như tâm hồn những người nông dân thuần phác ngoài đời thực.
Câu chuyện tuy ngắn nhưng trải đủ đầy các cung bậc cảm xúc thông qua suy nghĩ của nhân vật chính, kết truyện ngọt ngào khi nhân vật “ổng” và em trai trở lại khoảnh khắc là chính mình, gạt bỏ bụi bặm của phồn hoa đô thị, tìm tới con sông quê hương khiến người đọc như “thở phào”. Bạn muốn gửi gắm điều gì, trăn trở nào qua truyện ngắn của mình tới độc giả?
- "Nắng ở cuối cùng sông" là một truyện ngắn được góp nhặt từ những chuyện nhỏ tôi từng chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày. Ở một vùng nông thôn hẻo lánh, người anh ở nhà làm ruộng vườn, người em năng động làm ăn phương xa. Hai người trái ngược nhau về cách nhìn, về tầm hiểu biết, về trình độ kiến thức.
Người anh là nông dân đau đáu với truyền thống cũ, lưu luyến nuối tiếc sự mộc mạc dần mất đi của một vùng quê đang đô thị hóa. Người em là một người tri thức, am hiểu nhiều về kinh tế thị trường lại muốn kéo anh mình ra khỏi quan niệm lỗi thời để có cuộc sống đầy đủ hơn.
Ở quê luôn tồn tại những vấn đề nan giải như sốt đất, thay đổi khí hậu, trồng trọt ồ ạt theo phong trào dẫn đến cung nhiều hơn cầu, được mùa, mất giá. Ngay cả người bạn tâm giao cũng bán đất và đi về một nơi khác có điều kiện hơn nhưng người anh vẫn kiên quyết bám trụ với mảnh đất già nua bạc màu.
Thực tế, đa số người “nhà quê” xem mảnh đất là một của để dành quý báu, muốn giữ mãi từ đời này qua đời khác. Cho dù có bạc tỷ, họ cũng tiếc. Vì vậy, người anh cho dù cả đời vất vả, làm ăn thua lỗ, mất trắng tất cả, nhưng vẫn không bán đi mảnh đất tổ tiên. Người em thương anh, dù muốn anh có cuộc sống sung sướng hơn nhưng hiểu ra anh mình không thể sống xa quê, đã cùng tìm cách vực dậy màu xanh lên mảnh đất đầy ký ức. Dù cho có mâu thuẫn nhau, nhưng anh em một nhà muôn đời vẫn nhường nhịn, bao dung như con sông quê hương muôn đời chảy hiền lành trong lòng đất mẹ. Tôi tin mỗi gia đình, ở mỗi làng quê nào đó, đều có một "ổng" và "Hậu" như thế.
Nếu đặt mình vào một trong hai nhân vật chính của câu chuyện, bạn sẽ chọn mình là nhân vật Hậu hay nhân vật “ổng”, tức anh trai Hậu. Vì sao?
- Thật khó nói có thể chọn nhân vật nào làm tiêu biểu cho chính bản thân mình, bởi vì trong tôi như luôn có sự giao hòa của cả hai nhân vật ấy. Khao khát muốn tìm kiếm tương lai tươi sáng nơi thành thị, nhưng tấm lòng lúc nào cũng hướng về quê hương tuyệt đẹp như ký ức thời thơ ấu, lúc nào cũng tràn ngập sự tự do, cởi mở và lạc quan.
Đề tài về nông dân, nông thôn trong thời gian gần đây được cho là bị “lãng quên” trong dòng chảy văn học Việt Nam. Là một người trẻ, bạn nghĩ sao về điều này, nguyên do nào khiến bạn chọn lựa tham dự cuộc thi, vốn dĩ có tính hoài niệm và yêu cầu nhiều kinh nghiệm thực tiễn để khắc họa người nông dân, nông thôn Việt Nam?
- Khi cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" được phát động, bản thân tôi rất vui mừng vì đã có một sân chơi dành cho những người "thích kể chuyện quê" như mình. Tuy là một người thuộc thế hệ 9X, chưa có quá nhiều những kinh nghiệm sống sâu sắc từ thực tiễn, nhưng rất hay hoài niệm, rất thích được viết và đọc những truyện về làng quê Việt Nam.
Trong thời gian cuộc thi diễn ra, mỗi truyện ngắn được đăng tải đều là một câu chuyện rất riêng tại những làng quê xa xôi không ai giống ai. Thật sự đã lâu mình không đọc được những câu chuyện về nông thôn đa dạng và hay đến thế, rất cuốn hút. Rất mong trong tương lai, sẽ có thêm những cuộc thi, hoặc một chốn dừng chân mà những người thích kể chuyện làng quê sẽ cùng nhau kể lên những câu chuyện của riêng mình, để những nét quê sẽ luôn còn mãi.
- Cảm ơn những chia sẻ của bạn!
"Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, được tài trợ bởi tập đoàn Thaco Trường Hải - Nhà tài trợ kim cương".