Vào những thập niên 70-80 của thế kỉ trước, nghề ảnh nói chung và thợ chụp ảnh dạo nói riêng trên những khu vực công cộng ở Hà Nội phát triển rất nhanh. Họ tập trung nhiều nhất ở công viên Thống Nhất, khu vực Thủ Lệ, hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên (hồ Tây)… và ai cũng trở nên có giá. Thời kì này ảnh màu còn mới lạ với nhiều người dân và đang bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Hà Nội.
Một dây chuyền Minilab xuất hiện trên phố Lý Thường Kiệt với biển hiệu Photocen (Báo ảnh Việt Nam). Công suất của chiếc máy Fuji250 này là 10.000 bức ảnh/ngày đã trở thành "cỗ máy in tiền" đầu tiên ở Hà Nội vào thời kì đó. Ngoài ra còn có một dây chuyền Minilab của anh em nhà ông T.Đ đặt trên đường Bà Triệu cũng ngày đêm chạy hết công suất, còn lại hầu hết là các lò màu thủ công nằm rải rác khắp ngõ phố Hà Nội.
Chính sự ra đời của tấm ảnh màu ở Việt Nam muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới nên sự háo hức, hấp dẫn của dịch vụ này được tôn sùng là "vua" trong nhiều loại hình dịch vụ văn hóa khác. Trước đó, người chơi ảnh chỉ biết đến các bức ảnh đen trắng, thi thoảng mới được nhìn thấy bức ảnh màu từ các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu gửi về với màu sắc tim tím. Chớp thời cơ, không ít tay máy không chuyên đã tự trang bị hành trang, đồ nghề để kiếm sống bằng việc chụp ảnh dạo. Những năm 1980-1985, máy móc, thiết bị nghề ảnh còn quá nghèo nàn lạc hậu.
Các thợ chụp dạo phần đông trang bị máy ảnh Praktica (CHDC Đức), Zenit (Nga) và các loại máy cũ đã qua sử dụng của Nhật được nhập vào TP.HCM do các tay buôn phim mang ra. Loại này được cái vừa rẻ, vừa bền, mà chất lượng ảnh cũng khá tốt. Đắt tiền hơn là những loại máy như Canon FT, Canon FTb, Minolta, Fuzica. Thợ nghèo, ít tiền có thể dùng loại máy như Canon QL17, Canon QL19, Yasica… vừa rẻ lại dễ chụp. Thợ chụp dạo ngoài máy ảnh chỉ cần trang bị thêm chiếc đèn flash là có thể hành nghề, kiếm sống ung dung. Ngày ít cũng được hơn chục kiểu, có ngày "trúng" thì 1-2 cuộn (phim) là thường. Vào những dịp hội hè, lễ Tết, một tay máy có thể chụp tới 10 cuốn phim màu, thu nhập trên dưới 1 triệu đồng (tiền thời điểm đó).
Thời kì này khu vực hồ Hoàn Kiếm, trước cửa đền Ngọc Sơn, nổi lên gia đình ông L gồm 3 tay máy (ông bố và 2 cậu con trai) đã "làm mưa làm gió" trong giới thợ chụp dạo trên địa bàn và được nhiều khách hàng ở Hà Nội, thậm chí cả khách vãng lai các tỉnh biết đến. Tuy không được đào tạo qua trường lớp, lại vào nghề sau nhiều đàn em, nhưng ông L lại có biệt tài marketing rất tuyệt vời. Lợi thế ở dáng dấp, phong độ, lại có khoa ăn nói, ông đã thuyết phục được nhiều "thượng đế" nhí, các cô gái trẻ, các bà lớn tuổi muốn kéo lại thời xuân sắc sẵn sàng chi tiền để nhờ ông chụp ảnh.
Ngoài khu vực hồ Hoàn Kiếm, tại công viên Thống Nhất cũng xuất hiện nhiều tay máy gia đình có hạng. Có gia đình tới 4-5 người cùng làm nghề chụp ảnh dạo như gia đình bà L ở phố Hai Bà Trưng. Hay gia đình V.X ở phố Bạch Mai hầu như cả nhà kiếm sống bằng nghề chụp ảnh và khá uy tín. Vào dịp Tết Nguyên đán, hầu hết thợ chụp ảnh dạo đều chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị, phim ảnh và chấp nhận ăn Tết muộn để phục vụ khách hàng.
Sinh ư nghệ, tử ư nghệ
Tôi hỏi một anh thợ ảnh còn rất trẻ đang ngồi rít thuốc lào vặt bên hàng nước với cái làn di động để "né" cán bộ trật tự đô thị: "Cháu có bộ máy chất quá nhỉ?". Chiếc máy ảnh Nikon F70 đen chũi với đầu ống kính AF đeo trước ngực anh ta đung đưa ra vẻ hãnh diện tự hào. Anh bạn trẻ nhìn tôi đầy kiêu hãnh: "Cả đèn là gần 7 vé đấy bố ạ, thế mà cũng chẳng có khách chụp". Rồi anh hạ giọng chỉ sang 2 cô gái đồng nghiệp cũng đeo máy ảnh trên cổ đứng đằng xa: "Từ sáng đến giờ mới "bắn" được 2 kiểu, đấy là còn may, chứ như mấy đứa kia giờ này vẫn là số 0". Rồi như chợt bừng tỉnh với nghề kiếm sống hàng ngày, anh gạ: "Chú chụp vài kiểu chơi đi. Đứng ngay dưới gốc cây lộc vừng, cháu chụp toàn cảnh lấy cả Tháp Rùa, chú uống xong cốc nước là có ảnh".
Tại công viên Thống Nhất, trừ ngày lễ và chủ nhật, còn lại các ngày thường đều vắng như chùa Bà Đanh. Vài quầy ảnh với những chiếc giá treo ảnh mẫu xiêu vẹo, được che bởi chiếc dù đã bạc màu. Cánh thợ ảnh không có việc quay ra túm năm, tụm ba với trò tá lả. Tuy vậy, tại đây ai cũng biết đến vợ chồng một bác thợ già đã ngoài lục tuần. Ngày nắng cũng như ngày đông, sáng nào 2 ông bà cũng đèo nhau trên một chiếc xe đạp cà tàng, trên vai ông khoác một túi đồ nghề, ghi-đông lủng lẳng 4-5 chai nước ra làm cho đến tận chiều tối. Đây cũng là một trong những mẫu người "sinh ư nghệ, tử ư nghệ". Và cũng có thể vì kế sinh nhai, ông bà vẫn bám vào quầy ảnh để ngày kiếm lấy vài kiểu đủ tiền chợ.
Nỗi buồn nghề
Có một câu chuyện thật mà cứ tưởng như đùa, cách đây vài năm, tại một công viên của Hà Nội có chị chuyên bán hoa quả, bánh kẹo, ô mai, nước chè phần nhiều phục vụ cho cánh thợ chụp ảnh dạo. Anh chồng làm chân phụ ngoài, thoắt ở cửa hàng, thoắt chạy về nhà đun nước sôi mang ra cho vợ. Lân la thế nào, anh làm quen với cánh thợ ảnh, học lỏm được nghề. Rồi anh được một tay thợ giải nghệ nhượng lại cho chiếc máy ảnh, đèn flash cùng số khung mẫu, ô dù. Nghiễm nhiên anh trở thành thợ ảnh thực thụ. Thậm chí, anh còn nắm bắt được các ngón nghề thành thạo và trở thành tay máy đông khách. Ít lâu sau chị vợ cũng bỏ luôn quang gánh theo chồng phụ việc. Theo thời gian, họ trở thành 2 tay máy có hạng ở một điểm công cộng trên địa bàn Hà Nội.
Nhưng dù thế nào, thời hoàng kim của nghề ảnh nói chung và số người làm nghề chụp dạo đã qua. Giờ đây, nhìn lại những người còn đang hành nghề, kiếm sống bằng chiếc máy ảnh ở những điểm công cộng của Hà Nội mà không khỏi chạnh lòng. Có người lăn lộn với nghề này đã tới 40-50 năm, nhưng đến nay nghèo vẫn hoàn nghèo, cùng lắm chỉ ngày 3 bữa ăn. Thật buồn khi nghề ảnh giờ đây đã không còn là một trong những nghề mang tính nghệ thuật. Có lẽ, nếu ông tổ của làng Lai Xá còn sống cũng cảm thấy tiếc về một nghề mà từ xa xưa ông đã khổ công dạy dỗ, đào tạo lớp kế cận.