Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, xã Ayun Hạ đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Để bảo vệ di tích, các ngành chức năng của huyện Phú Thiện đã vẽ sơ đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Plei Ơi với tổng diện tích cần bảo vệ hơn 11 ha, gắn với việc quy hoạch xây dựng phát triển du lịch tại Plei Ơi.
Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi nơi phục dựng lại các nghi lễ của 14 đời Vua Lửa, nơi cất giữ gươm thần
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, bà con dân tộc Jrai tại Tây Nguyên lại tập trung về Khu di tích Plei Ơi thể hiện lòng tri ân với Vua lửa và được nghe già làng ôn lại lịch sử cội nguồn. Tại đây du khách có thể vào làng tận mắt chứng kiến những ngôi nhà sàn với kiến trúc người Jrai truyền thống, cùng tìm hiểu và lắng nghe những câu chuyện về 14 vị Vua Lửa có khả năng hô mưa, gọi gió.
Ngoài ra, đến với làng Plei ơi du khách còn được chiêm ngưỡng gươm thần - là báu vật của làng Plei ơi có sức mạnh phi thường, có thể liên hệ với thần linh để các vị Vua có thể hô mưa gọi gió, điều khiển thời tiết cho mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Các Vua Lửa còn liên kết với tộc trưởng các vùng và cùng nhân dân chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ bình yên cho buôn làng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Trần Hưng - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Thiện cho biết: "Ngay từ khi có quyết định của Trung ương về việc công nhận Plei Ơi là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, huyện đã từng bước đầu tư các công trình, hạng mục nhà dài để lưu trữ và nhà cất gươm của Vua Lửa. Hiện tại, chúng tôi đang phục dựng những câu chuyện, hoạt động liên quan đến Vua Lửa, các lễ cúng… bằng các đồ vật được bố trí ngay tại nhà dài. Toàn bộ thông tin về 14 đời Vua Lửa, tranh ảnh cũng được lữu giữ tại đây. Năm 2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ cúng cầu mưa của người Jrai là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội cầu mưa với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu".
"Khi các vị vua làm lễ cúng sẽ khoác một bộ trang phục là chiếc áo thổ cẩm có viền đỏ, trước ngực có hoa văn màu đỏ-trắng. Chiếc khố đi kèm có cùng chất liệu thổ cẩm và cũng có viền đỏ-trắng. Thường chỉ khi có việc như hội làng, tế lễ cầu mưa hoặc những sự kiện trọng đại thì Vua Lửa mới ăn mặc như vậy. Còn thường ngày, các vị vua cũng ăn mặc như dân làng bình thường. Cứ mỗi lần Vua Lửa thực hiện lễ cúng vừa dứt thì mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước, giải cơn khát để dân làng được mùa màng tốt tươi. Nếu mưa to quá, sấm sét dữ dội quá thì Vua Lửa lại cúng xin cho ngớt mưa để không gây ngập úng, lũ lụt…", ông Hieo kể lại.