Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 14/5 có 6 nhóm ngành được thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất trong mùa tuyển sinh năm 2021.
Trong đó, nhóm ngành đứng đầu về nguyện vọng xét tuyển là Kinh doanh và Quản lý với hơn 1,2 triệu lượt đăng ký chiếm 32,781% tổng số nguyện vọng, tức là chiếm hơn 1/3. So với số chỉ tiêu là 118.679, nhóm ngành này đang đạt xấp xỉ 1.027% nguyện vọng/chỉ tiêu.
Tỷ lệ chọi khá lớn này đồng nghĩa với việc sắp tới thí sinh sẽ phải trải qua cuộc đua căng thẳng, cân não mới có thể trúng tuyển được vào nguyện vọng mong muốn.
Cũng theo thống kê trên hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 40.500 thí sinh tự do, chiếm 3,97%. Số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là gần 36.000 (chiếm 3,5%) và số thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tham gia tuyển sinh là hơn 763.000 (chiếm 74,71%).
Tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021 tính đến 17h ngày 16/5 là 3,8 triệu. Trong đó, có gần 792.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (chiếm 99,14%) so với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển; có hơn 690.000 nguyện vọng 2 (chiếm 87,19%).
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/7. Hiện thời gian tổ chức kỳ thi chưa điều chỉnh vì Bộ đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch.
Là một trong những ngôi trường hàng đầu cả nước trong việc đào tạo nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân lý giải lý do vì sao nhóm ngành này lại thu hút lượng thí sinh lớn như vậy.
Theo PGS Bùi Đức Triệu, thí sinh có quyền lựa chọn nguyện vọng nên điều này đã phản ánh được mong muốn của thí sinh và chứng minh xu thế của thời đại, đổi mới và hội nhập kinh tế.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh và thí sinh về việc liệu đây có phải là số ảo cũng như trường chấp nhận mỗi em có thể đăng ký tối đa 54 nguyện vọng, PGS Triệu bày tỏ: "Vẫn như các năm trước, trường không hạn chế nguyện vọng của thí sinh đăng ký. Tỷ lệ ảo là vấn đề khó khăn nhất của các trường, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng vậy. Đó là thực tế mà các trường cần làm quen vì các trường trên thế giới cũng như vậy. Loại bỏ tỷ lệ ảo là việc gần như không thể, đơn vị tuyển sinh cần dựa vào kinh nghiệm, phán đoán, phân tích nhu cầu của thị trường để đưa ra con số phù hợp, giảm tỷ lệ này xuống mức thấp nhất.
Năm ngoái, tỷ lệ ảo của Đại học Kinh tế quốc dân khoảng 30-40%. Việc tăng số lượng nguyện vọng sẽ khiến trường gặp khó khăn nhưng bù lại thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao nhất".
Chia sẻ về việc làm sao để các thí sinh không chọn nhầm khối ngành này, ông Triệu nhấn mạnh: "Học gì thì thí sinh cũng cần nghiêm túc, phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của mình".