Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, mới đây Công ty Đấu giá hợp danh VNA đã tổ chức buổi đấu giá tài sản "Vật tư thu hồi từ bảo trì Kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) tồn kho đến ngày 31/12/2020 tại 20 công ty bảo trì, sửa chữa KCHTĐS theo các quyết định ngày 25/3/2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam" (gọi tắt là bán đấu giá tài sản tại Tổng Công ty ĐSVN) với mức giá khởi điểm 25.464.301.966 đồng (bằng chữ: Hai mươi lăm tỷ, bốn trăm sáu mươi tư triệu, ba trăm linh một nghìn, chín trăm sáu mươi sáu đồng).
Phiên đấu giá tài sản lớn như trên của Tổng Công ty ĐSVN chỉ có 6 doanh nghiệp tham gia. Sau phiên đấu giá ngày 29/4/2021, Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới, có địa chỉ tại ĐT261, Minh Đức, Phổ Yên, Thái Nguyên do ông Nguyễn Văn Tài làm Giám đốc đã trúng đấu giá gói tài sản nói trên với giá 27,2 tỷ đồng.
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp nói trên, sau nhiều lần liên hệ làm việc với Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN, ông Đặng Sỹ Mạnh- Tổng Giám đốc lại giao cho ông Hoàng Gia Khánh- Phó TGĐ, kiêm Chủ tịch Hội đồng thanh lý tài sản KCHTĐS gặp, làm việc với PV, tuy nhiên lấy lý do bận công việc ông Khánh lại "đẩy" cho một nhân viên dưới quyền tiếp.
Ngày 11/5, làm việc với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Diệp Anh Tuấn- Phó Ban Tài chính- Kế toán Tổng Công ty ĐSVN cho biết: "Tổng Công ty ký hợp đồng giao toàn bộ tài sản cho Công ty CP Đấu giá hợp danh VNA tổ chức đấu giá. Đã có 6 công ty mua hồ sơ tham gia đấu giá, và kết quả Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới là đơn vị trúng đấu giá với giá 27,2 tỷ đồng".
Khi PV đề nghị cung cấp biên bản đấu giá cùng tên danh sách 5 đơn vị còn lại trả giá ra sao trong buổi đấu giá, ông Tuấn viện lý do không nắm được và khước từ. "Thực ra chúng tôi không quan tâm nhiều lắm đến các Công ty tham gia, mà chúng tôi quan tâm đến khách hàng đã trúng đấu giá", ông Tuấn nói.
Lý giải cho việc nhiều danh mục giá khởi điểm vật tư thu hồi thanh lý có giá thấp hơn so với giá trị thực tế hiện có trên thị trường, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua sắt thép phế liệu và ray đường tàu với giá cao. Chẳng hạn như lô Ray P43, trên thị trường có doanh nghiệp sẵn sàng trả với giá 12.000 đồng/kg tại các điểm dọc đường sắt từ miền Bắc đến miền Nam. Mức giá này cao hơn nhiều so với giá 5.800 đồng/kg mà Tổng Công ty ĐSVN chào bán, ông Tuấn cho biết: "Tổng Công ty đã lựa chọn Công ty CP đầu tư định giá Quốc tế làm đơn vị thẩm định giá và chúng tôi rất tin tưởng, tôn trọng kết quả thẩm định giá của đối tác".
Thế nhưng, khi PV đặt vấn đề: Nếu nói tôn trọng kết quả thẩm định giá của công ty thẩm định, vậy trường hợp công ty này định giá thấp hơn giá trị thực tế, có thể gây thất thoát tiền của Nhà nước, chẳng lẽ phía ĐSVN không xem xét, tính toán lại, thậm chí có thể mời thêm một công ty độc lập khác, mà lại phó mặc hết cho đối tác?, ông Tuấn giải thích, Tổng Công ty ĐSVN có cách... kiểm soát riêng. Đồng thời, cho rằng giá cả thị trường nói trên là do phía PV cung cấp, còn bên Tổng Công ty ĐSVN không có.
"Chúng tôi không can thiệp vào quá trình thẩm định giá, họ thẩm định giá theo các tiêu chuẩn về giá và cũng như luật giá... Đối với Tổng Công ty khi thuê nhà thầu thẩm định giá, chúng tôi tôn trọng quyết định thẩm định giá của họ, họ làm theo nghề nghiệp. Tổng Công ty chỉ lấy giá người ta thẩm định để làm kết quả chúng tôi xác định giá để bán đấu giá", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, một trong những yếu tố làm giá của một số mặt hàng phế liệu có thể thấp hơn so với thị trường là do toàn bộ vật tư thu hồi thay ra từ quá trình bảo trì đường sắt được thu gom để tại chỗ tại đường sắt, nằm rải rác gần 3.000km suốt các tuyến đường sắt từ Bắc đến Nam, gây khó khăn trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Ngoài ra, đơn vị thu gom phải đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Bởi, không phải lúc nào cũng lấy được phế liệu mà người ta phải vào đan xen giữa các chuyến tàu... Cùng với đó là những vật tư thu hồi nói trên có nhiều vật tư là chất thải nguy hại, người mua phải bỏ thêm chi phí để thu gom, di dời.
Trả lời cho câu hỏi, phần xử lý chất thải nguy hại là ắc quy chiếm 1 phần nhỏ, chỉ chưa đầy 20 triệu đồng, nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại "trộn" vào phần bán sắt thép phế liệu như một "bài thầu" gài vào để loại bỏ các công ty có đủ năng lực khác tham gia đấu giá?, ông Tuấn cho hay: "Chúng tôi xem đây là một gói thầu, trong đó có vật tư là chất thải nguy hại, kể cả nó rất nhỏ, chúng tôi vẫn theo quan niệm ưu tiên bảo vệ môi trường".
Ngoài ra, ông Tuấn cũng viện dẫn sắt thép cũng có thể là chất thải nguy hại trong trường hợp khách hàng phải phân kim, sản xuất ra các chế phẩm khác... Thế nhưng khi PV hỏi lại có quy định nào về việc, bán sắt thép phế liệu phải xử lý chất thải nguy hại không?, ông Tuấn lảng tránh không trả lời thẳng vào vấn đề.
Vì sao không xem xét đơn đề nghị mua lại với giá cao gấp 2 lần của một công ty khác?
PV: Trước khi diễn ra phiên đấu giá 2 ngày, tức ngày 27/4, Báo điện tử Dân Việt có nhận được đơn kiến nghị của một doanh nghiệp và chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc đề nghị được mua gói tài sản đấu giá nói trên với giá 60 tỷ đồng, mang lại rất nhiều tiền cho ĐSVN. Đối với thiện chí của doanh nghiệp quan điểm của công ty thế nào, người ta sẵn sàng mua với 60 tỷ mà vẫn có lãi . Vậy phải chăng khâu thẩm định giá có vấn đề?
- Ông Diệp Anh Tuấn- Phó Ban Tài chính Kế toán Tổng Công ty ĐSVN: Tổng Công ty tổ chức thanh lý vật tư này đảm bảo hai yêu cầu về hệ thống pháp luật. Một là, pháp luật về đấu giá và hai là, hệ thống pháp luật về luật chuyên ngành trong đó có Luật Đường sắt và Luật Bảo vệ môi trường.
Chúng ta phải đảm bảo được hai hệ thống pháp luật này. Do vậy, Tổng Công ty lựa chọn đơn vị đấu giá để thực hiện đấu giá theo đúng quy định của pháp luật về đấu giá tài sản Nhà nước, đồng thời chúng tôi đảm bảo lựa chọn được khách hàng đáp ứng được các điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và môi trường theo Luật Đường sắt. Đơn vị đấu giá cũng thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu giá đăng các quy định bán công khai minh bạch, và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá.
Còn các doanh nghiệp có ý kiến là giá trị chỗ này chỗ kia tăng lên, phía Tổng Công ty hoàn toàn hoan nghênh các doanh nghiệp này nếu các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia mua hồ sơ, nộp hồ sơ và tham gia đấu giá và quy chế đấu giá công khai rồi trong trường hợp các doanh nghiệp muốn mua có nguyện vọng muốn mua thì sẽ làm việc với công ty đấu giá để mua hồ sơ.
PV: Khi Tổng Công ty ĐSVN nhận được phản ánh của Báo điện tử Dân Việt (ngày 28/4, trước phiên đấu giá tài sản- PV) và ý kiến của doanh nghiệp, về việc thẩm định giá trị tài sản thấp hơn so với thực tế, Tổng Công ty băn khoăn việc mình thẩm định giá quá thấp, có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước không và vì sao không hoãn cuộc đấu giá để thẩm định lại?
- Ông Diệp Anh Tuấn: Tổng Công ty thực hiện đấu giá thông qua Công ty đấu giá. Chúng tôi không làm trái quy định, cho nên tất cả các đơn vị tham gia đấu giá đều phải trả giá theo phương thức trả giá lên tại cuộc đấu giá thông qua phiên đấu giá, còn Tổng Công ty không xử lý riêng tất cả trường hợp nào cả chúng tôi đảm bảo bình đẳng cho tất cả đơn vị tham gia.
PV: Trong Hội đồng thẩm định giá KCHTĐS, Tổng Giám đốc là người duyệt mức giá cuối cùng hay do một Phó Tổng Giám đốc khác phụ trách?
- Ông Diệp Anh Tuấn: Công việc thẩm định giá, đưa ra giá khởi điểm là công việc nội bộ của Tổng Công ty ĐSVN. Nếu trong trường hợp cần cung cấp thông tin thêm, đề nghị quý Báo gửi văn bản.
Còn nữa