Cụ thể, về phân cấp, phân quyền cho TP.HCM, ông Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP.HCM và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng đề án ban hành nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM trong quý 2/2021. Vì, "hiện nay, một số nội dung trong nghị định số 93/2001/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố" - ông Phong cho biết.
Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, TP.HCM kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỷ đồng. Trong đó, đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỷ đồng.
Còn với vốn ngân sách thành phố, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 218.576 tỷ đồng.
Riêng về vấn đề quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh; lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị 3 phương án đối với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist). Hiện, đơn vị này đang quản lý 4 khách sạn gồm khách sạn Bến Thành - Rex Hotel, khách sạn Cửu Long - Majestic Hotel, khách sạn Hoàn Cầu - Continental Hotel và khách sạn Kim Đô. Nhưng, doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ theo hướng "Nhà nước cần thiết phải quản lý bốn khách sạn và phần vốn góp tại các liên doanh này" để đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với thành phố và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố. Hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua đề án trong năm 2021, nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho trung ương và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững, giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.
Riêng với TP.Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp thành phố xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Thủ Đức. Cho phép thành phố tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam, theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Về quản lý đô thị, TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung thành phố tại một số khu vực như xung quanh nhà ga metro, theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng). Một số khu vực dự án như: khu đất 384,2 ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380 ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, TP. Thủ Đức và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Cho phép UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại. Cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án...
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng có một số kiến nghị về dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án tuyến Vành đai 4.