Được biết vào tháng 5 năm 2020, Facebook thông báo mua lại Giphy với giá 400 triệu đô la. Đây là một trong những thương vụ tương đối lớn trong lịch sử của Facebook, nhưng lại có sự giảm giá "khó hiểu" so với mức định giá 600 triệu USD của Giphy vào năm 2017.
Vào tháng 6 năm 2020, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) thông báo rằng, họ đã điều tra xem liệu việc mua lại này có gây ra sự giảm bớt đáng kể trong việc cạnh tranh công bằng, minh bạch trong bất kỳ thị trường nào ở Anh hay không".
CMA cho biết, họ đã nhận thấy rằng việc Facebook hoàn tất việc mua lại Giphy làm dấy lên lo ngại về cạnh tranh liên quan đến quảng cáo kỹ thuật số, cũng như việc cung cấp ảnh GIF trên các thị trường toàn cầu. Bởi thực tế, Giphy phân phối khoảng 10 tỷ GIF cho 700 triệu người mỗi ngày. Và kể từ khi mua lại, Giphy đã không cung cấp ảnh GIF cho các nền tảng mới nào khác nữa.
Thậm chí, CMA cho biết: "Thương vụ trên có thể gây hại cho các nền tảng truyền thông xã hội của đối thủ ở các thị trường, vì điều này có nghĩa là Giphy sẽ ngừng cung cấp ảnh GIF cho các công ty này hoặc chỉ chịu hợp tác, nếu tuân thủ các điều kiện chèn ép mà Facebook đề ra".
Lúc này, Facebook và Giphy đã được yêu cầu thực hiện một lệnh thực thi cưỡng chế ban đầu (IEO) để giữ các doanh nghiệp này tạm thời tách biệt, hạn chế tích hợp hệ thống CNTT và danh sách khách hàng của họ, cũng như hạn chế trao đổi thông tin nhạy cảm giữa các nền tảng. Và mạng xã hội lớn nhất thế giới này có thể bị phạt nếu không tuân thủ quy định.
Thế nhưng, Facebook lập luận rằng lệnh này phải được thay đổi và cho rằng, lệnh này không tương xứng, Facebook nói rõ họ sẽ không ngăn phán quyết của CMA tới cùng khi cho rằng việc mua lại Giphy làm tổn hại đến cạnh tranh.
Facebook đã yêu cầu dỡ bỏ một phần của lệnh IEO. Tuy nhiên CMA không thể chấp nhận yêu cầu này, vì họ tin rằng, họ chưa có thông tin cần thiết, cũng như không lý do giải trình chính đáng từ Facebook để thu hồi lại lệnh.
Vào tháng 11 năm 2020, Facebook sau đó đã kháng cáo lên Tòa án phúc thẩm ở Anh để phản đối các điều khoản của lệnh thực thi mà họ cho là áp dụng" một cách bừa bãi" vào đế chế hoạt động kinh doanh toàn cầu của Facebook.
"Facebook đáng trách"- Sai lầm của Facebook
Mới đây, Ngài Geoffrey Vos ngồi cùng Ngài Julian Flaux và Ngài Phillips tại Tòa phúc thẩm Anh đồng chỉ trích hành vi của Facebook rằng: "Vấn đề trọng tâm trong vụ án này hoàn toàn do Facebook tự tạo ra", đồng thời đồng ý với kết luận rằng, Facebook đã tìm cách từ chối các yêu cầu, câu hỏi từ phía Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) trong quá trình điều tra vụ kiện.
Tòa án phúc thẩm tuyên bố bác bỏ khiếu nại của Facebook khi cho rằng, CMA không có cơ sở để đưa ra lệnh thực thi cưỡng chế ban đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính Facebook.
Còn Giám đốc điều hành CMA Andrea Coscelli cho biết: "Phán quyết hôm nay củng cố một thông điệp quan trọng và rõ ràng - các lệnh thực thi cưỡng chế ban đầu là chìa khóa giúp CMA có khả năng bảo vệ người tiêu dùng Vương quốc Anh trong khi thực hiện các đánh giá sáp nhập thương hiệu".
"Cả Tòa án phúc thẩm và các cơ quan quản lý cạnh tranh khác của Chính phủ Anh hiện đã tán thành cách tiếp cận và cách xử lý của chúng tôi đối với vấn đề này".
"Cuộc điều tra của chúng tôi về việc sáp nhập của Facebook với Giphy đang diễn ra và chúng tôi mong muốn được hợp tác với các công ty này khi chúng tôi tiến hành điều tra".
Đại diện Tòa án phúc thẩm khẳng định thêm rằng: "Facebook đã không tham gia đúng cách với CMA. Họ đã từ chối trả lời các câu hỏi của CMA". Và cuộc điều tra của CMA về việc sáp nhập Facebook / GIPHY đang diễn ra và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 9 năm 2021.