Dân Việt

Kỳ bí vùng đất huyền thoại và trù phú U Minh Hạ

Chúc Ly 16/05/2021 06:23 GMT+7
Nhắc đến U Minh Hạ, du khách gần xa sẽ nghĩ ngay đến một vùng đất huyền thoại, với những câu chuyện kỳ bí. Thế nhưng, ít ai biết rằng, nơi đây vẫn còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa lâu đời và rất đặc trưng của Cà Mau.

Đất rừng U Minh Hạ trù phú

Đến U Minh Hạ, hình ảnh đầu tiên trước mắt du khách là những cánh rừng tràm bạt ngàn. Bên cạnh đó là vô số những sản vật mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng.

Clip Chụp đìa bắt cá đồng ở U Minh Hạ.

Rừng tràm U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau rộng khoảng 35.000ha, tiếp giáp với rừng U minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ có 8.256ha thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ. Diện tích này nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi thuộc huyện Trần Văn Thời.

U Minh Hạ - vùng đất huyền bí và trù phú  - Ảnh 4.

Đất rừng U Minh Hạ huyền bí và trù phú. Ảnh: Chúc Ly.

Vườn còn có hệ sinh thái rừng tràm cả nước duy nhất chỉ còn lại tại Cà Mau với khoảng 3.000ha là chưa bị tác động. Nơi đây có nhiều hệ thực vật, động vật với nhiều cá thể quý hiếm có tên trong sách đỏ.

Đất rừng U Minh Hạ có hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng, rừng tràm trên đất than bùn. Chính vì vậy, khu vực này có hệ động thực vật phong phú. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch cộng động, các sản phẩm du lịch trải nghiệm.

U Minh Hạ - vùng đất huyền bí và trù phú  - Ảnh 5.

Chụp đìa bắt cá đồng, một nét đẹp văn hóa rất riêng của vùng đất U Minh Hạ. Ảnh: Chúc Ly.

Hiện nay, tuy không còn trù phú như trước nhưng đất rừng U Minh hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, nơi đây còn có nghề truyền thống gác kèo ong, gắn liền với thương hiệu mật ong U Minh Hạ đã được nhiều người biết tới.

Đến với rừng tràm xứ U Minh Hạ, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên. Song song đó là các hoạt động trải nghiệm rừng tràm nguyên sinh, hệ động thực vật dưới tán rừng; trải nghiệm ăn ong lấy mật trong rừng tràm…Bên cạnh đó, du khách sẽ được thỏa thích thưởng thức nhiều đặc sản nổi tiếng như lẩu mắm U Minh, cá lóc nướng trui, mắm ong, lươn um lá nhàu….

U Minh Hạ đầy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Duy Khanh, chủ một khu du lịch ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Khi đến khu vực rừng tràm U Minh Hạ, điều làm du khách thích thú nhất là các hoạt động gần gũi với thiên nhiên, với những hoạt động đã trở thành nét văn hóa rất riêng. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến là trải nghiệm đi ăn ong lấy mật. Hay các hoạt động chụp đìa, đặt lợp, đặt trúm bắt cá đồng…".

U Minh Hạ - vùng đất huyền bí và trù phú  - Ảnh 6.

Nghề gác kèo ong được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Chúc Ly.

Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, nằm trong chuỗi sự kiện "Cà Mau - Ðiểm đến năm 2021", sự kiện "Hương rừng U Minh" đã diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật.

Sự kiện "Hương rừng U Minh" được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của huyện thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực và thương mại... Các sự kiện được tổ chức sẽ là bước ngoặt quan trọng nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế du lịch của huyện U Minh thời gian tới.

U Minh Hạ - vùng đất huyền bí và trù phú  - Ảnh 7.

Lẩu mắm U Minh lọt top 100 món ăn đặc sản của Việt Nam 2020-2021. Ảnh: Chúc Ly.

Tại hội thi ẩm thực với chủ đề "mắm" (một hoạt động nằm trong sự kiện Hương rừng U Minh), ông Lê Hữu Lợi - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện U Minh, phấn khởi nói: "Sự kiện là cơ hội để du khách có những trải nghiệm đầy đủ nhất về văn hóa của người và đất U Minh Hạ. Do đó, địa phương đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch, đồng thời đảm bảo các công tác an toàn cho du khách…".

"Huyện U Minh xác định, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, lĩnh vực du lịch là một trong ba nội dung đột phá của huyện. Cụ thể là "Phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, điều kiện tự nhiên của huyện gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông thôn (OCOP)"", Ông Lê Hữu Lợi thông tin thêm.

U Minh Hạ - vùng đất huyền bí và trù phú  - Ảnh 8.

Du khách mê mẩn với sản vật và nét văn hóa đặc trưng của vùng đất U Minh Hạ. Ảnh: Chúc Ly.

 Vừa qua, làm việc với UBND huyện U Minh về công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện "Hương rừng U Minh", ông Lê Quân - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: Quy mô lễ hội, sự kiện dù nhỏ hay lớn đều hướng đến việc thu hút người dân tham gia. Do đó, các hoạt động phải đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của người dân. Nhân sự kiện này, huyện U Minh phải chú trọng đến thông điệp lan tỏa thông điệp xanh và giá trị văn hóa. Bởi không phải ngẫu nhiên chọn tên sự kiện là "Hương rừng U Minh". Rừng U Minh là tài sản chung, quý báu của quốc gia".

UBND tỉnh Cà Mau xác định, sự kiện "Hương rừng U Minh" không chỉ là hoạt động tại địa phương, còn là của cả ngành du lịch Cà Mau. Các sở ngành, đoàn thể, địa phương liên quan cần có phương án cụ thể nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch an toàn, hấp dẫn.

Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Cà Mau, thông tin: "Ngoài hoạt động trong chuỗi sự kiện "Hương rừng U Minh", tỉnh đang tập trung vào các hoạt động khác trong chuỗi chương trình "Cà Mau – Điểm đến 2021". Chúng tôi xác định, thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịp này là cách để hình thành chuỗi liên kết du lịch hấp dẫn. Đây sẽ là tiền đề cho các đơn vị lữ hành xây dựng tour du lịch, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, trải nghiệm tại Cà Mau".