Chuyên gia phân tích chính trị thế giới, cựu đại sứ Vương quốc Anh tại Liên Hợp Quốc, Sir Mark Lyall Grant cho biết, các nhà ngoại giao nói rằng, Mỹ đã phản đối yêu cầu của Trung Quốc, Na Uy và Tunisia để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp trực tuyến công khai vào hôm nay 14/5 nhằm thảo luận về tình trạng bạo lực ngày càng tồi tệ giữa Israel và các chiến binh Palestine.
Các nhà ngoại giao cho biết, Mỹ - một đồng minh thân cận của Israel đã viện dẫn các nỗ lực ngoại giao là lý do cho sự phản đối của họ và nhấn mạnh rằng, một cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về xung đột Israel-Palestine sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn để ngỏ khả năng có một cuộc họp vào thứ Ba tuần tới.
Bình luận trên LBC, Sir Mark cho rằng, thực tế cộng đồng quốc tế có tương đối ít lựa chọn để ngăn chặn cuộc xung đột Israel-Palestine.
"Tất nhiên họ có thể kêu gọi kiềm chế và cố gắng lôi kéo một số nước trong khu vực tham gia và điều đó rõ ràng đang xảy ra. Nhưng Hội đồng an ninh của Liên Hợp Quốc đã bị tê liệt. Họ đã họp hai lần trong vài ngày qua và chỉ có thể đưa ra một tuyên bố rất nhạt nhẽo vì họ đã bị Mỹ chặn lại.
"Đặc phái viên Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang chạy đôn đáo khắp nơi để cố gắng làm một điều gì đó nhưng điều duy nhất ở bên ngoài ngăn chặn được (xung đột) là sức ép của Mỹ đối với Israel và sức ép của Ai Cập/Qatar đối với Hamas. Những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói là đáng khích lệ. Rõ ràng là ông ấy đang nói chuyện với Thủ tướng Israel Netanyahu và nhận được tín hiệu từ ông Netanyahu rằng mọi thứ đang đi đến hồi kết", Sir Mark bình luận.
Chuyên gia này cũng cho rằng, một lệnh ngừng bắn giữa 2 bên trong thời gian ngắn là có thể xảy ra nhưng đó chỉ là tạm thời, ngắn hạn và giải pháp lâu dài hơn là ngừng bắn trong nhiều năm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa đã lên tiếng về cuộc đụng độ mới nhất đang diễn ra dọc Dải Gaza, kêu gọi cả hai bên chấm dứt các hành động thù địch.
"Tôi kêu gọi giảm leo thang ngay lập tức và chấm dứt xung đột ở Gaza. Quá nhiều thường dân vô tội đã chết. Cuộc xung đột này chỉ có thể làm gia tăng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố trong toàn khu vực", ông Guterres tuyên bố cuối ngày 13/5.
Trước đó, Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại cuộc xung đột ở Gaza có thể bùng lên thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
"Tình trạng bạo lực tại khu vực tuần qua cho thấy sẽ khó đạt được hòa bình nếu người Palestine vẫn bị gạt sang một bên. Các động thái của nhà nước Do Thái có thể đổ thêm dầu vào lửa và nguy cơ châm ngòi cho xung đột toàn diện bất cứ lúc nào", các bình luận viên của Finalcial Times nhận định trong một bài viết ngày 12/5.
Israel và Palestine từng xảy ra 7 tuần xung đột đẫm máu trong cuộc chiến Gaza năm 2014, khiến hơn 2.000 người Palestine và 73 người Israel, chủ yếu là binh sĩ, thiệt mạng.
"Nguy cơ cuộc chiến Gaza tái diễn là một mối đe dọa có thật. Cả hai bên đều cần hạ nhiệt và tránh một cuộc xung đột chỉ phục vụ cho những cái đầu nóng, gieo thêm đau thương cho những người dân Palestine vốn chịu nhiều đau khổ ở Dải Gaza và phơi bày thêm điểm yếu của Israel", theo Finalcial Times.
Ít nhất 87 người đã thiệt mạng ở Gaza, trong đó có 18 trẻ em trong 4 ngày qua, các quan chức y tế Palestine cho biết. Các bệnh viện đã phải chịu áp lực nặng nề vì đại dịch Covid-19 nay lại phải đối mặt với tình trạng căng thẳng hơn nữa vì xung đột.
Về phần mình, các nhà chức trách Israel cho biết, 7 người đã thiệt mạng vì xung đột ở Israel: một binh sĩ tuần tra biên giới Gaza, 5 thường dân Israel, trong đó có 2 trẻ em và một công nhân Ấn Độ.
Lo lắng rằng tình trạng thù địch trong khu vực có thể vượt tầm kiểm soát, Mỹ đã lên kế hoạch gửi đặc phái viên Hady Amr tới đàm phán với Israel và Palestine. Các nỗ lực đình chiến của Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc cho đến nay không có dấu hiệu tiến triển.