Theo danh sách cử tri được công bố, ông Lương Quốc Đoàn – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được Bộ Chính trị giới thiệu là đại diện của giai cấp nông dân Việt Nam ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và cử tri nơi cư trú tín nhiệm, được Ủy ban Bầu cử quốc gia phân công về ứng cử tại tỉnh An Giang.
Nhân dịp này, phóng viên Báo NTNN có cuộc phỏng vấn ông Lương Quốc Đoàn khi được tín nhiệm giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp cần tăng cường vận động nông dân và hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp…
Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, với vai trò là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông đã có dự định gì để phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội?
- Lần đầu tiên được giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV với vai trò là đại diện của giai cấp nông dân Việt Nam, đây là một vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là một trọng trách rất lớn đối với cá nhân tôi. Sau khi được giới thiệu, tôi đã rất trăn trở, làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, để đáp ứng được sự tín nhiệm của cử tri nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Nếu được trúng cử, trước hết, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội. Thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, dành nhiều thời gian để để hiểu rõ hơn cuộc sống, những tâm tư nguyện vọng của cư tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, với các cấp chính quyền, cơ quan, bộ, ban, ngành có thẩm quyền xem xét giải quyết, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu nhất liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Tôi sẽ dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu để kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh hoặc có cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ nông dân và đầu tư phát triển.
Trong nông nghiệp, sẽ kiến nghị để Nhà nước đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu phát triển giống cây trồng, vật nuôi; lập quy hoạch và bảo vệ quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại nông sản, nhất là vùng sản xuất chủ lực; đồng thời, có chiến lược đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Sẽ kiến nghị những cơ chế đầu tư xây dựng nông thôn một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn, giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn...
"Tôi sẽ dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh hoặc có cơ chế, chính sách tăng cường hỗ trợ nông dân và đầu tư phát triển".
Ông Lương Quốc Đoàn
Có cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để tăng cường đào tạo nông dân, nhất là đào tạo nghề... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiên quyết chống vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc, giống cây con giả, kém chất lượng và chống nạn tín dụng đen...
Trên cương vị là người đại diện cho tổ chức chính trị xã hội lớn nhất của giai cấp nông dân, tôi sẽ thực hiện một cách đầy đủ, có trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội, nhất là trong hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát tối cao các hoạt động của các cơ quan Nhà nước; trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.
Làm tốt vai trò đại diện của giai cấp nông dân trong công tác giám sát và phản biện xã hội; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đất nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Vấn đề được mùa mất giá, giá cả vật tư đầu vào tăng cao luôn là nỗi băn khoăn của nông dân từ nhiều năm qua. Vậy ông có những giải pháp nào để kiến nghị với các cơ quan chức năng giúp nông dân khắc phục tình trạng này?
- Giải pháp đặt ra là bà con phải nuôi, trồng theo quy hoạch, phải bảo vệ vùng quy hoạch, không phát triển theo phong trào; phải liên kết, hợp tác sản xuất tạo nguồn nguyên liệu ổn định; phải sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường chứ không chỉ theo thói quen, kinh nghiệm...
Các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp cần tăng cường vận động nông dân và hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp… sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư đầu vào trong nông nghiệp, kiên quyết chống nạn đầu cơ, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; hướng dẫn nông dân sử dụng tiết kiệm, đúng kỹ thuật các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi.
Đối với tỉnh nhà An Giang, ông sẽ có những kế hoạch cụ thể gì để cùng góp phần đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của vùng ĐBSCL?
- An Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của ĐBSCL, là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (2.164.200 người). Trong đó, có 68.4% dân số sống ở nông thôn. Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có hệ thống giao thông thủy thuận tiện, có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương - Tân Châu và Long Bình - An Phú, có nguồn nước mặt và nước ngầm rất dồi dào, đất đai phì nhiêu rộng lớn, bằng phẳng, có 2 sông lớn với hệ thống kênh rạch phong phú cùng với vùng rừng Bảy núi nhiều phong cảnh đẹp và những di tích văn hóa - lịch sử, người dân cần cù, chịu khó… đã góp phần làm cho An Giang có điều kiện để phát triển nền kinh tế địa phương đa dạng.
Tuy nhiên, mặc dù nông nghiệp là thế mạnh nhưng vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phấm còn yếu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long (như Quyết định số 245/2014/QĐ-TTg xác định vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang với mũi nhọn là sản xuất lương thực, thủy sản và trái cây; Nghị quyết 120/2017/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 68/2018/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và mới đây, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 1163/2020/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050)...
Đây là những cơ chế, những điều kiện rất thuận lợi để vùng ĐBSCL vươn lên phát triển mạnh mẽ, trong đó có An Giang.
Để phát huy hết thế mạnh về yếu tố tự nhiên và xã hội và những thách thức nêu trên, Đại hội đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã xác định: Cần nhanh chóng phát huy có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho vùng ĐBSCL, đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể; hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu và từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tăng cường vận động nông dân sản xuất theo định hướng của doanh nghiệp và hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp…
Trên cương vị công tác của mình, ông sẽ có chương trình hành động như thế nào để góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung?
- Trên cương vị công tác của mình, tôi sẽ cố gắng cao nhất để nghiên cứu, cùng với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhà tham gia với các cơ quan chức năng đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm kết nối với các địa phương trong vùng thực hiện có hiệu quả Đề án "Liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân".
Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn; hình thành và phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp, hệ thống kho bảo quản nông sản gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn, giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất từ chú trọng sản xuất theo diện tích, sản lượng sang coi trọng về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh và công nghệ cao; thích ứng với biến đổi khí hậu và những biến đổi chế độ nước trên hệ thống sông MeKong… trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa… Đó là cơ sở để tỉnh An Giang tự tin vươn lên trở thành một trung tâm nông nghiệp xanh của ĐBSCL và cả nước…
Xin cảm ơn ông!