Nỗ lực "phủ sóng" vắc xin Covid-19 (bài 1): "Cuộc đua" ở Việt Nam
Diệu Linh
Thứ tư, ngày 19/05/2021 07:38 AM (GMT+7)
Vắc xin Covid-19 được xem là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để chống lại đại dịch. Cả thế giới đều "sôi sùng sục" muốn sở hữu vắc xin. Việt Nam cũng đang trong "cuộc đua" khốc liệt vừa tìm mua vừa đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.
Chiều 18/5, Bộ Y tế đã chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vắc xin Covid-19 của Công ty PfiZer. Đây là một trong những thành công trong nỗ lực "chạy đua" tìm mua vắc xin của Việt Nam thời gian qua.
Tích cực đàm phán mua vắc xin Covid-19
Chia sẻ cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất việc mua vắc xin Covid-19 của Pfizer (Mỹ) và chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vắc xin với Pfizer trong ngày hôm nay 18/5.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vắc xin Covid-19 của Công ty Pfizer, Bộ Y tế đã báo cáo về phương án mua vắc xin Covid-19 của Công ty Pfizer.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quá trình đàm phán để đi đến thoả thuận này với Pfizer đã được Bộ Y tế liên tục thúc đẩy trong suốt thời gian qua. Đại diện Pfizer tại Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực và mong muốn của Bộ Y tế để có thể có vắc xin cho người dân.
Nội dung đàm phán tập trung vào những điều khoản trong thoả thuận giữa hai bên liên quan đến trách nhiệm pháp lý, vấn đề thanh toán, bồi hoàn và các rủi ro khi thực hiện thoả thuận trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Như vậy, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vắc xin của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV trong năm nay, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vắc xin mà hai bên đã trao đổi và thống nhất trong thời gian qua.
Cũng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có những trao đổi, đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vắc xin Covid-19 như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)... với mục tiêu có đủ và đa dạng vắc xin Covid-19 phục vụ người dân và đang đẩy mạnh việc tiếp cận để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Tìm vắc xin Covid-19 từ nhiều nguồn
Trước đó, vào tối ngày 16/5, toàn bộ gần 1,7 triệu liều vắc xin Covid-19 do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. Lô vắc xin Vaxzevria (trước đây được gọi là vắc xin Covid-199 AstraZeneca) thứ 2 do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển.
Đây là lô vắc xin thứ 2 của Covax phân phối cho Việt Nam. Đợt 1 gồm 811.200 liều, chuyển tới Việt Nam sáng 1/4 vừa qua.
PGS. TS Dương Thị Hổng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, các thùng vắc xin được vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ đúng như quy định.
Trước lô vắc xin Covid-19 này, Việt Nam đã nhận lô đầu tiên từ COVAX vào tháng 4/2021. Lô vắc xin Covid-19 này nằm trong số 4,1 triệu liều vắc xin Covid-19 được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của Cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX là cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.
Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vắc xin, Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính.
Từ khi lô hàng vắc xin Covid-19 đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 4, đã có hơn 858.496 người được tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam, chủ yếu là cán bộ y tế và các nhân viên tuyến đầu khác. Lô vắc xin Covid-19 bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.
Lô vắc xin Vaxzevria này được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Catalent Biologics ở Anagni, Italy. Vắc xin Vaxzevria Covid-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3/2021 dưới tên cũ.
Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc xin Covid-19 trên toàn quốc.
Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc xin Covid-19.
Đã đàm phán được khoảng 110 triệu liều vắc xin Covid-19
Về nguồn vắc xin Covid-19 cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vắc xin để đảm bảo đủ vắc xin Covid-19 tiêm chủng cho người dân.
Song song với đó, Bộ Y tế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo tiêm chủng an toàn của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho người dân.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vắc xin Covid-19 cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin Covid-19 theo cơ chế chia sẻ chi phí (cost share).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, thế giới đang có hiện tượng vắc xin Covid-19 cung cấp không đủ mua, đang ở trong "cuộc đua tranh khốc liệt". Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vắc xin Covid-19 sớm nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vắc xin, thậm chí "phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vắc xin".
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm 2021, khi có vắc xin, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 quy mô rộng lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế của Việt Nam.
Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết về mua vắc xin Covid-19
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin Covid-19.
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược "5K+ vắc xin".
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vắc xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.
Trong điều kiện "chống dịch như chống giặc", khan hiếm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất.
Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Bài 2: Tiêm vắc xin Covid-19: An toàn được đặt lên trên hết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.