Chọn nghề "hot" lương cao, học sinh vẫn cần lưu ý điều này

Chủ nhật, ngày 11/04/2021 14:36 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia giáo dục nghề, học sinh có thể lựa chọn những nhóm ngành, nghề hot đang được xã hội trọng dụng. Tuy nhiên, các em phải lưu ý dựa trên sở thích, sở trường, nhu cầu của xã hội để có quyết định đúng đắn.

Nghề "hot", tiền lương cao có thể lên tới 15,5 triệu đồng/tháng

Thời gian gần đây, học sinh theo học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngày càng tăng. Số lượng trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu học sinh. Sở dĩ học sinh đi học nghề cao là bởi có nhiều ngành, nghề được xem là nghề "hot", lương cao, chưa ra trường đã có việc làm.

Mới đây, một điều tra, khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) về nhu cầu đào tạo về giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, đáp ứng thị trường lao động, năm 2021 đã công bố bảng danh sách trong đó tới 20 nghề "hot", được doanh nghiệp tuyển dụng lao động cao.

Nghề "hot" nhất là  nghề may thời trang (53.557 người), tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn (12.914 người), kỹ thuật xây dựng (5.936 người)... Đây là nhóm nghề thuộc trình độ sơ cấp.

Đối với trình độ trung cấp, nghề hot nhất là nghề may thời trang, vận hành máy xây dựng... Cụ thể, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang (60.913 người), tiếp đến là vận hành máy xây dựng (29.050 người), kỹ thuật chế biến món ăn (27.478 người)...

Đối với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang (67.624 người), tiếp đến là vận hành máy xây dựng (29.948 người), điện công nghiệp (26.227 người)...

Ngoài ra theo nhu cầu phát triển của xã hội, một số ngành nghề như: Làm đẹp, công nghệ thông tin, điện toán đám mây, lập trình... là những nghề doanh nghiệp đang tuyển dụng nhiều nhất.

Cũng theo báo cáo, thu nhập người lao động trong các ngành nghề này khá cao. Mức thu nhập cao nhất là 15,5 triệu đồng phân theo trình độ, nhóm nghề.

Nghề cắt may thời trang luôn là nghề "hot" được doanh nghiệp tuyển dụng lao động liên tục. Ảnh: N.T

Nghề cắt may thời trang luôn là nghề "hot" được doanh nghiệp tuyển dụng lao động liên tục. Ảnh: N.T

Đối với trình độ sơ cấp, nghề có thu nhập bình quân cao nhất là công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (gần 9,2 triệu đồng/tháng). Sau đó đến là kỹ thuật xây dựng (8,1 triệu đồng/tháng), kỹ thuật thiết bị điện tử (8,06 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ sơ cấp khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

Đối với trình độ trung cấp, nghề có thu nhập bình quân/tháng cao nhất là nghề quản lý khai thác công trình thủy lợi (12,2 triệu đồng/tháng), tiếp đến là kỹ thuật sơn mài và khảm trai (9,75 triệu đồng/tháng), chế tạo thiết bị cơ khí (9,15 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ trung cấp khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.

Đối với trình độ cao đẳng, nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng (15,5 triệu đồng/tháng), sau đó đến quản lý khai thác công trình thủy lợi (14,1 triệu đồng/tháng), kỹ thuật sơn mài và khảm trai (10,2 triệu đồng/tháng). Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.

Nghề "hot" nhưng phải yêu thích

Nhiều ngành nghề đang hứa hẹn cơ hội việc làm tốt, lương cao nhưng không phải vì thế mà các bạn trẻ bất chấp theo học.

Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho rằng, lao động chỉ có thể thành công khi chọn đúng ngành, đúng nghề.

Tức là ngay từ lúc còn ngồi trên ghế THPT, các em phải biết được mình thực sự yêu thích công việc gì, có khả năng gì. Tiếp nữa các em phải biết được ngành nghề đó học cái gì, học xong tìm kiếm việc làm ở đâu, thu nhập, phát triển... như thế nào.

"Quan trọng nhất vẫn là phải chọn những công việc yêu thích, có sự đam mê. Bởi vì khi có sự đam mê thì dù khó khăn, các em vẫn có thể vượt qua. Khi đã yêu nghề, quyết tâm học tập, các em hoàn toàn có thể tin rằng ra trường có công việc tốt, thu nhập cao", ông Lân nói.

chọn nghề "hot", chọn nghề

Ông Dương Đức Lân cho rằng, quan trọng nhất là học sinh phải chọn nghề mình yêu thích, tiếp đó mới cân nhắc tới các vấn đề như nghề đó có cơ hội thế nào, làm gì?, thu nhập ra sao, hay "hot" thế nào... Ảnh: I.T

Ông Lân cho rằng, hiện nay Việt Nam đang có tình trạng học sinh học theo xu hướng, học theo phong trào. Tuy nhiên, các em không hiểu "làm nghề gì cũng được miễn là phải yêu thích".

Thực tế, hiện nay nhiều học sinh học hết cấp 3 không biết mình thích gì, có sở trường gì. Lúc chọn ngành, chọn nghề theo học thì chỉ nghe tư vấn, hướng nghiệp, thấy nghề nào "hot" thì học. Nhưng khi vào học mới ngớ ra, hóa ra ngành này, nghề này mình không thích, không hợp.

"Hiện cả nước có tới 800 nghề nằm trong danh mục nghề nghiệp. Nhiều nghề đọc lên mình còn không hiểu nó dạy gì, học gì, dạy xong thì làm gì, thu nhập bao nhiêu... thì làm sao các em biết được mà lựa chọn", ông Dương Đức Lân nói.


Thùy Anh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem