Bảo Thánh hoàng hậu là con gái đầu của quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người đã chỉ huy toàn quân Đại Việt đánh bại các cuộc xâm lược của quân Mông Thát. Do cha có công lớn với xã tắc nên từ nhỏ bà đã được phong tước vị là Quyên Thanh công chúa.
Năm 1293, vua Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là thái tử Trần Thuyên – tức vua Trần Anh Tông – rồi lên làm thái thượng hoàng, hoàng hậu được suy tôn làm Bảo Thánh hoàng thái hậu. Ngày 13 tháng 9 năm ấy, Thái hậu băng ở Lỗ Giang, phủ Long Hưng.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại về bà như sau:
Thái hậu nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, nhân hậu với kẻ dưới.
Thượng hoàng có lần làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu. Lầu thấp, song chuồng hổ và thềm cũng thấp, hổ bỗng nhiên thoát khỏi chuồng trèo lên lầu. Người trên lầu đều tan chạy cả. Chỉ có Thượng hoàng và Thái hậu cùng 4, 5 thị nữ còn ở đó. Thái hậu nghĩ không khỏi bị hại, mới lấy chiếc chiếu che cho Thượng hoàng và tự che mình. Hổ lên lầu gầm rống rồi nhảy xuống không vồ hại ai cả.
Lại một lần Thượng hoàng ngự điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên xổng thoát, xông tới, định lên điện, tả hữu đều sợ hãi tan chạy cả, chỉ có Thái hậu vẫn ở đó.
Mặc dù vua Trần Nhân Tông nổi tiếng là một vị Phật hoàng, việc nhà Vua xem đấu voi đấu hổ cũng không có gì là lạ bởi vì nó xảy ra trước năm 1293 (năm Bảo Thánh thái hậu qua đời). Trong khi đó, sau hơn một năm truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, vào tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), thượng hoàng Trần Nhân Tông mới xuất gia tại hành cung Vũ Lâm. Và mãi đến năm 1299, Thượng hoàng mới rời đến Yên Tử, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà, đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ.
Việc xem đấu voi và đấu hổ khá phổ biến trong các triều đình Việt Nam xưa kia. Chúng ta có thể tìm thấy trong các sử liệu về vua Lê Đại Hành, vua Trần, vua chúa nhà Nguyễn, v.v. Những cuộc đấu này thu hút rất đông người, từ vua quan cho đến dân chúng. Trong cuốn sách “Souvenirs de Hué” (Hồi ký Huế) của Michel Đức Chaigneau có đoạn viết về thói quen này vào thời nhà Nguyễn như sau:
“Thay cho cuộc tập trận, lâu lâu lại có màn trình diễn một cuộc đấu giữa voi và cọp xảy ra trên những mảnh đất đó. Người An Nam đều rất thích các cuộc đấu này bày ra trước mặt chúng ta một quang cảnh rất dễ động lòng bởi nỗi lo âu cảm thấy khi nhìn những động vật to lớn là những con voi đánh nhau với những con cọp mà người An Nam gọi là chúa sơn lâm vô cùng đáng sợ bởi sức mạnh, mưu mẹo và sự nhanh nhẹn của chúng".
Quay lại hai sự việc Bảo Thánh thái hậu ngăn hổ cản voi, mặc dù không rõ chúng xảy ra vào thời điểm nào, nhưng do phần lịch sử này được ghi lại như một đoạn ký ức về Bảo Thánh thái hậu lúc bà qua đời, nên trong đó xưng hô bà là “Thái hậu”. Tuy nhiên nếu xét về thời gian bà ở cương vị thái hậu chỉ vỏn vẹn 6 tháng (từ tháng 3/1293 tới tháng 9/1293), lại thêm thời điểm 6 tháng đó là khi thượng hoàng Nhân Tông đang hướng về Phật Pháp, vừa nhường ngôi cho vua Anh Tông, nên hẳn là sự việc xem đánh hổ hay đấu voi phải xảy ra vào thời Bảo Thánh hoàng hậu chứ không phải là thái hậu.
Bàn về chuyện này, Sử thần Ngô Sĩ Liên viết:
Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Thái hậu đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, tâm thần không dao động, bình tĩnh đối phó vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ vậy.
Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu cho hoàng đế, có lẽ cũng không thẹn gì. Kẻ sĩ đại phu, há chẳng nghĩ làm thế nào đạt đến mức suy nghĩ chín chắn, lý lẽ sáng tỏ, để đối phó với mọi chuyển biến của sự cơ hay sao?
Nàng Phùng Tiệp Dư là một cung nhân của Hán Nguyên Đế. Khi xưa nàng đứng hầu Nguyên Đế xem chuồng gấu, gấu bỗng xổng thoát, định trèo lên điện, nàng Tiệp Dư đứng chắn trước Nguyên Đế, ngăn không cho gấu đụng đến hoàng đế. Thế nên nàng Tiệp Dư và Bảo Thánh hoàng hậu đều có thể xem là nữ trung hào kiệt vậy.
Cũng qua tư liệu ngắn ngủi này mà người đời sau hiểu được sự điềm tĩnh và can đảm đến kỳ lạ của một người phụ nữ dám lấy thân mình ngăn hổ cản voi để bảo vệ vua Trần Nhân Tông.
Trong dân gian cũng có tương truyền rằng Bảo Thánh hoàng hậu từng tham gia vào một số trận đánh quân Nguyên Mông cùng phụ vương Trần Hưng Đạo, nên một số nơi thờ hình tượng bà như một vị nữ tướng:
Đông A chi ngọc diệp lưu căn, giang sơn chung tú
Nam Việt chi kim âu vĩnh diện, thảo mộc quyết linh
Hương trú xuân viên, thụ kiếm nhi cao tiên chỉ điểm
Hoa bài trận pháp, huy kỳ nhi Nguyên khấu hồn kinh
Nghĩa là:
Vốn là lá ngọc của nhà Trần, hun đúc bởi khí thiêng sông núi
Mãi như âu vàng của đất Việt, kết tinh từ linh diệu cỏ cây
Hương thơm bát ngát vườn xuân, giỏi kiếm cung nhờ cao tiên chỉ dạy
Xếp hoa lập thành trận địa, phất tay cờ mà giặc Thát hồn kinh
Nhưng không có sử liệu nào ghi chép lại việc Bảo Thánh hoàng hậu ra trận cả. Vậy nên đây có thể chỉ là sự thần thánh hóa mà thôi.
Dù sao đi nữa, hình tượng một vị hoàng hậu dũng cảm dám ngăn hổ cản voi sẽ mãi đi vào sử sách, để cho thấy rằng: người phụ nữ truyền thống vì thiên chức mà đứng ở phía sau an nội, nhưng khi cần thiết vẫn có thể đứng trước người đàn ông, mang theo dũng khí vô cùng. Bảo Thánh hoàng hậu quả thật là một hình tượng trọn vẹn về cái đức của người phụ nữ.