Trồng cà rốt sạch xuất khẩu
Với phương châm "cùng hợp lực để phát huy hiệu quả kinh tế", các cấp Hội ND Hải Dương đã đầu tư nguồn vốn Quỹ HTND để hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Các thành viên cùng tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Điển hình như Hội ND huyện Cẩm Giàng trong năm 2020 đã xây dựng được 4 tổ liên kết chăn nuôi, thu hút 83 hộ tham gia.
Bà Nguyễn Thị Hạnh- Chủ tịch Hội ND huyện Cẩm Giàng cho biết: "Từ hiệu quả nguồn vốn của Quỹ HTND, năm 2021 chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng thêm 5 tổ hợp tác: Trồng dưa hấu (xã Ngọc Liên), nuôi cá ở các xã Cẩm Văn và Cao An; trồng rau củ ở xã Đức Chính và bí ngô, bí xanh ở xã Cẩm Hưng".
Được hỗ trợ vốn, tập huấn KHKT bài bản nên năng suất cam tăng lên rõ rệt đạt khoảng 22 tấn quả/ha. Các hộ tham gia dự án trồng cam đường Canh ở xã Chi Lăng Nam có thu nhập khá. Sau khi trừ các khoản chi phí, các hộ thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào.
Ba thôn Địch Tràng, Yển Vũ, Xuân Kiều ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đều tự xây dựng Quỹ HTND của chi hội trên 100 triệu đồng, tạo cơ sở để thành lập tổ liên kết sản xuất. Cả 3 tổ hiện có 286 thành viên, canh tác gần 300ha, chủ yếu là trồng cà rốt sạch xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia... "Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng nhờ kết nối tốt nên toàn bộ cà rốt vụ vừa qua đã được thu mua nhanh gọn. Bình quân mỗi ha cà rốt cho thu trên 100 triệu đồng"- ông Vũ Văn Quang- thành viên tổ hợp tác Xuân Kiều cho biết.
Bà Trần Thị Tuần - Chủ tịch Hội ND xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện) thông tin: Đầu năm 2019, Hội ND xã Chi Lăng Nam đã được Quỹ HTND Trung ương đầu tư thực hiện dự án "Thâm canh cây cam đường Canh theo hướng an toàn sản phẩm" với số vốn 1,5 tỷ đồng cho 30 hộ vay. Đây là cơ hội để các hộ tham gia dự án có thêm điều kiện phát triển mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình nói chung.
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết 04 của Trung ương Hội NDVN về đẩy mạnh việc xây dựng chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, Hội ND tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ và hướng dẫn Hội ND xã Chi Lăng Nam xây dựng mô hình "Tổ hội nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cam an toàn" sản xuất theo quy trình VietGAP với các thành viên tổ hội là các hộ tham gia dự án vay vốn Quỹ HTND. Hội ND tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc...
Hơn 400 mô hình liên kết hiệu quả
Được hỗ trợ vốn, tập huấn KHKT bài bản nên năng suất cam ở Chi Lăng Nam tăng lên rõ rệt, đạt khoảng 22 tấn quả/ha. Cam có mẫu mã đẹp, ngọt, ngon và được gắn tem truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ tham gia dự án trồng cam đường Canh có thu nhập khá. Sau khi trừ các khoản chi phí, các hộ thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào.
Trong đó, tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Đức Lê, diện tích tham gia 1,5 mẫu, lợi nhuận đạt trên 70 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Đức Tiền, diện tích tham gia 4,5 sào, lợi nhuận đạt trên 40 triệu đồng. Hộ ông Nguyễn Hữu Dưỡng, diện tích tham gia 1,5 mẫu, lợi nhuận đạt trên 60 triệu đồng…
Mô hình nông dân liên kết trồng cà rốt xuất khẩu, trồng cam đường Canh là 2 trong số hơn 400 mô hình kinh tế tập thể do Hội ND hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ hoạt động hiệu quả. Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Hơn 1 năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã thu hồi hơn 35 tỷ đồng vốn Quỹ HTND đến hạn của hơn 2.000 hộ vay, đồng thời giải ngân gần 38 tỷ đồng cho 1.855 hộ vay. Tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp Hội ND trong tỉnh quản lý đến nay đạt hơn 81 tỷ đồng, với 3.567 hộ vay. Một số Quỹ HTND cấp huyện đã vượt 1 tỷ đồng như TP.Chí Linh, Bình Giang, Nam Sách…