Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23/5 sắp tới.
Cuộc bầu cử này là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện-cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.
Thông qua việc bầu cử, người dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn.
Thống kê các cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trước cho thấy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao chiếm trên 99%. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn số ít cử tri còn bàng quan, chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa, giá trị của lá phiếu; vẫn tồn tại số ít tình trạng bỏ phiếu thay, bỏ phiếu hộ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trong quá trình bầu cử, cần tuyệt đối tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay.
Ông Cường cho biết, qua theo dõi các cuộc bầu cử gần đây cho thấy cá biệt còn có việc bầu hộ, bầu thay ảnh hưởng không tốt đến kết quả bầu cử, đặc biệt không có lợi cho người ứng cử là nữ.
"Một quan niệm khá phổ biến ở nông thôn, đó là "việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông".Vì thế, trong bầu cử ở một số địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, người đi bầu hộ, bầu thay (nếu có) chủ yếu là nam giới; tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đã ảnh hưởng, chi phối đến việc bỏ phiếu. Vì vậy, cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử, đồng thời giám sát chặt chẽ tiến trình bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay", Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau hơn 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covidd-19.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường
Nói về vấn đề bầu cử thay, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định: "Tình trạng bỏ phiếu thay, bỏ phiếu hộ ở những kỳ bầu cử trước thì nơi này nơi khác vẫn có. Lần này, trong các chỉ đạo của các cấp, tôi thấy những những nội dung trên rất được quan tâm".
Để hạn chế tình trạng này, ông Thực cho rằng cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp trong tổ chức thực hiện bầu cử, đặc biệt là phải đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục, trong đó tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về quyền bầu cử là rất quan trọng.
Phải làm sao tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức, biện pháp, tuyên truyền liên tục để người dân được thông tin kịp thời, hiểu về ý nghĩa và trách nhiệm của cử tri trong đợt bầu cử này, hiểu được rằng đi bầu cử là chọn người mình tín nhiệm, muốn gửi gắm.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho biết, để cử tri đi bầu cử thì địa điểm bỏ phiếu phải thuận tiện và an toàn. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ vào mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, để phòng, chống dịch Covidd-19, phải chú ý các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu... thực hiện đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cấp cơ sở và khu phố, tổ bầu cử có yếu tố, vai trò quyết định cho thành công của ngày bầu cử 23/5. Do đó, phải đặc biệt quan tâm điều kiện vật chất, tập huấn, chế độ cho nhân viên tổ bầu cử, các phương án hòm phiếu phụ…
"Theo tôi, làm tốt được những khâu này thì sẽ tạo điều kiện và động viên mọi cử tri, quan trọng nhất là cử tri sẽ yên tâm, tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND", ông Thực bày tỏ.
Ở Thủ đô Hà Nội, đến nay TP đã triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử từ sớm, bằng nhiều hình thức hoạt động thiết thực, nội dung đầy đủ phong phú với sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể, các địa phương.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn cho biết: Để phát huy trách nhiệm của mỗi cử tri trước lá phiếu trước khi bầu cử, Ủy ban bầu cử TP.Hà Nội cũng thành lập Tiểu ban thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử để phụ trách thống nhất công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên địa bàn TP.
Theo ông Đoàn, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử cần được thực hiện với nhiều nội dung, đảm bảo sự truyền tải kịp thời, công khai, đầy đủ, chính xác tới cử tri… Ngoài ra, các hình thức thông tin, tuyên truyền về bầu cử cần được thực hiện đa dạng, dễ tiếp cận, phù hợp với từng đối tượng cử tri như công nhân, học sinh, sinh viên...
Qua việc thông tin, tuyên truyền về bầu cử, cử tri mới càng hiểu và nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ của mình, ý nghĩa của cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp và qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm đối với lá phiếu bầu cử của mình để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng.