Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các địa phương khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 3. Các tỉnh cần rà soát tất cả các điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
"Việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 16/5 vừa qua Việt Nam đã tiếp nhận thêm gần 1,7 triệu liều vắc xin Covid-19 do COVAX Facility tài trợ.
"Chỉ có tiêm phòng vắc xin Covid-19 và phải đạt trên 70% dân số được tiêm thì chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng chống lại Covid-19.
Không có vắc xin thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay".
PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam
Để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng đợt 3, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cho biết: “Chương trình Tiêm chủng Mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Song song với đó, các địa phương sơ kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đợt 1 để chuẩn bị cho triển khai cho đợt 2. Chúng tôi đặc biệt lưu ý các địa phương phải tổ chức tiêm chủng an toàn và phòng lây nhiễm Covid-19 tại các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia”.
Theo PGS Hồng, các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa: vừa triển khai công tác phòng chống dịch vừa tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vắc xin cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Trước đó, từ ngày 8/3, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội… theo Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ.
Sau 2 đợt tiêm, tính đến hết ngày 19/5 đã có hơn 1 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm, trong đó có gần 30.000 người được tiêm đủ 2 mũi. Các liều vắc xin đã được tiêm hết, đảm bảo "tận dụng từng mũi vắc xin, không để phí"
Về tình hình tiêm vắc xin Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, có khoảng 18% người được tiêm có phản ứng nhẹ và chỉ có 24 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm và 1 ca tử vong.
Đó là trường hợp của nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, tử vong ngày 7/5. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về ca tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 do sốc phản vệ, Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine Covid-19 đã họp khẩn để đánh giá nguyên nhân.
Theo các báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, vắc xin Covid-19 Astra Zeneca đang được tiêm tại Việt Nam có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2, nên vẫn có một tỉ lệ người tiêm có thể mắc bệnh.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khẳng định, dù độ bảo vệ của vắc xin Astra Zeneca không đạt 100% nhưng người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn và không có nguy cơ tử vong.
"Các điều tra cho thấy, trường hợp này có cơ địa dị ứng với thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid. Ban Chỉ đạo đánh giá, đây là trường hợp hết sức hiếm gặp trong lịch sử tiêm chủng", Thứ trưởng Thuấn nhận định.
TS Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc chia sẻ, trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid là trường hợp rất đáng tiếc và cũng rất hiếm gặp.
"Bất cứ vắc xin nào, không nói riêng vắc xin Covid-19 đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, những phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn", TS Thái chia sẻ.
Sau 1 số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Covid-19, Thứ trưởng Thuấn cho biết: "Bộ Y tế đã rút ra một số kinh nghiệm là phải tăng cường hơn nữa việc tập huấn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến.
Hơn nữa, cần để ngay các lọ thuốc chống sốc, bơm kim tiêm chống sốc ngay trước mặt cán bộ tiêm chủng để giả sử có tình huống không may xảy ra thì cán bộ tiêm chủng sẽ kịp thời xử lý ngay. Vì tính an toàn và hiệu quả của việc xử lý các tình huống sốc phản vệ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tiêm chống sốc nhanh.
Đồng thời tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ hơn vai trò của vắc xin Covid-19. Nếu không có vắc xin+5K thì chúng ta không thể nào chiến thắng đại dịch", ông Thuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Thuấn cho rằng cần sàng sàng lọc kỹ hơn cho người tiêm, hỏi kĩ tiền sử bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp có cơ địa dị ứng cần tiêm vắc xin Covid-19 tại các Trung tâm y tế có giường bệnh hoặc tại bệnh viện để nếu có phản ứng nặng thì có thể được cấp cứu kịp thời.
Ngày 6/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và nhiều cán bộ Bộ Y tế cũng đã tiêm vắc xin Covid-19 Astra Zeneca.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một trong những điểm khác với nhiều nước là chúng ta tổ chức quy trình tiêm chủng rất chặt chẽ, rất cẩn thận, được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ;
Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
"Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống không mong muốn xảy ra trong tiêm chủng", Bộ trưởng khẳng định.
"Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, sau tiêm vắc xin Covid-19, các phản ứng sau tiêm phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có từ 1 – dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
Giống như vắc xin khác đã sử dụng nhiều năm, vắc xin Covid-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, muộn nhưng hiện nay Tổ chức Y tế thế giới WHO chưa có đủ dữ liệu. Cũng chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin Covid-19"
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia
Bài 3: "5K+vắc xin" mới có thể phòng dịch hữu hiệu