LTS: Được thiên nhiên ưu đãi, hai tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận đang sở hữu những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam. Những đồi cát ở đây cao gần cả trăm mét so với mực nước biển nhưng kỳ lạ nhất là có những đỉnh đồi di động và hình dáng thay đổi liên tục từng giờ, từng ngày tùy theo sức gió. Cát ở đây có đủ 4 màu: Trắng - vàng - hồng - đỏ, tạo thành bức tranh cát tuyệt đẹp không nơi nào sánh bằng...
Trong tiết trời Sài Gòn tháng 4/2021 oi bức, khó chịu thì một người bạn khuyên tôi nên đưa gia đình về sa mạc cát ở Bình Thuận hoặc Ninh Thuận tránh nóng. Tôi gằn giọng: "Ở đây đã nóng chịu không thấu rồi còn ông còn nói ra sa mạc cát nữa là sao, ông bị làm sao à?". Bị trách nhưng người bạn vẫn rủ rê: "Bạn hãy cùng gia đình tôi làm một hành trình thực tế đi mới cảm nhận được không khí mát dịu từ những vùng sa mạc cát này".
Bốn màu của cát - bốn mùa thay lá
Nhiều năm qua, những sa mạc cát nhiều màu ở Bình Thuận đã tạo thêm một nghề mới cho dân địa phương và những người làm nghệ thuật. Từ những hạt cát li ti này, các nghệ nhân đã biến thành những bức tranh cát tuyệt đẹp khiến du khách ngẩn ngơ khi nhìn thấy. Tranh cát Bình Thuận không pha màu, chỉ sử dụng cát tự nhiên nên được du khách nước ngoài mua làm quà tặng phương xa...
Từ lời mời "ngược đời" của người bạn, nghĩ đi nghĩ lại là ông này chả nói giỡn bao giờ, tôi chuẩn bị hành lý để làm cuộc hành trình dài ngày xuyên qua những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam.
Cách trung tâm TP.Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 60km theo hướng đông bắc có hai sa mạc cát lớn và kỳ lạ nhất Việt Nam là đồi Cát Bay (Mũi Né, diện tích 35ha, thuộc TP.Phan Thiết) và khu vực đồi cát Trinh Nữ - Bàu Trắng (khoảng 100ha), thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.
Trên cung đường ven biển tuyệt đẹp từ Mũi Né đến sa mạc cát trên, chúng tôi trải qua những cung bậc, cảm xúc lạ thường khi tận mắt chứng kiến những đồi cát chuyển từ trắng, đến vàng, hồng rồi đỏ thắm. Anh Trần Văn Tuấn - chủ quán ăn nằm ven đồi cát ở phường Mũi Né, TP.Phan Thiết cho biết, dân địa phương gọi những đồi cát theo màu như đồi Vàng, đồi Trắng, đồi Đỏ, đồi Hồng rõ nét như bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Theo lời anh Tuấn, mấy năm gần đây, những đồi cát này đã trở thành điểm đến và nguồn cảm hứng, sáng tác bất tận cho các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thơ, giới nhiếp ảnh… Đầu năm 2020 vừa qua, đoàn làm phim "Cát Đỏ" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh về đây chọn khu đồi Đỏ để quay phim suốt gần 3 tháng liền. Sau khi VTV3 phát sóng bộ phim này vào tháng 8/2020, khách tìm về đồi Đỏ đông hơn.
Chị Nguyễn Thị Gái - chủ một quán cơm ngay trung tâm vùng đồi Đỏ (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) tâm sự, ông bà tổ tiên chị ở đây đã hàng trăm năm qua. Hơn 20 năm trước, cuộc sống dân vùng này cơ cực nhưng hiện giờ buôn bán khấm khá hơn nhờ khách du lịch đến tham quan những sa mạc cát.
Theo lời bà Năm - mẹ chị Gái, hơn 40 năm trước, vùng này là làng chài nhỏ bé, vắng khách vãng lai... Hải sản vùng biển này rất ngon nhưng do đường đi cách trở nên cuộc sống ngư dân không khá lên nổi. Từ ngày Mũi Né được phát hiện (24/10/1995, nhờ sự kiện là địa điểm quan sát rõ nhất về nhật thực toàn phần) và sau đó nữa là việc nhà nước đầu tư tuyến đường ven biển chạy qua, cả vùng sa mạc này như "nàng công chúa ngủ quên trong rừng nay thức dậy".
Kỳ lạ đồi cát bay
Ông Nguyễn Thành Khoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Triều Trang (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho biết, hơn 30 năm trước ông đến lập nghiệp ở đồi cát Trinh Nữ, chỉ thấy cát bay mù trời.
Mấy tháng đầu, ông Khoa rất ngán ngẩm cảnh cô đơn giữa vùng sa mạc, nhưng sau đó ông phát hiện ra đỉnh của những đồi cát sáng nơi này, chiều lại dời sang nơi khác nên ông tò mò tìm hiểu. Giữa trưa nắng, ông Khoa lấy cây cờ lên cắm ở đỉnh để xem buổi chiều đỉnh đồi cát lệch bao nhiêu mét? Quả thật, đỉnh ông Khoa cắm cờ gần 1 giờ sau đã dịch chuyển sang cách đó gần 30m. Điều bất ngờ là cho dù gió thổi cát bay mù trời nhưng cát không bay khỏi vùng sa mạc mà chỉ dời từ chỗ này sang chỗ nọ. Điều khiến ông Khoa mê mẩn vùng này hơn là dưới chân đồi cát là một hồ nước trong xanh ôm lượn quanh đồi cát trắng. Kể từ đó, ông Khoa quyết tâm cắm trụ luôn ở vùng này cho đến hôm nay (ông Khoa là người đầu tiên ở Việt Nam đưa môtô và ôtô địa hình chạy lên đồi cát).
Theo nhiều bà con sống lâu năm ở vùng sa mạc cát này, hồ nước trong xanh tên là Bàu Trắng đã có ở đây hàng mấy trăm năm (nay thuộc địa phận thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình). Nếu sa mạc có nguồn cát vô biên thì Bàu Trắng đem lại một nguồn nước ngọt vô tận.
Lên đỉnh đồi cát vào một buổi chiều tà, phóng tầm mắt nhìn xuống Bàu Trắng, chúng tôi dường như cảm nhận phần nào sự hòa quyện tuyệt mỹ giữa thiên nhiên, con người, vạn vật... Những đồi cát nhỏ nhấp nhô trên mặt hồ nước xanh thẳm, pha lẫn tí sắc vàng của ánh hoàng hôn chiếu xuống tạo thành bức tranh sa mạc huyền ảo bên bờ đại dương bao lao, sẵn sàng hút hồn bất kỳ ai có dịp thưởng lãm...