Theo ghi nhận, mặt bằng chung giá các loại vật tư xây dựng hiện đang tăng khoảng 25% so với thời điểm đầu năm 2021; trong đó, tăng cao nhất là sắt - thép, hiện đang ở mức giá tăng từ 40%-45%. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ công trình xây dựng của các nhà thầu, mà mặt bằng giá bất động sản (BĐS) cũng phải đối mặt với nguy cơ tăng giá thời gian tới.
Giá thép tăng từ 40%-45% đang gây áp lực rất lớn lên ngành xây dựng vốn đã có biên lợi nhuận mỏng, khi thép hiện chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 20% đầu vào của công trình. Không chỉ thép, giá cả các loại vật liệu xây dựng khác cũng "té nước theo mưa", hiện giá xi măng từ trung tuần tháng 4 đã được điều chỉnh với mức tăng từ 30.000-40.000 đồng/tấn.
Mặc khác, một số nguyên liệu chủ chốt khác là cát, sỏi… cũng đang tăng giá mạnh giữa bối cảnh công tác khai thác gặp nhiều khó khăn.
Trước "áp lực kép" từ giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, cùng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, hàng loạt nhà thầu quyết định tạm giãn tiến độ thi công để chờ đợi bình ổn thị trường. Ghi nhận ý kiến từ một công ty thầu, giá thép và vật liệu xây dựng tăng, đã khiến họ không kịp trở tay, gặp rất nhiều khó khăn.
Những khó khăn này dường như đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh quý 1/2021 của hàng loạt nhà thầu.
Tại Tập đoàn Hòa Bình, kết quả kinh doanh quý I được công bố mới đây cho thấy, doanh thu trong quý mà đơn vị này ghi nhận là 2.263 tỷ đồng nhưng lãi ròng ở mức khá khiêm tốn, chỉ 9 tỷ đồng.
Không chỉ có Hòa Bình, một loạt nhà thầu khác như Coteccons, Hưng Thịnh Incons… cũng gặp khó khăn khi giá thép và các vật liệu xây dựng đồng loạt tăng.
Một "ông lớn" khác là Công ty CP Xây dựng Coteccons cũng ghi nhận doanh thu giảm mạnh từ 3.547 tỷ đồng (quý I/2020) xuống còn 2.563 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo thị trường vừa được công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, giá thép đang được đẩy lên cao, ngoài nguyên nhân tình trạng khan hiếm quặng sắt còn có yếu tố Trung Quốc cắt giảm sản lượng đầu ra. Việc giá thép tăng mạnh đã giúp các nhà sản xuất thép trong nước có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021, nhưng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xây dựng và nhà ở.
"Ngành xây dựng hiện đang gánh sức ép từ việc giá thép tăng cao, nếu xu hướng này tiếp tục, các nhà xây dựng và phát triển bất động sản sẽ phải chịu áp lực đáng kể", báo cáo của VDSC nêu.
Liên quan đến giá sắt - thép, vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua, nhiều chuyên gia lo ngại nếu không kìm hãm đà tăng của giá vật tư đầu vào này, nhiều khả năng bất động sản sẽ lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến người mua nhà.
Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo tính toán của các chủ đầu tư, chi phí mua thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng 1 căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng 1 căn nhà liền kề. Như vậy, giá thép tăng đến 40%-45% như hiện tại, sẽ tác động lên giá bán nhà không nhỏ khi đơn giá xây lắp bị "lệch pha" so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng mức đầu tư, và khách hàng sẽ là người phải gánh cuối cùng.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho hay, với Đại Phúc Land kế hoạch ngân sách cho đầu tư đã được chuẩn bị từ đầu nhưng chắc chắn cũng có ảnh hưởng, khiến giá thành đầu vào tăng hơn so với dự kiến kế hoạch. Và khi giá đầu vào tăng thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá thành bất động sản trong những tháng cuối năm.
"Tôi nghĩ việc kiểm soát giá vật liệu xây dựng cũng là một giải pháp giúp bình ổn giá bất động sản trong bối cảnh đang tăng nóng như hiện nay", bà Hương nói.
Cũng theo chia sẻ của CEO Đại Phúc Land, một số hợp đồng đã ký và triển khai thi công nên mức ảnh hưởng khi vật liệu xây dựng tăng giá là không lớn, nhưng với một số hợp đồng cuối năm thì có bị ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, với Đại Phúc Land, chúng tôi cũng có điều chỉnh giá bất động sản tăng theo tiến độ đầu tư của mình, nghĩa là sẽ phân bổ ngân sách để đầu tư cho từng hạng mục công trình về hạ tầng, tiện ích, dân dụng… Tất cả sẽ phân bổ vào giá trị gia tăng cho bất động sản mà khách hàng đang sở hữu. Đó cũng là cách DN tạo ra giá trị gia tăng thực sự cho khách hàng chứ không chỉ thuần túy nhờ yếu tố thị trường bên ngoài", bà Hương nói.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang thì cho rằng, giá sắt – thép, vật liệu xây dựng tăng nóng thời gian qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xây dựng hình thành nên giá bất động sản rất nhiều, nhưng nếu thị trường đang ở mức trung bình thì bất động sản sẽ tăng giá đột biến. Tuy nhiên, hiện nay giá bất động sản đang ở mức rất cao, nên việc này trước mắt chưa ảnh hưởng tới giá trị bất động sản.
"Bị ảnh hưởng lớn nhất hiện nay là các dự án mới, nhưng thực ra giá các dự án này đã tăng rất cao rồi, và biên tỷ suất lợi nhuận cũng khá cao so với thời kỳ trước. Thành ra nếu giá sắt – thép tăng mạnh như hiện nay (hiện chiếm khoảng 20% - 25% trong công trình), thì việc tăng này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm khi giá bất động sản đã thiết lập ở mức cao. Chỉ trừ bất động sản nhà phố mới xây thì có ảnh hưởng, tăng giá khoảng từ 5-10%", ông Quang dự báo.