Dân Việt

Nghề Caddy - Nỗi niềm "làm dâu trăm họ"

Thu Hương 20/05/2021 07:17 GMT+7
Nhắc đến Caddy trên sân golf, nhiều người luôn hình dung đến hình ảnh hoa mỹ: những cô gái trẻ trung, xinh đẹp chuyên phục vụ các đại gia. Nhưng ít ai biết được đằng sau chốn "cỏ xanh'' - sân golf là những nhọc nhằn và nước mắt mà chỉ những người đã và đang theo nghề Caddy mới thấu hiểu.

Caddy golf – người đồng hành thầm lặng của golfer

Đội nón, mặc áo dài tay, trùm khăn kín mít, hàng ngày phải đi theo golfer khắp sân golf rộng hàng trăm ha giữa cái nắng chang chang, hỗ trợ golfer trong các cú đánh. Đó là hình ảnh thường thấy của những người làm nghề Caddy

Chị Bình (Caddy sân Golf Minh Trí) chia sẻ: "Khi ra sân, Caddy phải mặc tới 2-3 cái áo cổ cao dài tay, bên ngoài thêm bộ đồng phục sân golf. Thế mà vẫn không ăn thua, cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn làm làn da của các chúng tôi sạm đen. Có buổi, hết ca làm, quần áo ướt đẫm mồ hôi''.

Caddy luôn đồng hành cùng golfer trên những đường bóng. Ảnh: Thu Hương

Caddy luôn đồng hành cùng golfer trên những đường bóng. Ảnh: Thu Hương

Theo bạn Nga (Caddy sân Golf Minh Trí) người đã gắn bó 5 năm với nghề, công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không ít khó khăn đòi hỏi các Caddy cần có một sức khoẻ thật tốt, dẻo dai. Bởi nghề này thường xuyên phải đứng giữa cái nắng 40 độ C, tay thì cầm ô che cho golfer, tay còn lại phải mang theo bộ gậy khi golfer cần. Công việc của các mình phụ thuộc hoàn toàn vào lượng khách đến chơi golf. Nên dù trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh… có khách đến là phải phục vụ. Có những ngày phải trùm áo mưa chạy khắp sân, từ rừng cây, dưới hồ tìm bóng.

"Công việc của Caddy không chỉ là mang túi gậy đi theo các đại gia chơi golf hay chỉ nhặt bóng như nhiều người vẫn tưởng. Caddy mới vào nghề phải học thuộc địa hình sân, đoán hướng gió, tính khoảng cách từ bóng đến lỗ cờ…… để đưa ra ra những lời khuyên hữu ích cho người chơi. Caddy còn là người điều chỉnh tư thế đúng cho khách chơi golf, tư vấn cho khách chọn loại gậy phù hợp cho mỗi lần phát bóng", bạn Nga chia sẻ.

Nghề Caddy - Nỗi niềm "làm dâu trăm họ" - Ảnh 2.

Nhọc nhằn nghề Caddy. Ảnh: nhân vật cung cấp

Nỗi niềm nghề làm dâu trăm họ của người làm nghề Caddy 

"Caddy vẫn được ví là nghề làm dâu trăm họ. Với mỗi golfer một tính cách khác nhau, Caddy luôn phải nỗ lực, cố gắng làm hài lòng họ bất kể xảy ra tình huống gì. Có người đòi hỏi Caddy trẻ, đẹp, có người lại muốn Caddy phải có kinh nghiệm để tư vấn, đưa ra lời khuyên thế nào đúng thời điểm để họ đánh được điểm, có người thích sự im lặng, cũng có golfer thích sự cởi mở, vui vẻ của Caddy … Nếu gặp được các golfer thân thiện, hòa đồng, thấu hiểu và trân trọng sự vất vả của Caddy thì đó luôn là sự may mắn, hạnh phúc với bọn mình'',  Ngọc Anh( Caddy sân Golf Minh Trí) giãi bày.

 Thực tế, bên cạnh những golfer xem Caddy như những người bạn đồng hành, tôn trọng  họ trong suốt cuộc chơi thì cũng có không ít các golfer mất bình tĩnh khi đánh bóng hỏng, thua trận và sẵn sàng trút cơn giận dữ, chửi thề, xúc phạm  lên Caddy.

Thế Bảo (Caddy sân Golf  Đại Lải) kể: "Có những ông khách chỉ cần nhìn thấy tên trên túi gậy là ai cũng lắc đầu. Vì họ nổi tiếng trong việc chửi Caddy: Đánh hỏng một gậy, hay thua cả trận, thì Caddy chính là nơi để họ trút giận và đổi lỗi. Vì thế mỗi ngày, chúng tôi đều hồi hộp không biết được khách của mình dễ tính hay khó tính. Vì khách hàng là thượng đế nên dù khách quát mắng vô cớ cũng phải nhẫn nhục chịu đựng, nhận phần sai về mình".

"Nghề này cực lắm, tính chất công việc là phục vụ ngoài trời nên là bao nhiêu cái khắc nghiệt của thời tiết Caddy đều phải chịu hết. Có những hôm đi bộ cả ngày đã mệt, người toát hết mồ hôi như say nắng  lại còn bị khách cằn nhằn, đổ lỗi cho mình, làm mình vừa buồn, vừa tủi, lại vừa ấm ức chẳng biết nói với ai" - chị Hảo (Caddy sân Golf Minh Trí) trầm ngâm kể lại. 

 Khi được hỏi về cảm nhận văn hóa "ứng xử'' trên sân  golf, anh Thắng (Golfer tại Hà Nội) chia sẻ: "Tôi là người rất đam mê golf và đã gắn bó với nó được 10 năm rồi. Tôi chứng kiến và thất vọng  khi nghe một số golfer hành hạ, chửi caddy thậm tệ.  Nhìn bề ngoài, họ là những người thanh lịch, doanh nhân thành đạt, họ nói rằng chơi golf để giải trí, rèn luyện sức khỏe và tính kiên nhẫn. Thực tế, không ít người lại thể hiện những điều ngược lại trên sân golf. Thua thì cay cú, không kìm chế được cảm xúc của bản thân, rồi mắng chửi, đổi lỗi cho Caddy''.

 Ngoài nỗi ám ảnh sự khắc nghiệt của thời tiết, khách khó tính, thì nỗi sợ hãi của caddy còn có thêm từ "phạt''. Đi làm muộn 5 phút, bị khách phàn nàn, làm mất đồ của khách, không nhặt rác khi đi sân…. tất cả đều gói gọn trong từ "phạt''. Theo chị Hương( Caddy sân Golf Vân Trì), phạt tiền là hình thức nhẹ nhàng nhất. Hình phạt nặng hơn là không cho ra sân và đi nhổ cỏ một tháng.  

Thu nhập đánh đổi bằng sức khoẻ, nguy hiểm và sự cám dỗ

Chơi golf được xem là môn thể thao "quý tộc", nhưng ẩn sau sự hào nhoáng đó là bao vất vả, nỗi niềm của những người Caddy. Khách chơi golf phần lớn là doanh nhân, những người có địa vị trong xã hội nên đa số họ đều chọn thời gian rảnh để chơi. Vì vậy, Caddy phải phục vụ bất kể giờ giấc, thời tiết:  làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, những ngày nghỉ lễ nên không có  thời gian rảnh để đi chơi, hay dành nhiều thời gian cho gia đình, người thân.

Chị Nhàn (Quản lý sân Golf Minh Trí) chia sẻ: "Thực tế , thu nhập của Caddy cao hay thấp có thể phụ thuộc vào tiền "tip'' của golfer cũng như khả năng phục vụ của họ. Caddy có thu nhập dao động trung bình từ 15 triệu/tháng, nếu có nhiều  khách đặt thì tiền lương có lúc lên đến 17 – 20 triệu/ tháng. Tuy Caddy có tiền hơn nếu so với mức lương của một lao động phổ thông nhưng cái nghề này vất vả, gian nan lắm. Chuyện caddy mới vào nghề chưa quen với công việc, thường bị ngất xỉu, say nắng xảy ra thường xuyên''.

Nghề Caddy - Nỗi niềm "làm dâu trăm họ" - Ảnh 3.

Tâm sự của một Caddy về công việc vất vả sau vẻ hào nhoáng. Ảnh: nhân vật cung cấp

Bạn Huyền ( Caddy sân Golf Minh Trí) cho biết: "Thời gian để khách chơi hết 18 lỗ golf thường kéo dài 4-5 giờ, những hôm đông khách hay người mới tập thì có thể lên đến 6 giờ. Những ngày trời đẹp, đông khách, một caddie có khi phải phục vụ liên tục 2-3 lượt người chơi, tương đương khoảng 9-12 giờ. Caddy bọn mình thường không có được bữa ăn trọn vẹn mà phải tranh thủ lót dạ bằng chiếc bánh mỳ, hộp sữa hoặc chai nước lọc rồi tiếp tục trở lại công việc''.

 Là sinh viên  của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn Caddy H.T.H (Caddy partime sân Golf Minh Trí),  đã gắn bó với nghề Caddy gần 4 năm, đã quen việc và công việc này cũng đem lại cho bạn  thu nhập  ổn định. Nhưng khi đựơc hỏi có định gắn bó với nghề này không, H nói: "Hiện tại, em là sinh viên năm ba nên chỉ làm thêm một thời gian nữa để tích luỹ đủ tiền cho việc đi học. Dù là Caddy partime- làm thêm thứ bảy, chủ nhật nhưng cũng phải cảm ơn nghề nhất nhiều, vì nó đã cho em thu nhập để trang trải công việc học tập và giúp em có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành hơn bước vào đời. Tuy nhiên, còn một năm nữa ra trường, em sẽ xin nghỉ ở đây để  có công việc đúng chuyên ngành mình học, công việc được mọi người trân trọn hơn. Bởi trên sân golf, Caddy và golfer như hai thế giới đối lập chủ - tớ".

 "Câu chuyện về nghề thì có nhiều: buồn có, vui cũng có. Có cả chuyện những golfer thích gái xinh trẻ và chuyên rủ caddy đi chơi, rủ nhiều là đằng khác. Những khách chơi golf giàu có, lắm tiền thật nhưng mình không thể vì đồng tiền mà mê muội, đánh mất bản thân mình. Bên cạnh những cô gái như mình, vẫn còn có nhiều cô gái nhẹ dạ, ham giàu mà trở thành ''gái bao'' của khách, cuối cùng phải nhận lấy tủi nhục vào mình'', H chia sẻ thêm.

Caddy thường là các cô gái trẻ, có ngoại hình, độ tuổi từ 18-25. Vì vậy, câu chuyện "kiều nữ và đại gia'' vẫn thường được mọi người truyền tai nhau. Nhưng để lấy được đồng tiền của khách, Caddy phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, có khi còn phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình…