Dân Việt

NSƯT Trịnh Kim Chi: "Tôi muốn đưa tiếng nói của nghệ sĩ đến với cấp quản lý"

Minh Thi 13/05/2021 16:40 GMT+7
Ra ứng cử Hội đồng nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 cùng NSƯT Lê Tứ và NSƯT Hạnh Thúy, Á hậu Trịnh Kim Chi mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sân khấu nghệ thuật phát triển.

Ngày 13/5, sau khi đi tiếp xúc cử tri về, NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ với PV báo Dân Việt lý do chị ứng cử Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ tới.

Vừa gánh vác công việc của Hội Sân khấu TP.HCM, vừa lo hoạt động của sân khấu Trịnh Kim Chi, chị lấy thời gian đâu để tham gia vào hoạt động của HĐND TP.HCM?

NSƯT Trịnh Kim Chi: "Tôi muốn đưa tiếng nói của nghệ sĩ đến với cấp quản lý" - Ảnh 1.

NSƯT Trịnh Kim Chi vừa điều hành sân khấu tư nhân, vừa giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM.

- Việc này nằm trong chủ đích của tôi là muốn tiếp tục đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội. Ra ứng cử HĐND cũng là nhiệm vụ của một Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. 

Nhân dịp này, tôi muốn phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của Hội Sân khấu và các nghệ sĩ đến với cấp cao hơn để giải quyết những vấn đề văn hóa của thành phố. Là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, tiếng nói cũng hạn chế trong giới chuyên môn nhưng nếu ở cấp cao hơn, tôi sẽ tiếp xúc ở diện rộng và có cơ hội đề đạt những kiến nghị nhằm cải thiện môi trường hoạt động cho nghệ sĩ.

Theo chị, đâu là những vấn đề nổi cộm của sân khấu TP.HCM trong thời gian qua?

- Suốt 2 năm qua, sân khấu gần như tê liệt, èo uột, anh em nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn về công ăn việc làm. Bây giờ là thời điểm cả nước tập trung chống dịch, họ càng gặp khó hơn. Nhưng khi dịch qua, chúng tôi mong thành phố có những ưu ái, động viên để đầu tư cho nghệ thuật và các nghệ sĩ có điều kiện phát huy tài năng của mình.

NSƯT Trịnh Kim Chi: "Tôi muốn đưa tiếng nói của nghệ sĩ đến với cấp quản lý" - Ảnh 2.

Á hậu Trịnh Kim Chi luôn nỗ lực dựng những vở chính kịch trên sân khấu riêng.

Chính vì vậy, đề đạt đầu tiên tôi đưa ra là TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ cho các sân khấu xã hội hóa hồi phục khi dịch qua đi. Cụ thể, tại các sân khấu này vẫn có những tác phẩm đủ tâm, đủ tầm để nhà nước đầu tư dàn dựng. 

Nghệ sĩ chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự khi được tham gia những tác phẩm vì cộng đồng như vậy và hết lòng, hết sức phục vụ khán giả. Tôi nghĩ, nếu như được trúng cử, tôi sẽ đề xuất thêm nhiều suất diễn đến với công chúng lao động và kêu gọi đầu tư vào các tác phẩm có chất lượng để anh chị em nghệ sĩ cùng chung tay vực dậy các sân khấu tư nhân.

Có dịp tiếp xúc cử tri, tôi rất xúc động vì khán giả là các bác lớn tuổi xin vé xem kịch miễn phí vì điều kiện của họ rất khó khăn. Đó cũng là điều mà tôi ưu tư lâu nay. Chính vì vậy, tôi từng xin TP 20 suất diễn vở "Rặng trâm bầu" miễn phí cho công nhân, học sinh, người lao động…

Trước đây, các đàn chị như NSND Hồng Vân, NSƯT Thanh Thúy từng tham gia HĐND và có những đóng góp không nhỏ cho nền nghệ thuật TP. Tuy nhiên, tới thời điểm này, văn hóa nghệ thuật còn sa sút hơn trước. Đến lượt thế hệ nghệ sĩ đi sau như chị cần đặt ra mục tiêu nào để vực dậy sân khấu?

NSƯT Trịnh Kim Chi: "Tôi muốn đưa tiếng nói của nghệ sĩ đến với cấp quản lý" - Ảnh 3.

Nữ nghệ sĩ thăm và tặng quà cho nhà văn Mạc Can.

- Dù được ứng cử vào HĐND hay không, tôi vẫn tiếp tục công việc của mình từ trước tới giờ với tư cách Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. Đó là trước mắt mở các trại sáng tác và khuyến khích tác giả mạnh tay viết ra những tác phẩm đi vào lòng người; vừa mang tính giải trí, vừa có tính chất nhân văn, giáo dục sâu sắc và phản ánh thẳng những thực trạng đang khiến người dân bức xúc.

Trước đây, chúng ta từng có vở "Nhân danh công lý", đề cập đến vấn đề tham nhũng và người xem đón nhận rất nồng nhiệt những tác phẩm như vậy. Không chỉ mạnh tay, các tác giả, biên kịch còn cần quyết đoán để bảo vệ cho được tác phẩm của mình đến được với công chúng. 

Người dân nắm bắt tình hình xã hội rất nhanh nhạy, nên nếu tác giả phản ánh trung thực, có tâm và có tầm thì họ sẵn sàng bỏ tiền đi xem ngay.

Sân khấu không chỉ bị tê liệt vì dịch mà nhiều năm trở lại đây thiếu vắng kịch bản hay. Hơn nữa, nghệ sĩ đổ xô tham gia gameshow, đóng phim, nên lực lượng trụ lại khá mỏng, không có đủ thời gian để đào sâu vào các vai diễn có chất lượng…

- Dịch Covid ảnh hưởng rất lớn đến nghệ sĩ. Không ai dám tập trung đông trong không gian nhà hát, nên không trách khán giả cũng không thể đi xem. Và ngay khi những người quản lý sân khấu như tôi bỏ tiền ra, biết trước và chấp nhận lỗ, cũng không thể kéo khán giả đến xem kịch để đảm bảo an toàn. 

Ngay cả các ông bầu, bà bầu các sân khấu khác cũng hiểu được điều đó, nên tìm cách giải quyết đời sống cho anh em bằng cách bán hàng online, mua bán bất động sản, bán bảo hiểm, bán xe… Nhưng lòng yêu nghề  vẫn khiến họ đau đáu nhớ sân khấu. Khi đã bớt dịch, tôi kêu gọi nghệ sĩ quay lại, ai cũng đầy nhiệt huyết, dù biết là đành tạm gác lại công việc kiếm tiền, miễn sao có được vai diễn. Chính vì thế, tôi trân trọng đóng góp của họ và cố duy trì sân khấu, dù luôn phải bù lỗ.

NSƯT Trịnh Kim Chi: "Tôi muốn đưa tiếng nói của nghệ sĩ đến với cấp quản lý" - Ảnh 4.

Trịnh Kim Chi vừa tâm huyết với nghề, vừa thương yêu và chăm sóc cho các nghệ sĩ già.

Khi mùa dịch đi qua, nghệ sĩ có thể đi đóng phim trở lại, có đủ thu nhập cho cuộc sống thì sẽ quay lại sân khấu, chăm chút cho vai diễn.

Là một người chăm chỉ làm từ thiện, chị nghĩ sao về vai trò của nghệ sĩ khi tham gia tích cực vào những vấn đề đời sống, kể cả đời sống chính trị?

- Vai trò của nghệ sĩ khá quan trọng. Mỗi người đều có tiếng nói và ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng cũng như có những người hâm mộ riêng. Khi họ lên tiếng thì sẽ thuyết phục khán giả của mình, chẳng hạn chỉ cần một lời kêu gọi của họ, các nhà hảo tâm lập quỹ cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị thiên tai, bão lũ hay tài trợ tiền mua vaccine…

Với tư cách là một người dân, tôi rất tôn trọng điều đó. Còn với tư cách nghệ sĩ, tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của mình. Chẳng hạn, Facebook của tôi có nhiều người theo dõi, tôi sẵn sàng giúp các nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm hoặc kêu gọi giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật… Mình được hưởng rất nhiều từ sự yêu quý của khán giả thì cũng nên giúp đỡ đồng nghiệp.

Một sân khấu xã hội hóa vốn phải chú trọng về doanh thu để tồn tại, vì sao chị luôn muốn dựng những vở chính kịch, truyền thống vốn khá kén khán giả?

- Thực chất, khi mở sân khấu Trịnh Kim Chi, tôi muốn làm nghề, thỏa mãn đam mê của mình nên dựng những vở nghiêm túc. 

Nhiều người hỏi dựng những vở như thế thì làm sao bán vé? Vậy thì mình phải đi tìm khán giả. Tôi tìm kinh phí dựng vở, đưa các suất diễn đến các trường đại học, khu công nghiệp… Ngoài ra, tôi cũng làm nhiều việc khác như kinh doanh và đào tạo để bù lỗ cho sân khấu. 

Không riêng tôi, chị Hồng Vân, các anh Thành Lộc, Minh Nhí, Quốc Thảo… cũng đều đang rất khó khăn và phải xoay xở bằng mọi cách để trụ lại với nghề. Bên cạnh đó, các anh chị và cả tôi vẫn mở các lớp bồi dưỡng cho các em diễn viên mới ra trường.

Từng tham gia nhiều phim truyền hình và có những vai diễn đáng nhớ ở sân khấu kịch nói, chị tâm đắc với vai diễn nào của mình nhất?

- Tôi tâm đắc nhất với bộ phim "Rặng trâm bầu" và bỏ ra gần 10 năm tham gia làm phim, sau đó bỏ tiếp 10 năm dựng vở kịch cùng tên, trải qua nhiều khó khăn vẫn quyết thực hiện cho được. Đó là kỷ niệm nhớ nhất trong đời tôi.

Còn phim để nhớ thì rất nhiều, từ "Những nẻo đường phù sa", "Những đứa con thành phố"… Trong vai trò đạo diễn, tôi rất mê những vở kịch của Lưu Quang Vũ, cũng ấp ủ dựng vài kịch bản nhưng  từ trước tới nay nhiều người đã làm rất tốt. Nếu chọn một tác phẩm thì tôi sẽ tìm một màu sắc khác để có cách thể hiện riêng trên sân khấu.

Có thể nói, đam mê sân khấu đã là "nghiệp" không bỏ được của tôi. Nhờ ông xã hiểu, thông cảm và ủng hộ mà tôi vững tâm làm sân khấu, năng nổ và hết lòng với nghề.

Cảm ơn những chia sẻ của NSƯT Trịnh Kim Chi!


Trịnh Kim Chi đoạt giải Á hậu Việt Nam năm 1994. Năm 2000, chị kết hôn và sang Mỹ sinh con đầu lòng. 12 năm sau, diễn viên sinh con thứ hai. Hiện chị hoạt động trong làng giải trí với vai trò diễn viên phim truyền hình, kịch nói. Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2015. Năm 2016, Á hậu thành lập sân khấu kịch mang tên mình tại TP.HCM.