Nghe nói, nếu đi Mộc Châu mà bỏ qua bản Dọi, nơi có tới 1830 nhân khẩu sinh sống với hai nhánh của người Thái Đen và Trắng cùng nhiều nét văn hóa, phong tục bản địa vô cùng hấp dân sẽ là có lỗi với người dân nơi đây. Nghe vậy, tôi lên đường và bắt đầu cuộc hành trình của mình từ Hà Nội. Có lẽ với tôi, đó là một chuyến xa Hà Nội thật lâu... Đó là chuyến đi đầu tiên tôi lên Tây Bắc, với Sơn La sương trắng và ngút ngát nương chè.
Ở đó, một Mộc Châu bát ngát và xanh non như hiện ra cả một thảo nguyên có nhiều ảnh đẹp và vui thú. Trên nương xanh là những người bản địa, với thổ cẩm sặc sỡ và những đàn bò gặm cỏ thong dong. Không ngoa khi nói rằng, Mộc Châu chính là viên ngọc đẹp giữa ngút ngàn Tây Bắc - một Mộc Châu hấp dẫn khách du lịch và một Mộc Châu với những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa núi rừng.
Nơi tôi qua, khí hậu thật trong lành; sương sớm và gió lùa sống núi luôn với bầu không khí se lạnh, nhiệt độ trung bình từ 18 - 22ºC. Đó chính là chọn lựa để khách du lịch trong nước và quốc tế tìm về. Từ thị trấn nông trường Mộc Châu, đi theo con đường dẫn về xã Tân Lập khoảng 30 km, tôi bắt gặp bản Dọi - một quần thể sống được bao bọc bởi những trái núi. Hơn cả, tôi bắt gặp con người nơi đây với những màu da sạm, với bàn tay thô nhám, với thổ cẩm, gùi sâu và những tấm chân tình thuần hậu. Một điều gì đó như níu chân khách đến ở lại lâu hơn.
Nghe người dân kể lại, lịch sử của bản gắn liền với những cuộc chuyển dời khi tổ tiên đi khai khẩn đất đai và chọn dựng nhà trong một thung lũng bao quanh là núi đồi. Thung lũng ấy có tên là Đàn Doi. Trải qua những thăng trầm và biến đổi của thời gian, hiện nay bản là nơi sống của hai nhánh dân tộc người Thái là Thái đen và Thái trắng. Với 289 hộ dân, bản Dọi bây giờ đã là nơi quần cư của hơn 1830 nhân khẩu.
Đây cũng đồng thời là nơi giao lưu và kết tinh văn hóa của cả hai nhánh thuộc tộc người Thái. Vốn sơ khai là đất chôn rau cắt rốn, gần 20 năm trước, hơn 100 hộ dân thuộc nhanh người Thái trắng đã sang đất, nhượng đồi cho những người anh em Thái đen di cư từ vùng hồ thủy điện Sơn La xuống (sau khi dự án này bắt đầu đi vào triển khai).
Thế nhưng, quá trình cộng sinh giữa hai nhánh dân tộc ấy vẫn không làm mất đi những nét văn hóa đặc sắc như thuê thùa, đan lát, dệt thổ cẩm... Về với bản Dọi, du khách sẽ có những khám phá và trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau trên cùng một vùng đất. Người Thái trắng với nền văn hóa truyền thống, những món ăn đậm chất Thái như: Xôi nếp cẩm, cá nướng (pa pỉnh tộp), nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nậm pịa, gà nướng mọi...
Trong khi đó, người Thái đen lại mang những nét văn hóa riêng như: Thêu khăn phiêu, dải vải hoa, nấu rượu ngô... Nét độc đáo riêng để nhận biết người phụ nữ trong thung lũng người Thái ở đây chính là mái tóc tằng cẩu. Ðối với người Thái đen, mái tóc tằng cẩu được xem như sự chuyển giao của một giai đoạn vô cùng quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Đó chính là đời sống hôn nhân. Vì vậy, để bảo vệ cho mái tóc cũng như chứng minh cho tấm lòng sắt son, thủy chung, những người phụ nữ Thái đen đã sử dụng những chiếc khăn vấn, vừa để làm đẹp, vừa mang những ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc.
Một điểm đặc biệt nữa trong đời sống văn hóa của người Thái ở bản là "khau cút" - với ý nghĩa là một biểu tượng trang trí ở hai đầu hồi của nhà người Thái Đen. "Khau cút" không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc được coi như ngọn hải đăng dẫn đường cho những người đi xa về bản, về làng.
Đến bản Dọi, du khách và những người đam mê khám phá còn có cơ hội tìm hiểu về nét phong tục đặc biệt gắn với nghi thức mai táng.
Với những du khách ưa mạo hiểm có thể khám phá hang sơn táng vì hang này cách trung tâm bản không xa. Nhưng để đến được đó du khách sẽ phải chui qua những đám rễ cây, dây leo chằng chịt, phát đường mà đi trên những lớp lá cây mục và có chỗ phải leo qua những mỏm đá tai mèo sắc nhọn. Khi chân đã bắt đầu mỏi bởi leo đến độ cao lưng trùng núi trên 100m so với thung lũng ta sẽ thấy những miệng hang kiểu vòm ếch "mở ra" trước mắt.
Cửa hang này, hướng đông nam, chỗ rộng nhất khoảng 2,5 mét, với chiều cao hình khum khoảng 2 mét và chia thành 2 khoang, ăn sâu vào lòng núi. Bước vào trong hang là bóng tối phủ chùm tất cả.
Trong ánh mập mờ, chúng tôi đếm được 7 cỗ quan tài đã khô mục, trong đó 2 quan tài nhỏ hơn, nó bị ai đó quật tung, không còn hài cốt bên trong, có lẽ hài cốt đã mục theo thời gian. Kiến trúc ở mỗi đầu quan tài có loại được trổ khắc 2 cặp quai đối xứng nhau, cong lên và cong xuống như hình đuôi én (cả 2 đầu quan tài là 4 cặp), cặp quai có đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp 2 mảnh thân gỗ với nhau.
Còn quan tài lớn hầu hết có 6 cặp quai, nêm chốt được đóng từ phía trên xuống, mỗi quai gọt 2 hoặc 4 khía, đầu quai có hình răng cưa.Với những biến động của thời gian và có sự tác động của con người, hiện tại các quan tài trong hang hầu hết không còn giữ nguyên vị trí.
Trước đây những cỗ quan tài này được chủ nhân của nó gác lên giá đỡ hình sừng trâu. Điểm thu hút du khách đến thăm hang đó là bên mỏm đá trước cửa hang có dựng một thân gỗ Đinh thối, chiều rộng khoảng 40cm trổ khắc hình một cô tiên đang bay và mắt nhìn hướng về phía mặt trời mọc. Theo ghi chép đây là hang động mộ táng, mộ treo, mộ thuyền Trung Xá, Phây Đón - gắn với sự tích về đời sống cư dân bản địa.
Theo lời kể của ông Vì Văn An – Trưởng bản Dọi, "Người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay) và người Thái xưa cùng chung sống trên cao nguyên Mộc Châu. Người Xá bắn tên rất giỏi nên đã thách người Thái bắn tên lên vách đá để tìm ra chủ đất. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.
Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái đã lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn mũi tên đã dính lên vách đá. Từ đó, người Thái được làm chủ đất này. Vì không phải là chủ đất nên khi chết đi, người Xá không được chôn cất dưới đất mà phải lấy thân gỗ to, khoét bỏ ruột để cho người chết vào trong rồi treo lên các vách đá hoặc giấu trong các hang động quanh vùng".
Lịch sử mộ thuyền trong hang động ở đây đã tồn tại qua hàng thế kỷ tạo hóa cùng với sự hiện diện của cộng đồng người Thái. Những quan tài đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn để cho du khách có thể ghé thăm, tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa tại vùng đất tươi đẹp này.
Tôi lên thăm bản vào những ngày đông lạnh này, bên cạnh ham thú về văn hóa bản địa, tôi còn có thể thả hồn mình vào những cánh đồng hoa mận trắng. Những gốc mận đương bung nụ mà phóng tầm mắt thấy trắng cả một chân trời. Và...tôi cùng những người bạn trẻ tuổi không quên lưu lại kỷ niệm đẹp ấy bằng những bức ảnh đẹp với thiên nhiên, núi rừng và cả con người Tây Bắc.
Về Hà Nội một ngày "xe mệt ngựa mỏi", công việc tất bận lại chiếm lĩnh tôi bằng tiếng còi xe và đường bụi. Có thứ gì đó như trở lại tâm thức của tôi về một cánh đồng hoa mận trắng, với nắng, thổ cẩm và gió thung ngàn. Mọi thứ vẫn còn khá nguyên vẹn, mọi thứ vẫn còn trong trẻo, tinh khôi như đã được những người dân miền ngược lưu giữ và bảo tồn.